Hơn 200 nhà khoa học tố WHO ‘phớt lờ’ nguy cơ COVID-19 truyền trong không khí

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 05/07/2020 19:08:05 +07:00
(VTC News) -

Hơn 6 tháng kể từ khi đại dịch diễn ra, 200 nhà khoa học trên khắp thế giới lại đặt câu hỏi lớn về cách thức lây lan của COVID-19.

Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ vẫn khẳng định rằng người dân chỉ phải lo lắng về hai loại lây truyền của COVID-19: hít phải các giọt hô hấp từ người bị nhiễm bệnh ở phạm vi gần hoặc chạm vào bề mặt bị ô nhiễm và sau đó chạm lên mắt, mũi hoặc miệng của mình.

Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng WHO đã bỏ qua con đường thứ ba cũng có nguy cơ truyền nhiễm nhiều không kém: aerosol.

Hơn 200 nhà khoa học tố WHO ‘phớt lờ’ nguy cơ COVID-19 truyền trong không khí - 1

Hơn 6 tháng kể từ khi đại dịch diễn ra, 200 nhà khoa học trên khắp thế giới lại đặt câu hỏi lớn về cách thức lây lan của COVID-19. (Ảnh minh họa: SCMP/Shutter Stock)

Theo các chuyên gia này, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các hạt được gọi là aerosol - phiên bản siêu nhỏ của giọt hô hấp thông thường - có thể lơ lửng trong không khí trong thời gian dài và trôi nổi hàng mét. Điều này đồng nghĩa với việc COVID-19 có thể không chỉ truyền qua hít phải các giọt hô hấp ở phạm vi gần (thường được quy định là dưới 2m theo các hướng dẫn giãn cách xã hội), mà còn có thể truyền trong môi trường phòng thông gió kém, xe buýt và các không gian hạn chế khác, dù mọi người đứng cách xa nhau.

Lidia Morawska, giáo sư khoa học khí quyển và kỹ thuật môi trường tại Đại học Công nghệ Queensland, Brisbane, Australia cho biết: "Chúng tôi chắc chắn 100% về điều này".

Các nhà khoa học đã gửi thư ngỏ tới WHO, cáo buộc cơ quan này không đưa ra những cảnh báo thích hợp về rủi ro trên. Tổng cộng có 239 nhà nghiên cứu từ 32 quốc gia ký bức thư, dự kiến được công bố trong tuần tới trên một tạp chí khoa học.

Các chuyên gia cho rằng việc truyền qua aerosol là cách duy nhất để giải thích cho một số trường hợp "siêu lây lan": Ví dụ như trường hợp lây lan giữa các thực khách đã ngồi bàn riêng trong nhà hàng ở Trung Quốc, hay những thành viên dàn hợp xướng ở bang Washington trong một buổi tập luyện dù họ đã đề phòng.

Hơn 200 nhà khoa học tố WHO ‘phớt lờ’ nguy cơ COVID-19 truyền trong không khí - 2

Số ca nhiễm mới trên mức 50.000/ngày ở Mỹ trong nhiều ngày qua.

Các quan chức của WHO từng thừa nhận rằng virus corona gây COVID-19 có thể truyền qua aerosol, nhưng chỉ xảy ra trong các quy trình y tế như đặt ống nội khí quản, khi có thể phát sinh một lượng lớn các hạt siêu nhỏ.

Các quan chức CDC không trả lời yêu cầu bình luận, theo SCMP.

Trong khi đó Tiến sĩ Benedetta Allegranzi, một chuyên gia hàng đầu của WHO về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng, trả lời câu hỏi của Thời báo Los Angeles rằng Morawska và nhóm của bà đã đưa ra các lý thuyết dựa trên thí nghiệm trong phòng thí nghiệm thay vì bằng chứng từ hiện trường.

"Chúng tôi đánh giá cao và tôn trọng ý kiến và đóng góp của họ trong cuộc tranh luận này", Mitch Allegranzi viết. Nhưng theo chuyên gia này, trong các cuộc họp từ xa hàng tuần, phần lớn trong hơn 30 chuyên gia quốc tế tư vấn cho WHO "không đánh giá có đủ bằng chứng thuyết phục để coi việc truyền qua aerosol là có vai trò quan trọng với COVID-19".

Bà nói thêm rằng con đường này sẽ dẫn đến nhiều ca bệnh và sự lây lan virus nhanh hơn hiện tại.

Kể từ khi virus corona được phát hiện lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 12/2019, sự hiểu biết về cách dịch bệnh lây lan đã nâng cao đáng kể. Các hướng dẫn liên quan đến việc sử dụng khẩu trang thay đổi theo đó.

Hơn 200 nhà khoa học tố WHO ‘phớt lờ’ nguy cơ COVID-19 truyền trong không khí - 3

Trong các cuộc phỏng vấn, các chuyên gia cho rằng việc truyền qua aerosol là cách duy nhất để giải thích cho một số trường hợp "siêu lây lan". (Ảnh minh họa)

Những người coi trọng nguy cơ lây truyền qua aerosol nghĩ đeo khẩu trang đúng cách sẽ giúp ngăn chặn việc thở ra cũng như hít phải các hạt siêu nhỏ. Nhưng họ cho biết cũng có thể giảm bớt sự lây lan bằng cách cải thiện hệ thống thông gió và xử lý không khí trong các tầng hầm với ánh sáng cực tím.

Donald Milton, giáo sư sức khỏe môi trường tại Đại học Maryland, người cùng viết thư ngỏ, cho biết trung bình một người hít vào 10.000 lít không khí mỗi ngày. “Bạn chỉ cần một lượng lây nhiễm trong 10.000 lít, nên có thể rất khó tìm ra. Đó là vấn đề”.

Phương Anh(Nguồn: South China Morning Post)
Bình luận
vtcnews.vn