Chính trị

Hai phi công đầu tiên và cuối cùng đánh thắng B-52

Thứ Năm, 22/12/2022 09:51:00 +07:00

(VTC News) - Người đầu tiên bắn hỏng máy bay B-52 là phi công Vũ Đình Rạng và người làm quả tên lửa thứ ba hạ gục Pháo đài bay là phi công Vũ Xuân Thiều.

Cả hai phi công xuất sắc này của Không quân Việt Nam đều là những người có mặt đầu tiên trong Phi đội 5 bay đêm (Trung đoàn 921, Sư đoàn 371) ngay từ ngày đầu thành lập 23/7/1968: Thiếu úy Vũ Đình Rạng thuộc Trung đội 2, còn Thiếu úy Vũ Xuân Thiều ở Trung đội 3.

Hai phi công đầu tiên và cuối cùng đánh thắng B-52 - 1

 

Trong chuyến xe chở 13 cựu phi công của Phi đội 5 trở về thăm đơn vị cũ ngày 7/12/2022 mà nhóm phóng viên VTC News có may mắn đi cùng, ông Vũ Đình Rạng nổi bật với nụ cười rạng ngời và lối ăn nói hóm hỉnh. Các cựu phi công trong xe luôn dành cho ông sự kính trọng. Họ khẳng định ông là người đầu tiên đánh thắng B-52.

… 19h40 ngày 20/11/1971, Sở Chỉ huy tiền phương phát hiện B-52 bay vào liền hạ lệnh cho phi công Hoàng Biểu cất cánh làm nhiệm vụ nghi binh. Hoàng Biểu đã hoàn thành nhiệm vụ khiến địch tưởng nhầm MiG-21 đã về sân bay phía Bắc.

Đó là vì trước đó, cứ vào buổi chiều MiG-21 của Phi đội bay đêm thay nhau bay vào ém tại các sân bay dã chiến ở Quân khu IV nhằm đánh chặn B-52 rồi trở về các sân bay phía Bắc hạ cánh. Địch đã biết rõ quy luật ấy. Nhưng tương kế tựu kế, địch đã sa vào bẫy ta giăng sẵn.

1 giờ sau, từ sân bay Utapao (Thái Lan) tốp máy bay gồm 3 chiếc B-52 máy bay tiêm kích hộ tống bay vào chiến trường Quân khu IV để ném bom rải thảm nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh - con đường hậu cần huyết mạch từ miền Bắc vào miền Nam. Chỉ huy tốp máy bay là phi công lái B-52 lão luyện David Robert Volker phục vụ tại Bộ Chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ (Stregic Air Command - SAC).

Hai phi công đầu tiên và cuối cùng đánh thắng B-52 - 2

 

Radar của ta phát hiện tốp máy bay trên không phận Savanakhet (Lào) theo hướng bay vào Việt Nam. 20h30, từ sân bay Anh Sơn, chàng trai 26 tuổi quê ở xã Nam Thắng (Tiền Hải, Thái Bình) được lệnh xuất kích. Anh Rạng bay thấp để tránh ra đa mặt đất và trên biển của địch phát hiện, hạn chế liên lạc với mặt đất.

Tới vùng trời thuộc huyện Đô Lương (Nghệ Anh), anh phát hiện B-52. Bay lên độ cao 9.000 m, anh xin phép chuẩn bị công kích. Sở Chỉ huy do Trung tá Trần Hanh đứng đầu dẫn đường tốt, liên tục thông báo khoảng cách giữa máy bay MiG-21 và B-52.

Cách tốp máy bay địch khoảng 15 km, anh Rạng bỏ thùng dầu phụ, bật radar và bắt được tín hiệu của 3 chiếc B-52. Tiếp tục bám sát, khi cách chiếc B-52 số 3 trong đội hình địch khoảng 6 km, anh bay vút lên cao và bám đuổi một chiếc B-52 khác rồi xin phép công kích.

Sở Chỉ huy cho phép, anh Rạng giữ ổn định điểm ngắm rồi phóng 1 quả tên lửa, rồi kéo lên vòng lại. Anh phóng nốt 1 quả tên lửa vào chiếc B-52 thứ hai sau đó thoát ly, bay trở về sân bay Anh Sơn hạ cánh an toàn.

Chiếc B-52 chỉ huy trong 3 chiếc B-52 trong đội hình hôm đó bị bắn hỏng phải lết bay trở về sân bay và không bao giờ cất cánh được nữa.

Hai phi công đầu tiên và cuối cùng đánh thắng B-52 - 3

 

Tuy nhiên, chiến công vang dội ấy chỉ được công nhận sau hàng chục năm, khi những viên phi công Mỹ thoát chết trong trận không kích đó lên tiếng và các quan chức Mỹ thừa nhận.

“Chúng tôi từng tuyên bố B52 là bất khả xâm phạm, không có vũ khí nào có thể tấn công được. Nhưng giờ đây B52 đã bị Không quân nhân dân Việt Nam bắn trúng” -Ông David Robert Volker khẳng định.

Hai phi công đầu tiên và cuối cùng đánh thắng B-52 - 4

 

Ngay sau khi phi công Phạm Tuân bắn rơi B-52, kinh nghiệm của cuộc không chiến được nhanh chóng thông báo trong toàn đơn vị. Thêm nữa, trước những tang tóc B-52 gây nên ở Hà Nội, Hải Phòng trong những ngày qua càng khắc sâu lòng căm thù và ý chí quyết chiến, quyết thắng của các phi công. Từ trước đó, họ đã âm thầm tự nhủ: Phải hạ bằng được B-52, sẵn sàng làm quả tên lửa thứ ba để đánh B-52 tan xác.

Trong bối cảnh ấy, đêm 28/12/1972, phi công Vũ Xuân Thiều xuất kích từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Để cho chúng tôi hiểu thêm về sự dũng cảm của vị anh hùng liệt sĩ và sự khốc liệt của chiến tranh cựu phi công Hoàng Biểu kể: “Gọi là sân bay, nhưng đây vốn là một nương ngô giữa hai ngọn núi. Sau khi chặt hết ngô, công binh ta mới dùng xe ủi san phẳng, dùng xe lu lèn chặt đất biến bãi đất trong khe núi thành đường băng dã chiến khoảng 2.000 m. Sân bay chỉ cất, hạ cánh được một chiều vì đầu bên kia là núi rồi”.

Trầm ngâm một chút, ông Hoàng Biểu kể tiếp: “Chiều 23/12/1972, máy bay của Vũ Xuân Thiều đã cơ động vào đây. Nhưng, tới 2 giờ sáng 24/12, bằng tình báo kỹ thuật địch đã phát hiện ra nên cho 3 chiếc B-52 vào rải thảm. Đường băng hư hỏng rất nặng. Địch tưởng chừng như đã xóa sổ sân bay dã chiến này rồi. Tuy nhiên, chúng ta lại cho một tiểu đoàn công binh gấp rút sửa lại. Làm ngày làm đêm cho đến 28/12 thì hoàn thành”.

Cựu phi công Hoàng Biểu - cũng là người trực chỉ huy ở sân bay Cẩm Thủy - chia sẻ: Vũ Xuân Thiều được lệnh cất cánh lúc 21h41, bay theo hướng Tây để sẵn sàng chặn đánh tốp B-52 từ phía Lào bay sang qua Sơn La. 21h58, Thiều phát hiện được mục tiêu, nhưng trời tối, nhiễu nhiều nên phải phán đoán cự ly bằng mắt theo đèn hàng hành của B-52.

Sau khi đã bắn tên lửa vào B-52, anh cũng mất luôn liên lạc. Chiếc B-52 đó rơi xuống khu vực bản Cò Nòi (Mai Châu, Sơn La). Cùng với những mảnh xác B-52 cũng có những mảnh vỡ của MiG-21.

Video: Những giây phút cuối cùng của phi công Vũ Xuân Thiều

“Thời kỳ đó có ý kiến cho rằng phi công Vũ Xuân Thiều đã cảm tử lao vào máy bay địch?” - Chúng tôi hỏi Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân. Ông Tuân trả lời: “Trước khi ký hiệp định Paris, đồng chí Võ Nguyên Giáp lên Trung đoàn 921 soạn thảo mệnh lệnh cho quân đội ta thì Đại tướng có gọi tôi lên nói chuyện về máy bay. Không biết ai thông tin thế nào mà Đại tướng hỏi tôi: “Có phải cậu thông tin cho Thiều là phải bắn gần không? Cho nên Thiều mới  vào máy bay địch”. Tôi báo cáo với Đại tướng là tôi chỉ báo cáo cho Sở chỉ huy thôi… Ngày ấy làm gì có điện thoại di động, tôi không biết thông tin với anh Thiều như thế nào”.

“Tôi chỉ nói là cần bắn gần, phải bắn gần thôi bởi vì khi tôi bắn, Sở chỉ huy cho khẩu lệnh: “Bắn, thoát ly ngay bên trái”. Khẩu lệnh thứ hai “Bắn, thoát ly ngay bên trái”, tôi bảo “Chờ tí”. Khẩu lệnh thứ ba “Bắn, thoát ly ngay bên trái”, tôi lúc bây giờ mới kéo máy bay lên, ấn nút. Ba khẩu lệnh như vậy, tôi mà bắn theo khẩu lệnh thứ nhất thì xa, khẩu lệnh thứ hai vẫn còn xa, khẩu lệnh thứ ba thì đúng lúc… Có lẽ từ cái đó, người ta mới báo cáo với Đại tướng phải bắn gần” - Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.

Còn Đại tá Hoàng Biểu - cấp trên của Anh hùng Lực lượng vũ trang Vũ Xuân Thiều hồi tưởng: “Phi công chúng tôi thời ấy là thế. Nói là nghị quyết, hay là gì cũng được, nhưng tất cả các phi công đều có quyết tâm, không phải hô đâu mà cứ tự hiểu bắn bằng tên lửa B-52 không rơi thì phải bắn bằng chính con người mình. Nó nhẹ nhàng lắm!”.

Hai phi công đầu tiên và cuối cùng đánh thắng B-52 - 5

 

Bình luận
vtcnews.vn