Chính trị

ĐBQH không chịu bất kỳ tác động nào làm ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu tín nhiệm

Thứ Tư, 25/10/2023 12:13:14 +07:00

(VTC News) - Trưởng ban công tác đại biểu của Quốc hội khẳng định không có bất kỳ tác động nào làm ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu tín nhiệm.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua và bỏ phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã thông tin thêm về vấn đề này.

Bà Thanh cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh lãnh đạo sẽ đánh giá dựa trên cả quá trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Bà kỳ vọng vào sự công tâm, khách quan, cách làm khoa học, đầy đủ các quy trình, thủ tục, cùng với năng lực, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước cử tri và Nhân dân.

ĐBQH không chịu bất kỳ tác động nào làm ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu tín nhiệm - 1

Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Nhiều điểm mới trong lấy phiếu tín nhiệm

- Đây là lần thứ tư Quốc hội tiến hành công tác lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo. Xin bà cho biết thêm về những điểm khác biệt của lần lấy phiếu tín nhiệm này so với 3 lần trước?

Trước hết, cần khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm hết sức hệ trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Trên cơ sở cụ thể hóa Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Tại Kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

So với Nghị quyết số 85 trước đây, Nghị quyết 96 lần này có 3 nội dung khác biệt chủ yếu.

Thứ nhất, Nghị quyết 96 quy định cụ thể người được lấy phiếu tín nhiệm phải viết báo cáo về kết quả hoạt động của mình từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Quy định rất chi tiết về các nội dung báo cáo, đặc biệt là về trách nhiệm, sự cam kết, những sản phẩm mà những chức danh đó đã được đảm nhiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Bên cạnh đó là phẩm chất đạo đức, lối sống, sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm. Đây là hai nội dung rất căn bản mà trong đó nội dung báo cáo về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đã có quy định cụ thể hơn.

Thứ hai, Nghị quyết số 96 quy định cụ thể không lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ đã có thông báo nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Ví dụ những người có quyết định chờ nghỉ công tác hay nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 thì sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này.

Thứ ba, đây cũng là điểm quan trọng nhất khi Nghị quyết số 96 quy định rất rõ hệ quả kết quả lấy phiếu với hai nội dung rất căn bản. Theo đó, những người được lấy phiếu tín nhiệm có 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Từ 2 hệ quả trên việc lấy phiếu tín nhiệm có vai trò quan trọng và rất thiết thực. Thông qua đó cũng đánh giá cán bộ, giúp cho những người giữ các chức vụ được quy định tại Nghị quyết số 96 nỗ lực hơn, cố gắng hơn trên cơ sở kết quả lấy phiếu.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định rất rõ ràng về phiếu lấy tín nhiệm sẽ có 3 mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm thì phiếu sẽ có hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.

Như vậy, Nghị quyết này đã đảm bảo đầy đủ và chi tiết để thực hiện được quyền giám sát của đại biểu Quốc hội và giúp cho đại biểu thực hiện được quyền của mình một cách tối ưu.

ĐBQH không chịu bất kỳ tác động nào làm ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu tín nhiệm - 2

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu. (Ảnh minh hoạ: Quochoi.vn)

 Bỏ phiếu tín nhiệm công tâm, khách quan

- Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tổ chức như thế nào để đảm bảo kết quả chính xác, khách quan nhất?

Nghị quyết 96 quy định cụ thể các mốc thời gian, các bước trong quy trình và thủ tục cho việc lấy phiếu và bỏ phiếu. Trên cơ sở đó, Ban Công tác đại biểu tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ sớm để ban hành kế hoạch triển khai lấy phiếu.

Ban Công tác đại biểu cũng tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công văn gửi đến những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp 6 chuẩn bị báo cáo theo hai nội dung: phẩm chất, bản lĩnh chính trị, tinh thần nêu gương, tinh thần trách nhiệm; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và bản kê khai tài sản.

Ngay từ đầu tháng 10/2023, tất cả các báo cáo của 44 cán bộ dự kiến được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi đến tận tay các đại biểu Quốc hội. Cùng với đó, các bản kê khai tài sản cũng đã được gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội ngay từ ngày khai mạc kỳ họp để các đại biểu có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu.

Cần lưu ý rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ đánh giá cả quá trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Với nhiều sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội và hoạt động của Chính phủ, tôi thấy rằng có rất nhiều những điểm thuận lợi để các đại biểu Quốc hội đánh giá, nhận xét, nhìn nhận những chức danh lấy phiếu lần này.

Tôi kỳ vọng vào sự công tâm, khách quan, cách làm khoa học, đầy đủ các quy trình, thủ tục, cùng với năng lực, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước cử tri và Nhân dân. Kết quả tín nhiệm lần này sẽ tiếp tục khẳng định việc lấy phiếu, bỏ phiếu ở Quốc hội là kênh quan trọng để các cấp có thẩm quyền đánh giá, nhận xét, quy hoạch, sử dụng cán bộ. Đặc biệt là những cán bộ cấp cao giữa các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chúng ta cùng chờ đợi vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng kết quả này sẽ tiếp tục là một trong những thành công, cũng là kinh nghiệm cho những khóa tiếp theo.

- Theo bà, các ý kiến đánh giá của đại biểu có ý nghĩa thế nào đến tính chính xác, khách quan của các lá phiếu?

Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng cho việc thảo luận ở Đoàn vào chiều ngày 24/10 và dành thời gian trong ngày 25/10 để báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình nếu có, sau đó sẽ tiến hành bỏ phiếu.

Các đại biểu Quốc hội đã được dành thời gian và không gian để thể thể hiện chính kiến của mình. Họ không bị lệ thuộc, phụ thuộc vào bất kỳ tác động nào làm ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm 44 chức danh.

- Trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, cử tri đặt nhiều kỳ vọng vào lá phiếu của các đại biểu Quốc hội. Bà có chia sẻ thêm gì đến cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội vào lúc này?

Lấy phiếu tín nhiệm là một trong những việc làm rất hệ trọng, thực hiện quyền giám sát của Quốc hội với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Việc các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát cũng chính là sự gửi gắm và ủy quyền của cử tri cả nước. Tôi cho rằng, với vai trò và trách nhiệm đại diện cho cử tri, việc được bỏ lá phiếu nhận xét với các chức danh là vấn đề rất hệ trọng đối với từng đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội - đại diện cho hàng triệu cử tri cần phải cân nhắc và suy nghĩ thật kỹ lưỡng, khách quan, công tâm và trách nhiệm để thể hiện việc tín nhiệm của mình theo các mức độ.

Tôi tin tưởng rằng gần 500 đại biểu Quốc hội sẽ không phụ lòng cử tri của cả nước để thực hiện việc rất hệ trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và bộ máy nhà nước của Việt Nam ta.

- Xin cảm ơn bà!

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn