Tin nóng

Rao bán công khai vũ khí trên mạng, vì sao khó xử lý hình sự? 

Thứ Ba, 20/09/2022 12:00:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù việc mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ diễn ra công khai trên mạng xã hội tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm nhưng chế tài xử lý chưa đủ răn đe.

Video: Rao bán súng tự chế tràn lan trên mạng xã hội

Hiện nay, hoạt động mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên mạng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi mua bán "hàng nóng" trên mạng xã hội gặp không ít khó khăn do khó xác định danh tính, địa chỉ cả người bán lẫn người mua và một số vướng mắc do quy định của pháp luật.

 Chế tài chưa đủ sức răn đe

Trả lời VTC News, Thượng tá Hoàng Trọng Kiên, Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm xâm phạm trật tự xã hội trên không gian mạng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, cho biết, một trong những nguyên nhân khiến việc phát hiện, xử lý việc mua bán trái phép vũ khí tự chế trên mạng xã hội gặp khó khăn là do các đối tượng triệt để lợi dụng tính ẩn danh của không gian mạng, sử dụng đa dạng các dịch vụ trực tuyến để phạm tội như: lập hàng nghìn tài khoản mạng xã hội YouTube, Facebook, Zalo, Telegram và nhiều hội, nhóm để livestream, quảng cáo mua, bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

“Những người bán vũ khí, vật liệu nổ không gặp mặt trực tiếp, chỉ liên hệ, trao đổi mua, bán qua số điện thoại (sim rác, sim ảo thuê trên mạng), tài khoản Zalo, Facebook, Telegram. Người mua phải thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng (thường là tài khoản không chính chủ, đi thuê/mượn của người khác), hình thức ship COD (nhận hàng, kiểm tra rồi trả tiền cho nhân viên giao hàng)", Thượng tá Hoàng Trọng Kiên thông tin.

Rao bán công khai vũ khí trên mạng, vì sao khó xử lý hình sự?  - 1

Thượng tá Hoàng Trọng Kiên cho biết, các đối tượng mua bán trái phép vũ khí tự chế trên mạng xã hội lợi dụng tính ẩn danh của không gian mạng, sử dụng đa dạng các dịch vụ trực tuyến để phạm tội. (Ảnh: Đắc Huy)

Về hình thức vận chuyển, theo ông Kiên, vũ khí, công cụ hỗ trợ được vận chuyển thông qua dịch vụ xe khách liên tỉnh. Các nhà xe quen biết, hoặc dịch vụ chuyển phát nhanh công nghệ.

Đặc biệt, để che mắt lực lượng chức năng, người bán chia nhỏ vũ khí thành nhiều bộ phận, linh kiện rồi đóng gói gửi nhiều lần; không ghi địa chỉ người gửi, khai báo không đúng loại hàng hóa cần gửi.

Thượng tá Hoàng Trọng Kiên đề cập, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến các đối tượng vẫn công khai hoạt động là do chế tài xử lý còn thiếu, yếu, chưa đủ sức răn đe.

“Để xử lý hình sự về hành vi này, trước đó, người bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bị xử lý vi phạm hành chính và thời gian xử phạt vẫn còn hiệu lực nhưng đối tượng lại tái phạm thì mới có thể xử lý hình sự”, ông Kiên dẫn chứng.

Cùng quan điểm về vấn đề này, trả lời VTC News, Thiếu tướng Vũ Thanh Chương - Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho hay, Hải Phòng giáp ranh nhiều địa phương, có nhiều cửa ngõ với nhiều hình thức giao thông vận tải phong phú. Vì thế, việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn hành vi vận chuyển vũ khí gặp nhiều khó khăn.

Thực tế, việc mua bán các loại súng trên mạng xã hội có giá thành rẻ, dễ che giấu trong khâu giao dịch, vận chuyển, thanh toán nên những năm gần đây các đối tượng triệt để lợi dụng.

Bên cạnh đó, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa (qua đường bưu điện hoặc qua doanh nghiệp vận tải) chưa được quản lý chặt chẽ, vẫn còn lỗ hổng khiến các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Việc chế tạo súng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng dễ làm, chi phí thấp, có thể nghiên cứu trên mạng Internet và tự chế tạo được như súng dạng Colt, dạng bút, dạng K59... bắn bằng đạn của súng thể thao.

Cùng chung nhận định, Giám đốc Công an TP Hải Phòng Vũ Thanh Chương cho biết, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính Phủ không quy định chế tài xử lý hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ linh kiện vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Điều 304, 305, 306 Bộ luật Hình sự chưa quy định về vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn nên khó khăn trong khởi tố, điều tra, truy tố xét xử tội phạm có liên quan.

Rao bán công khai vũ khí trên mạng, vì sao khó xử lý hình sự?  - 2

Giám đốc Công an TP Hải Phòng Vũ Thanh Chương cho rằng, việc xử lý các hành vi mua bán "hàng nóng" trên mạng xã hội gặp khó khăn do chế tài xử lý còn thiếu.

Giải mã hành vi phạm tội

Việc đấu tranh với các tội phạm mua bán, sử dụng vũ khí tự chế luôn được công an các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm. Đại tá Lê Hồng Thắng - Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TP Hải Phòng, cho biết, những năm gần đây, Hải Phòng rất quyết liệt xử lý những vụ việc liên quan vũ khí bán tràn lan, trong đó có súng. Đội đặc nhiệm gần như cập nhật thông tin với nhau hàng ngày.

“Bộ Công an đã có Kế hoạch số 105 về tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Công an Hải Phòng xác định tội phạm sử dụng vũ khí là tội phạm trọng tâm. Lãnh đạo Công an thành phố rất quan tâm và luôn đặt ra các thử thách để chúng tôi giải mã, chứng minh hành vi phạm tội bằng mọi nguồn, thể hiện sự quyết tâm không để những đối tượng lưu manh dùng thủ thuật chống lại hay lách luật", Đại tá Thắng nói.

Ông Lê Hồng Thắng nhấn mạnh, các loại súng được bán tràn lan, 1-2 triệu đồng cũng có thể mua được một khẩu súng nên nhiều người mua sẵn rồi cất đi, hoặc vì lực lượng công an siết chặt nên chưa thể sử dụng.

Trong những vụ án xảy ra trên địa bàn Hải Phòng, các đối tượng có thể mua mới hoặc mua từ trước súng và cất giấu. Khi bị bắt, người sử dụng súng không khai mua của ai nên cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng truy tìm người bán.

“Chúng tôi phải triển khai rất nhiều biện pháp. Các đối tượng nguy hiểm khả năng có vũ khí, chúng tôi phải khoanh vùng, áp dụng biện pháp quản lý, khi phát hiện họ có súng phải tìm mọi cách tịch thu.

Có những người không trong danh sách như trường hợp nam thanh niên nổ súng cướp chi nhánh Ngân hàng Vietcombank hồi tháng 1/2022, chúng tôi cũng khẩn trương áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, khoanh vùng đối tượng nên chỉ thời gian rất ngắn, nam thanh niên này đã bị bắt khi đang lẩn trốn trong một nhà nghỉ ở Thái Nguyên”, Đại tá Lê Hồng Thắng chia sẻ.

Kể thêm về thủ đoạn tinh vi của tội phạm hòng lách tội, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hải Phòng cho biết, có lần, lực lượng công an bắt đối tượng sử dụng ma tuý tại một khu đô thị ở Hải Phòng, phát hiện một khẩu súng. Tuy nhiên, khám xét, lực lượng công an xác định, súng không có kim hoả.

“Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi chứng minh được đối tượng mua súng đã bắn để thử súng và đây là khẩu súng hoàn chỉnh. Do đó, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can”, Đại tá Thắng nói.

Một trường hợp sau khi bị bắt, nghi phạm phi tang súng. Mặc dù huy động các lực lượng mò dưới sông tìm kiếm, cơ quan công an vẫn không tìm được vũ khí.

Không khuất phục trước thủ đoạn tinh vi của tội phạm, lực lượng Công an TP Hải Phòng yêu cầu nhân chứng mô tả, từ đó vẽ đối tượng, nhận dạng đó là súng gì. Sau đó, lực lượng chức năng phân loại, có cơ sở xử lý hành vi phạm tội mặc dù súng đã được phi tang.

Rao bán công khai vũ khí trên mạng, vì sao khó xử lý hình sự?  - 3

Đại tá Lê Hồng Thắng - Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP Hải Phòng. (Ảnh: Zing News)

Phát động phòng trào toàn dân tự nguyện giao nộp vũ khí

Để ngăn chặn hành vi mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội, Thượng tá Hoàng Trọng Kiên khuyến cáo người dân cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không sản xuất, tàng trữ, mua bán, chế tạo, vận chuyển vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.

“Công dân cần đề cao cảnh giác, khi phát hiện người có dấu hiệu tàng trữ, mua bán, chế tạo, vận chuyển vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ thì báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Các địa phương phát động phòng trào toàn dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và vũ khí tự chế nhằm góp phần làm giảm nguy cơ, điều kiện phát sinh tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự. Đặc biệt, A05 khuyến cáo thanh, thiếu niên không lên mạng Internet học cách chế tạo vật liệu nổ, pháo nổ", Thượng tá Kiên nói.

Rao bán công khai vũ khí trên mạng, vì sao khó xử lý hình sự?  - 4
Rao bán công khai vũ khí trên mạng, vì sao khó xử lý hình sự?  - 5

Cơ quan chức năng thu giữ nhiều súng quân dụng và súng tự chế (Ảnh bên trái, nguồn Báo Công an TP.HCM). Trong khi đó, tháng 1/2022, vụ việc Nguyễn Văn Nam (SN 1998) mua súng qua mạng, sau đó cướp hơn 3 tỷ đồng của một ngân hàng ở Hải An, Hải Phòng khiến dư luận bàng hoàng (Ảnh bên phải).

Ông cũng cho biết thêm, thời gian qua, Cục A05 đã chủ động nắm tình hình, làm tốt công tác điều tra cơ bản, xâm nhập hội nhóm diễn đàn có dấu hiệu hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng.

Qua đó, Cục đã tập hợp gần 60 hội, nhóm hoạt động mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ với tổng số hơn 90.000 thành viên. A05 đã phát hiện, xác minh, phối hợp công an các đơn vị, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao các địa phương triển khai các biện pháp công tác, xác minh, đấu tranh, xử lý đối tượng vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, A05 cũng đang phối hợp các bộ, ngành như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đại diện A05 tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương, đặc biệt là địa phương có đường biên giới, cửa khẩu, đường mòn lối mở phối hợp các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguồn cung vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ từ bên ngoài vào.

Minh Tuệ - Đắc Huy - Nguyễn Huệ - Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn