Tin nóng

Yêu cầu chuyển xe điện khỏi chung cư mini: Lối mòn 'không quản lý được thì cấm'

Thứ Sáu, 22/09/2023 15:49:59 +07:00

(VTC News) - Theo ĐBQH Phạm Văn Hoà, quận Thanh Xuân yêu cầu di chuyển xe máy, xe đạp điện khỏi chung cư mini là mang tính "chữa cháy", cứ việc nào không làm được thì cấm.

Video: Hướng dẫn chi tiết cách thoát hiểm khi cháy chung cư, nhà cao tầng

Sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) khiến 56 người chết, hàng loạt chung cư, nhà trọ trên địa bàn Hà Nội siết chặt, cấm cư dân sạc xe điện dưới tầng hầm, thậm chí không cho sử dụng xe điện.

Dư luận chưa hết xôn xao về làn sóng "tẩy chay" xe điện thì tại hội nghị chiều 21/9, ông Võ Đăng Dũng - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) - cho biết, các đoàn kiểm tra của quận yêu cầu di chuyển toàn bộ xe máy, xe đạp điện tại tầng 1 khỏi chung cư mini, nhà thuê trọ trên địa bàn.

Ngay sáng 22/9, bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội, bà Bùi Huyền Mai - Bí thư Quận uỷ Thanh Xuân trả lời báo chí và cho rằng quận không có chủ trương này. Bà Mai lấy ví dụ nếu có bãi để xe gần đó thì vận động người dân di dời xe máy, xe đạp điện và những vật dụng dễ cháy ra khỏi khu vực tầng hầm để bảo đảm các yêu cầu cao hơn về phòng cháy chữa cháy.

Những thông tin trên đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Yêu cầu chuyển xe điện khỏi chung cư mini: Lối mòn 'không quản lý được thì cấm' - 1

Tầng 1 của các nhà trọ, chung cư mini tại Hà Nội thường được sử dụng làm nhà để xe. (Ảnh: CAND).

Lặp lại lối mòn "không quản lý được thì cấm"

Trả lời phóng viên VTC News, ĐBQH Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phản đối chủ trương cấm xe máy, xe đạp điện tại các chung cư mini.

"Không hề có quy định hay văn bản pháp luật nào cấm xe máy, xe máy điện, xe đạp điện tại các toà nhà, chung cư mini. Nếu anh đưa ra lệnh cấm, di dời những phương tiện này ra khỏi chung cư mini thì đang xâm hại quyền lợi của người dân", ông Hoà khẳng định.

Đại biểu Phạm Văn Hoà nêu rõ, Việt Nam là nước đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người chưa cao nên xe máy, xe đạp điện là phương tiện phù hợp và được đại đa số người dân lựa chọn. 

Bên cạnh đó, khi bỏ tiền ra mua nhà, thuê nhà, quyền lợi đính kèm trên hợp đồng là được để xe tại nhà xe.

"Chung cư nào ở Việt Nam cũng có loại xe đó. Giờ bắt di chuyển, di dời thì người dân mang đi đâu?", ông Hoà đặt câu hỏi.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, quận Thanh Xuân là địa bàn đông dân cư, tình hình an ninh - xã hội phức tạp. Nếu chính quyền đưa ra các quy định cực đoan sẽ khó được người dân chấp thuận.

"Quyết định đó mang tính "chữa cháy" là phần nhiều, cứ việc nào không làm được thì cấm, cấm vô lý, cấm phi lý, không nhìn vào điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình. Mình cấm cái nào nó phù hợp với thực tiễn mà người dân có thể chấp nhận được", ông Hoà nêu quan điểm.

Theo vị ĐBQH, liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản cũng có phần lỗi của chính quyền. Cơ quan quản lý Nhà nước phải biết nhận trách nhiệm và tìm giải pháp phù hợp, không lấp liếm cái sai của mình bằng cách áp đặt quy định bất lợi cho người dân.

Yêu cầu chuyển xe điện khỏi chung cư mini: Lối mòn 'không quản lý được thì cấm' - 2

 

Dư luận xã hội chắc chắn sẽ cho rằng, thời gian qua các anh không quản lý được, không làm được trò trống gì, khi sự việc nghiêm trọng xảy ra thì cấm này, cấm kia. Chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng đó là sai sót của chính quyền và cái sai này đã tồn tại từ rất lâu rồi nhưng chính quyền bao che, chống lưng.

ĐBQH Phạm Văn Hoà

Để tránh gây ra phản ứng tiêu cực mang tính dây chuyền trong người dân, ông Hoà kiến nghị lãnh đạo TP Hà Nội phải nghiên cứu, xem xét việc quận Thanh Xuân yêu cầu di chuyển xe máy, xe đạp điện khỏi chung cư mini, nhà trọ.

Cũng theo ĐBQH Phạm Văn Hoà, các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp cũng cần thẩm tra quy định như vậy có hợp lý không.

Luận bàn dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, việc cấm để xe máy, cấm sạc xe điện ở chung cư mini, phòng trọ là phản ứng có phần thái quá.

Vị luật sư cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc cấm sạc, để xe điện, xe máy dưới hầm chung cư mini, phòng trọ. Tuy nhiên, mỗi chung cư đều có nội quy và được thông qua bởi cư dân sinh sống ở đó.

Thay vì thực hiện cứng nhắc, ông Quách Thành Lực đề xuất các chung cư có thể bố trí khu vực sạc điện riêng cho các phương tiện. Những nơi này cần có hệ thống điện tốt, khoảng cách giữa các phương tiện đảm bảo, có hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, ông Lực cho rằng phải luôn có người túc trực để có thể xử lý sự cố khi cần thiết.

"Vấn đề hết sức quan trọng nữa là cần sớm hoàn thiện quy định pháp lý để thống nhất việc để xe, sạc xe điện ở các khu chung cư và căn hộ tập thể, bởi đây đã, đang và sẽ là phương tiện gắn với đời sống, sinh hoạt của người dân", luật sư Lực nói.

Yêu cầu chuyển xe điện khỏi chung cư mini: Lối mòn 'không quản lý được thì cấm' - 3

Một số chủ nhà trọ, ban quản lý chung cư ra quy định cấm xe đạp điện, xe máy điện.

Nhìn nhận sai lầm và có phần quy chụp

Dưới góc độ kỹ thuật, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) - cho biết, muốn phòng chống cháy nổ phải hiểu rõ nguyên nhân và bản chất vấn đề thì mới có giải pháp đúng và trúng.

"Với tôi việc cấm như vậy là chưa đúng về mặt kỹ thuật và mang tính chất cực đoan", vị chuyên gia nói và nêu rõ, trên thực tế mọi loại phương tiện giao thông đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Theo ông Phúc, cách đây vài năm, Hà Nội nói riêng và trên cả nước rộ lên thực trạng cháy ô tô, cháy xe máy. Ông cùng các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện các cuộc điều tra và rút ra những kinh nghiệm để đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hạn chế rủi ro.

"Chúng ta cũng đã thực hiện tuyên truyền cho người dân sử dụng sản phẩm đúng cách, đúng phương pháp kỹ thuật và hướng dẫn của nhà sản xuất. Đồng thời siết chặt quản lý sản phẩm, không đưa sản phẩm kém chất lượng ra ngoài thị trường, trong đó có vấn đề chất lượng xăng, dầu", ông Phúc nói.

Mặc dù xe điện là loại phương tiện có tuổi đời non trẻ ở Việt Nam nhưng PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho biết, năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành QCVN 91:2005 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện.

Theo đó, QCVN 91:2005 đánh giá pin, ắc quy ở 2 yếu tố là khả năng tích trữ năng lượng và tính an toàn. Ông Phúc cho hay, về tính năng đảm bảo an toàn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ thử nghiệm khả năng chịu nạp quá mức, khả năng ngắn mạch, khả năng chịu rung động...

"Cùng sự phát triển của xã hội và sự phát triển của công nghệ, QCVN 91:2005 được "update" lên thành QCVN 91:2019 vào năm 2019 với việc nâng cấp thêm tính năng an toàn", ông Phúc nói và cho biết pin, ắc quy sẽ phải thử nghiệm với điều kiện ngập nước, chèn ép…

Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, những điều kiện thử nghiệm rất khốc liệt so với điều kiện sử dụng bình thường nên khi vượt qua "bài test" thì pin và ắc quy có tính an toàn cao, hạn chế được khả năng cháy nổ.

Tuy vậy, ông Phúc thừa nhận, vì một vài nguyên do trong công tác quản lý, trên thị trường vẫn tồn tại những loại xe máy, xe điện có pin và ắc quy không đạt tiêu chuẩn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng chỉ ra thực tế người dùng không tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, tiến hành độ, chế sản phẩm theo ý thích.

"Xe điện hạn chế về quãng đường đi nên nhiều người muốn độ pin, ắc quy để chạy dài hơn. Với cục pin nhà sản xuất làm như thế, giờ anh độ công suất lớn hơn dẫn đến toả nhiệt sẽ kém, nguy cơ cháy nổ rất cao.

Hay cũng cùng chiếc xe đó, khi pin cũ, bạn mang đi sửa, người thợ không đủ trình độ, kỹ năng sẽ thay những phụ tùng rẻ tiền. Vẫn khối pin đó, vẫn công suất đó nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ đi kèm", ông Phúc phân tích.

Ông Đàm Hoàng Phúc đánh giá việc cấm xe máy, xe đạp điện tại các chung cư mini đang tạo ra sự "an toàn giả" bởi các vấn đề căn cơ, gốc rễ đã bị bỏ qua.

Thay vào đó, ông Phúc kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ đầu ra sản phẩm từ nhà sản xuất đến với thị trường, hạn chế tiến tới loại bỏ những sản phẩm không đạt quy chuẩn. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tuyên truyền cho người dân không độ chế pin, ắc quy của xe máy, xe đạp điện và lựa chọn các cơ sở uy tín để sửa chữa.

"Chúng ta có thể nâng cao hơn nữa quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện. Năm 2019 đã nâng rồi thì giờ nếu cần thì nâng cao hơn nữa. Như vậy nguy cơ cháy nổ sẽ giảm đi rất nhiều", PGS.TS Đàm Hoàng Phúc chia sẻ thêm.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn