Chính trị

'Chấm điểm' 44 cán bộ: Tỷ lệ tín nhiệm là căn cứ quan trọng để sắp xếp nhân sự

Thứ Tư, 25/10/2023 10:02:00 +07:00

(VTC News) - Các đại biểu Quốc hội đồng thuận cho rằng, kết quả phiếu tín nhiệm là căn cứ quan trọng để các cơ quan Trung ương sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp, đúng năng lực.

Hôm nay (25/10), Quốc hội tiếp tục thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người được lấy phiếu tại Kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV.

Cụ thể, vào buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Tiếp đó, Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.

Vào đầu giờ chiều, Ban kiểm phiếu sẽ báo cáo kết quả kiểm phiếu. Kết quả này sẽ được thông tin công khai đến các phương tiện thông tin đại chúng.

Kết quả tín nhiệm nói lên năng lực của cán bộ

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên, (Đoàn Điện Biên) cho biết, một trong những điểm khác biệt của việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên.

Nếu như trước đây, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ thì bây giờ kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ. Kết quả này làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Theo nữ đại biểu, căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm cũng có nhiều điểm đáng chú ý so với trước đây. Chẳng hạn, tiêu chí đánh giá tín nhiệm có xem xét cả sự gương mẫu không chỉ của bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm mà cả với vợ, chồng, con của họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao có tính đến cả tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao…

Đại biểu Tạ Thị Yên đánh giá, đây là những bước tiến mới cho thấy giá trị của việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất hơn, hiệu quả hơn; biện pháp áp dụng với người có tín nhiệm thấp cũng mạnh hơn, quyết liệt hơn, nhanh chóng hơn.

Thông qua kết quả tín nhiệm sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Từ đó, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bà Yên nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, đây là lúc sơ kết những điều đã làm được và chưa làm được của các ngành, lĩnh vực, trong đó vai trò của các "tư lệnh ngành" vô cùng quan trọng.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là sự đánh giá chính xác, công tâm, khách quan của các đại biểu Quốc hội với những người được lấy phiếu tín nhiệm về năng lực, phẩm chất trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cũng là sự ghi nhận, động viên của các đại biểu đối với những nỗ lực của những người được lấy phiếu.

"Kết quả phiếu tín nhiệm cũng là căn cứ để các cán bộ tự soi, tự sửa, nhìn nhận lại những yếu kém, tồn tại ở các ngành, lĩnh vực để kịp thời có giải pháp khắc phục", bà Nga nói và cho rằng, kết quả này cũng sẽ làm căn cứ quan trọng để các cơ quan Trung ương sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp, đúng năng lực.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) phân tích, với người giữ chức vụ, kết quả tín nhiệm là tấm gương soi, đánh giá của đại biểu Quốc hội, cử tri về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Việc lấy phiếu tín nhiệm có thể tạo động lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm của người được bầu hoặc phê chuẩn; không khí dân chủ, tích cực trong xã hội. Tất cả giúp ích rất nhiều cho sự phát triển chung của đất nước.

'Chấm điểm' 44 cán bộ: Tỷ lệ tín nhiệm là căn cứ quan trọng để sắp xếp nhân sự - 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí.

Lần thứ hai tham gia lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đánh giá đây hoạt động rất quan trọng tại nghị trường. "Lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội do cơ quan quyền lực cao nhất thay mặt nhân dân và cử tri thực hiện, nên rất cần thiết để lãnh đạo, trưởng ngành tự soi, tự xét, tự sửa", GS Trí nói.

Theo ông, khi kết quả kiểm phiếu được công bố, các vị lãnh đạo, trưởng ngành, được nhiều tín nhiệm cao sẽ thêm phấn khởi, tiếp tục phát huy. Người được nhiều phiếu tín nhiệm thấp sẽ "có thêm liều thuốc nhắc nhở cần cố gắng, nỗ lực hơn khi thực hiện chức trách".

"Qua lần lấy phiếu tín nhiệm năm 2018, tôi thấy nhiều vị lãnh đạo đã thay đổi theo hướng tích cực, tiến bộ hơn", ông Trí đánh giá.

Người có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp có thể xin từ chức

Nghị quyết 96 của Quốc hội nêu rõ có 3 mức độ tín nhiệm bao gồm "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".

Cùng với đó, Nghị quyết 96 cũng nhấn mạnh về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Cụ thể, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

'Chấm điểm' 44 cán bộ: Tỷ lệ tín nhiệm là căn cứ quan trọng để sắp xếp nhân sự - 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm sáng 25/10. (Ảnh: TTXVN) 

Với người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức.

Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Còn khi người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.

Những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV:

Khối Chủ tịch nước:

1. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (lần đầu)

Khối Chính phủ:

1. Thủ tướng Phạm Minh Chính (lần đầu)

2. Phó thủ tướng Lê Minh Khái (lần 2)

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang (lần đầu)

4. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (lần 2)

5. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (lần đầu)

6. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (lần 2)

7. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (lần 2)

8. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (lần đầu)

9. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (lần 2)

10. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng (lần đầu)

11. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (lần đầu)

12. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (lần đầu)

13. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (lần đầu)

14. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (lần đầu)

15. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (lần 2)

16. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (lần đầu

17. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (lần đầu)

18. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (lần đầu)

19. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (lần đầu)

20. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn (lần đầu)

21. Tổng Thanh tra Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (lần đầu)

22. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (lần đầu)

23. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh (lần đầu)

Khối Quốc hội:

1. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (lần 4)

2. Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (lần đầu)

3. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (lần 2)

4. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (lần 2)

5. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (lần đầu)

6. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường (lần đầu)

7. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh (lần 2)

8. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (lần 2)

9. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy (lần đầu)

10. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (lần đầu)

11. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (lần 2)

12. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (lần đầu)

13. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà (lần đầu)

14. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới (lần đầu)

15. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm (lần đầu)

16. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh (lần đầu)

17. Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình (lần đầu)

18. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn (lần đầu)

Khối Tư pháp:

1. Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình (lần 4)

2. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí (lần 2)

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn