Chính trị

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Xây dựng 'siêu cảng' Cần Giờ bằng công nghệ xanh

Thứ Sáu, 09/02/2024 14:54:00 +07:00

(VTC News) - Theo Chủ tịch TP.HCM, triển khai dự án Cảng quốc tế Cần Giờ, yêu cầu đòi hỏi tất yếu là công nghệ xây dựng cảng phải công nghệ xanh, tác động đến môi trường ít nhất.

Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TP.HCM cần tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đây là 1 trong những nội dung được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

- Thưa ông, một trong những dự án được quan tâm hiện nay là xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, vậy tiến độ đến nay ra sao?

Xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được xác định trong Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển TP.HCM. Hiện tại Bộ Giao thông - Vận tải đã trình hồ sơ để điều chỉnh quy hoạch cảng.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Xây dựng 'siêu cảng' Cần Giờ bằng công nghệ xanh - 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng phối hợp với các cơ quan hoàn thiện hồ sơ về dự án và đã trình Chính phủ, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương, các chuyên gia để thẩm định.

Chúng tôi thấy, đây là thời điểm, là cơ hội để phát triển Cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam, mà cụ thể tại Cần Giờ để Việt Nam có thể tham gia vào vào chuỗi này. Nếu làm kịp thì đây thực sự là cơ hội, còn nếu như chậm thì sẽ bỏ lỡ cơ hội và việc đầu tư trở lại sẽ mất thêm nhiều thời gian.

Trong quá trình triển khai dự án, một yêu cầu đòi hỏi tất yếu là công nghệ xây dựng cảng phải là công nghệ xanh, phải xây dựng cảng, vận hành cảng, phải tác động đến môi trường ít nhất.

Có thể nói rằng, cho đến giờ này, với những nghiên cứu, kết quả mà chúng tôi thu được thì phần ảnh hưởng là có, nhưng nó nhỏ so với hiệu quả của dự án. TP.HCM sẽ tiến hành dự án này rất cẩn trọng, trên tinh thần hiệu quả, không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Xây dựng 'siêu cảng' Cần Giờ bằng công nghệ xanh - 2

Hình ảnh thiết kế hiện đại của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Về cạnh tranh của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai với Cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) có hay không, hiện nay TP.HCM đang nhờ các đại học có uy tín trên thế giới nghiên cứu bước đầu. Chúng tôi thấy điểm tương trợ giữa hai cảng này trong tương lai sẽ nhiều hơn là điểm triệt tiêu. Cho nên đây cũng là việc mà chúng tôi thấy rất mừng.

Hai cảng này sẽ hình thành 1 cụm cảng, sẽ nâng hiệu quả hoạt động và sẽ nâng tính cạnh tranh của cảng Việt Nam với các cảng quốc tế khác. 

Có một số ý kiến của chuyên gia là nên tiếp cận từ phía cảng Cái Mép - Thị Vải bằng đường trên cao, tôi cho rằng đây là một ý kiến rất hay. Chúng ta xác định, 2 cảng này là một cụm thì sẽ kết nối lại với nhau và sẽ kết nối ra bên ngoài thông qua đường trên cao hoặc một hình thức nào đó.

Việc này, thời gian tới trong quá trình hoàn thiện dự án sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng và sẽ có cách tiếp cận hiệu quả nhất về mặt chi phí kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM, ông đã đề cập tới mục tiêu đến năm 2030, thành phố sẽ giảm 10% phát thải. Năm nay, TP.HCM bước vào hành trình "xanh hóa" nền kinh tế, đây được xem là một mục tiêu khá tham vọng. TP.HCM sẽ làm gì để đạt mục tiêu này, thưa ông?

Phát triển xanh là xu hướng mà thế giới đang đang đi và nó sẽ là tất yếu đối với nền kinh tế của Việt Nam và TP.HCM.

Từ tháng 10/2020, TP.HCM đã ban hành kế hoạch gồm 56 chương trình và 30 dự án nhằm thực hiện mục tiêu này nhằm hướng đến là giảm phát thải. TP.HCM đang thực hiện và lồng ghép các chương trình, dự án này.

Vừa qua, TP.HCM cũng ban hành khung chiến lược về tăng trưởng xanh đến năm 2030 và đang hoàn thiện để trình HĐND ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh của thành phố. Dự kiến sẽ trình vào kỳ họp giữa năm 2024 này. 

Chúng tôi sẽ tập trung để giảm phát thải thông qua giao thông, tức là khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, chuyển đổi các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Xây dựng 'siêu cảng' Cần Giờ bằng công nghệ xanh - 3

Phát triển xanh là xu hướng mà thế giới đang đang đi và nó sẽ là tất yếu đối với nền kinh tế của Việt Nam và TP.HCM.

Ngoài ra sẽ giảm phát thải thông qua sản xuất, đó là chuyển đổi công nghệ sản xuất bằng cách áp dụng kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải thông qua các hành vi.

Đồng thời, TP.HCM sẽ đầu tư để giải quyết các vấn đề về xử lý nước thải, rác thải, xử lý tiết kiệm các nguồn đầu vào cho quá trình sản xuất và sinh hoạt của thành phố.

Đây là một việc rất lớn, phải cần thời gian, nguồn lực và phải cần sự tham gia của doanh nghiệp và người dân. Chúng tôi mong muốn bên cạnh những chính sách của thành phố, chính sách của Nhà nước thì các doanh nghiệp cũng phải có sự đầu tư. Người dân cũng phải thay đổi nhận thức, hành vi để thực hiện trong quá trình chuyển đổi xanh.

Thành phố cũng mong muốn được hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực cho quá trình chuyển đổi xanh được diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

-  Năm 2024, TP.HCM đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8 %, trong khi chỉ số này của năm 2023 là 5,81%. Vậy mục tiêu đặt ra năm nay có phải là quá lớn?

Năm 2024, TP.HCM đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng là từ 7,5 - 8 %, đây là thách thức lớn nhưng thành phố sẽ cố gắng. Với chỉ tiêu này, thành phố đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng quý và đã triển khai các giải pháp, các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng ngay từ đầu năm.

Trong đó, chúng tôi tập trung để thúc đẩy các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu cũng như tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới thông qua việc triển khai Nghị quyết 98. 

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ nghiên cứu các xu hướng phát triển mới, các mô hình kinh doanh mới để thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội, mở rộng thị trường và đa dạng hóa các hình thức thương mại.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Xây dựng 'siêu cảng' Cần Giờ bằng công nghệ xanh - 4

Công nhân, kỹ sư tăng tốc sản xuất. (Ảnh: Băng Tâm)

Với những nỗ lực này, trong tháng 1/2024, TP.HCM đã có kết quả đáng mừng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 26,9% so với cùng kỳ; doanh số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 24,4%; xuất nhập khẩu tăng 23,3%; giải ngân vốn đầu tư công đã tăng 3,2 lần so với tháng 1/2023... Nhờ vậy tthu ngân sách của thành phố đạt được 16,7% so với dự toán.

Thành phố sẽ tiếp tục cập nhật các kịch bản tăng trưởng và có một số trọng tâm. Quan trọng, chúng tôi sẽ lên kịch bản tăng trưởng cho hàng tháng để bổ sung các cái giải pháp để đảm bảo tăng trưởng đạt được những chỉ tiêu đề ra.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục gia cố các động lực tăng trưởng hiện hữu. Đồng thời phát triển thêm các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư chiến lược để làm sao đảm bảo chắc chắn rằng tăng trưởng sẽ đạt được các chỉ tiêu đấy.

Đặc biệt thành phố sẽ tập trung vào cải cách hành chính cho công tác điều hành, để làm sao tăng hiệu quả của nền hành chính cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Với các giải pháp đồng bộ như thế chúng tôi tin tưởng sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng của năm.

- Năm 2024, TP.HCM được giao vốn đầu tư công cao kỷ lục. TP.HCM sẽ làm những gì để giải ngân đầu tư công không giống thời gian qua?

Năm 2024, TP.HCM có nhiệm vụ giải ngân 80.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn (370.000 tỷ đồng). Đây là khối lượng vốn lớn, nhiệm vụ rất nặng nề nhưng nếu làm tốt, đầu tư công sẽ đóng góp lớn cho sự tăng trưởng.

TP.HCM đã rất chủ động cho công tác giải ngân đầu tư công năm nay. Đến lúc này, chúng tôi đã có quyết định giao vốn cho tất cả chủ đầu tư, tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tuần lễ đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, thành phố sẽ giao ban đầu tư công lần đầu tiên trong năm để rà soát, cập nhật việc thực hiện các nhiệm vụ.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Xây dựng 'siêu cảng' Cần Giờ bằng công nghệ xanh - 5

Năm 2024, TP.HCM có nhiệm vụ giải ngân 80.000 tỷ đồng vốn đầu tư công.

Chúng tôi thấy rằng, việc triển khai là khá chủ động và kết quả của tháng 1 đã giải ngân gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Qua kinh nghiệm các năm trước, chúng tôi đã xác định được một số vấn đề trong công tác giải ngân đầu tư công. Đầu tiên là chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân tất cả vốn được giao, theo sát từng dự án và báo cáo, phối hợp, tháo gỡ khi có tình huống phát sinh.

Thủ tục cho các dự án đầu tư công phải được rút ngắn so với quy định chung và công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần được tập trung.

Bên cạnh đó, việc điều hành vốn cần theo sát tình hình để điều chỉnh khi cần thiết. Ví dụ, nếu một dự án không kịp thời giải ngân thì phải điều chỉnh, thành phố đã chuẩn bị các dự án trong trung hạn để kịp thời thay thế.

Cơ quan thường trực theo dõi công tác giải ngân đầu tư công là Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ trực tiếp phụ trách và sẽ có đề xuất với UBND thành phố. Và thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc phân cấp, ủy quyền và kể cả là xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công.

Đó là các biện pháp tổng hợp chúng tôi tập trung ngay từ đầu năm với quyết tâm năm nay, TP.HCM giải ngân đạt kết quả cao nhất trong 80.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giao.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ giải ngân đầu tư công năm 2024, TP.HCM đã nói rất nhiều về tinh thần trách nhiệm của các bên liên quan trong vấn đề giải ngân đầu tư công.

Trước hết, chủ đầu tư phải có trách nhiệm nắm chắc nhiệm vụ, lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện cho từng dự án, từng công trình.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Xây dựng 'siêu cảng' Cần Giờ bằng công nghệ xanh - 6

Năm 2023, nhiều công trình trọng điểm của TP.HCM được khởi công.

Tiếp theo là các sở, ngành cần có trách nhiệm trong thẩm định các nội dung liên quan, phối hợp giải quyết hồ sơ, thủ tục. Yêu cầu được đặt ra là các dự án đầu tư công cần giảm 30% thời gian thực hiện thủ tục so với quy định chung.

Kế đến là trách nhiệm của quận, huyện trong giải phóng mặt bằng, trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì phải nắm được nhiệm vụ này.

Năm nay, đơn vị phải giải phóng bao nhiêu dự án, diện tích bao nhiêu, số hộ, bao nhiêu, quỹ nền định cư tái định cư ở đâu, căn hộ tái định cư ở đâu, vấn đề gì phát sinh. Nếu có vấn đề gì thì phải báo cáo để theo dõi.

Chúng tôi đã có quy định rất cụ thể và có quyết định về công tác phối hợp để đánh giá kết quả. Bằng việc giao ban hàng tháng, thành phố sẽ đánh giá được các bên có đảm bảo tiến độ hay không, vướng chỗ nào và trách nhiệm thuộc về ai. TP.HCM sẽ xử lý trách nhiệm hàng tháng, hàng quý tùy theo mức độ.

- Với cương vị là người đứng đầu chính quyền TP.HCM, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông gửi gắm gì tới người dân, doanh nghiệp trên địa bàn?

Năm 2024 là năm tăng tốc về đích. Tôi mong muốn nhân dân thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan tiếp tục phát huy kết quả của năm 2023 là đoàn kết, năng động, sáng tạo.

Từ đó tập trung triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm để thực hiện đạt và vượt những chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và tiếp tục đưa thành phố phát triển, sẵn sàng về đích trong năm 2025.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn