Chính trị

Luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là 'cởi trói' để sáng tạo

Thứ Ba, 22/11/2022 14:45:00 +07:00

(VTC News) - Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, giải quyết được rủi ro về pháp lý, sự chồng chéo trong quy định là căn cơ để "cởi trói" cho đổi mới, sáng tạo.

Audio: Chương trình Đối Thoại (Ban Thời sự - VOV1)

Luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là 'cởi trói' để sáng tạo - 1

Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng diễn ra tháng 12/2021. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).

Bảo vệ cán bộ phải bằng pháp luật

Trong khuôn khổ chương trình "Đối thoại" trên VOV1 với nội dung tìm ra nguyên nhân để có giải pháp hạn chế tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, có cơ chế hiệu quả và thực chất bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho rằng, hoàn thiện thể chế chính sách là giải pháp căn cơ, sẽ gỡ được "nút thắt" để cán bộ mạnh dạn phát huy năng lực, dám đột phá vì lợi ích chung.

Không có thể chế, cán bộ không có điều kiện để thực hiện. Có nghĩa là anh làm đúng có khi lại thành sai. Không thể bảo vệ cán bộ bằng lời nói mà phải được thể chế hóa bằng pháp luật”, Phó trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh.

Theo ông Nhưỡng, Bộ Nội vụ phối hợp các cơ quan liên quan đề xuất Ban cán sự Đảng của Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị nhằm bổ sung chủ trương hoàn thiện chính sách vào Kết luận 14. Sau đó, Bộ Chính trị báo cáo Quốc hội để Đảng đoàn Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ra nghị quyết cho phép làm thí điểm hoặc tổ chức xây dựng luật, nghị quyết để kỳ họp tới thông qua.

Đồng quan điểm về việc ưu tiên hoàn thiện thể chế chính sách, ông Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ Nội vụ - giải thích, ngay cả khi cán bộ công chức, viên chức năng động, sáng tạo, vẫn phải hành động trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật.

Thể chế, chính sách mà tốt thì không có câu chuyện anh 'làm danh, vụ lợi' gì cả, cứ đúng việc mà làm”, ông Hòa nói.

Nêu dẫn chứng về câu chuyện đấu thầu thuốc tại bệnh viện, ông Đinh Duy Hòa cho rằng, theo nguyên tắc, giá rẻ thường trúng thầu, mà giá rẻ thì chất lượng có thể kém. Nếu lãnh đạo bệnh viện có tâm, nghĩ cho người bệnh, thì sẽ chọn gói thầu đắt hơn để nguồn thuốc chất lượng. Nhưng lãnh đạo bệnh viện sẽ phải đối mặt nghi ngờ rằng “chân trong chân ngoài”, chọn gói thầu đắt để ăn "hoa hồng". 

Hoàn thiện thể chế chính là để làm sao giám đốc bệnh viện quyết phải mua các loại thuốc chất lượng hơn, mặc dù đắt hơn”, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính Bộ Nội vụ nói.

Luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là 'cởi trói' để sáng tạo - 2

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta phải dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không đơn giản "theo đuôi", chạy theo dư luận. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, ranh giới giữa dám nghĩ, dám làm, giữa sự sáng tạo với lợi dụng chủ trương để trục lợi cá nhân hoặc vì lợi ích nhóm rất mong manh.

Để bảo vệ cán bộ trước lằn ranh trên, điều cốt lõi là yếu tố con người. Trong khi đó, lãnh đạo, quản lý phải sáng suốt, công tâm, hiểu thấu bản chất sự việc, cũng như mục đích mà cán bộ cấp dưới dám nghĩ, dám làm hướng đến điều gì. Bởi thực tế, nếu cán bộ dưới quyền một lãnh đạo, quản lý thiếu bản lĩnh thì rất khó “xé rào” để triển khai những điều mới mẻ.

Bình luận về thực trạng này, ông Lưu Bình Nhưỡng cho hay, cần có văn bản pháp lý quy định trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý và có chế tài rõ ràng đối với những cá nhân cố tình ngăn chặn cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm.

Phải tạo được kênh gồm những tiêu chuẩn, tiêu chí để người ta hoạt động. Một con thuyền muốn bơi được thì để cho người cầm lái biết là dòng nước, luồng lạch như nào”, ông Nhưỡng nói.

Để phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, ông Nhưỡng nêu giải pháp, có thể xây dựng cơ chế cho phép người đứng đầu tạo ê kíp hoạt động.

Khi thi tuyển làm lãnh đạo, anh có kế hoạch tổ chức ê kíp của mình và với lời hứa sẽ đạt mục đích, hiệu quả. Cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm, đánh giá, nếu lãnh đạo, quản lý đó có sự năng động, sáng tạo thì phải bảo vệ họ. Chúng ta kiên quyết bảo vệ những người đó, sẽ có được hạt giống tốt”, ông Nhưỡng nêu rõ.

Đồng tình với giải pháp của ông Nhưỡng, ông Đinh Duy Hòa khuyến nghị, Chính phủ cần có ngay nghị định về việc bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm trong tình hình hiện nay.

Cùng đó, theo ông Hòa, trong khi chờ luật hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị, cần phải có cơ chế để tổ chức thí điểm, làm thử những cái mới mà chưa có quy định pháp luật.

Ông Hòa cho biết, trên thực tế, việc thí điểm cơ chế đã được thực hiện nhiều lần và đó là điều cần thiết. Thí điểm để tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, vướng mắc từ thực tiễn.

Tất nhiên làm thử, thí điểm sẽ được phép vượt ra khỏi những quy định hiện hành”, ông Hoà nói.

Luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là 'cởi trói' để sáng tạo - 3

 

Không thể bảo vệ cán bộ bằng lời nói mà phải được thể chế hóa bằng pháp luật.

Ông Lưu Bình Nhưỡng

Phát huy quyền giám sát của Nhân dân

Nhìn nhận từ thực tế, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, không ít cán bộ mang danh nghĩa hành động quyết liệt, tinh thần tiến công, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung nhưng lại độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành.

Họ áp đặt đoàn kết, xuôi chiều dân chủ hình thức để phục vụ ý đồ cá nhân và lợi ích nhóm, thao túng tổ chức, coi những người có ý kiến khác là cản trở sự phát triển chung để thực hiện hành vi tham nhũng.

Là cán bộ, lời nói phải đi đôi với việc làm. Anh nói trong sạch, quyết tâm, vì dân, vì cơ quan, vì lợi ích chung… thì phải thực hiện đúng những gì anh nói. Chứ không phải nói thế rồi anh lại tìm cách cào cấu lợi ích cho bản thân”, ông Nhưỡng đặt vấn đề.

Ngay cả trong tập thể tổ chức, cơ quan, cũng như người dân, đều biết và thấy rõ một bộ phận cán bộ suy thoái nhưng chúng ta đang thiếu quy định xử lý theo thông tin, phản ánh của người dân. Chống tham nhũng, tiêu cực không còn là câu chuyện nội bộ của cơ quan Đảng, Nhà nước mà là vấn đề xã hội.

Muốn chống tham nhũng, tiêu cực phải công khai, minh bạch, có cơ chế để người dân và tổ chức xã hội tham gia. Nếu còn vo viên trong phạm vi, bao che cho nhau rất dễ”, ông Nhưỡng nói thêm.

Còn ông Đinh Duy Hòa cho rằng, vấn đề xử lý cái bộ sai phạm không mới, đã được thực hiện thường xuyên, liên tục trong những năm qua.

Tuy nhiên, một số vụ việc cán bộ tham nhũng bị phát hiện quá muộn, gây thiệt hại lớn về mặt xã hội, điển hình vừa qua là vụ việc Cựu Bí thư Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã nhận hối lộ từ năm 2010 đến tận năm 2021 để Công ty AIC dễ dàng trúng các gói thầu dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm sao triệt để, sâu sát hơn. Giám sát, kiểm tra thường xuyên thì chắc chắn sẽ phát hiện ra sớm. Và muốn làm tốt thì phải khơi thông, phát huy giám sát từ xã hội”, ông Hoà cho hay.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn