Tụt hậu trước đối thủ, Mỹ tìm cách kiềm chế công nghệ tên lửa của Nga

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 27/10/2023 06:36:00 +07:00
(VTC News) -

Trước cảnh tụt hậu so với Nga trong các chương trình tên lửa tấn công tầm xa, Mỹ chuyển sang sử dụng các hiệp ước an ninh để kiềm chế Moskva mở rộng kho vũ khí.

Theo Sputnik, thời gian gần đây Mỹ liên tiếp đưa ra cho Nga các đề xuất về kiểm soát và giới hạn kho vũ khí chiến lược, tuy nhiên động thái này của Washington không nhận được sự hồi đáp từ Moskva. Giới quan sát đều cho rằng cả hai bên đều quá hiểu nhau và những đổ vỡ trước đây đối với Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) khó có thể phục hồi.

Chuyên gia quốc tế người Mỹ Earl Rasmussen cho rằng thông qua các đề xuất kiểm soát vũ khí chiến lược Mỹ đang cố gắng xây dựng một "câu chuyện" bản thân là một cường quốc có trách nhiệm với nhân loại. Washington luôn thể hiện đang nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân và ngăn chặn Thế chiến thứ 3.

“Họ muốn làm ra vẻ như họ đang chủ động trong khi thực tế không có gì mới ở đó cả. Tôi nghĩ có lẽ họ cũng có mối lo ngại nào đó", ông Rasmussen cho biết.

Mỹ muốn sử dụng các hiệp ước an ninh để kiểm soát chương trình tên lửa của Nga nhưng Moskva sẽ không dễ dàng chấp nhận điều này. (Ảnh: TASS)

Mỹ muốn sử dụng các hiệp ước an ninh để kiểm soát chương trình tên lửa của Nga nhưng Moskva sẽ không dễ dàng chấp nhận điều này. (Ảnh: TASS)

Cũng theo ông Rasmussen, Mỹ đề xuất một thỏa thuận đủ kiểm soát vũ khí vì họ biết Nga đang sở hữu các tên lửa tấn công mà họ không có. Washington sẽ ra sức để ngăn Moskva phát triển kho vũ khí mới vì lợi ích chính nước này chứ không phải vì tương lai của nhân loại.

Ông Rasmussen cũng nhắc lại rằng Mỹ là bên đơn phương rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga. Moskva không có lý do gì để tin tưởng những đề xuất của Mỹ, ít nhất với chính quyền hiện tại.

Theo Rasmussen, có vẻ như chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dành sự quan tâm đến việc thực hiện các bước cụ thể để hàn gắn mối quan hệ với Nga, trong khi hầu hết giới tinh hoa ở Washington đều giữ lập trường đối đầu thay vì hòa hoãn với Moskva.

“Tôi nghĩ họ rất khó chịu vì không thể chiếm được Crimea vào năm 2014. Họ không thể lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Tâm trạng của các chiến lược gia Mỹ không hề tốt khi mọi kế hoạch họ cố gắng thực hiện nhằm kiểm soát Nga đều thất bại", ông Rasmussen phân tích.

Ông Rasmussen cũng cho rằng sẽ không có tiến triển nào trong việc nối lại đối thoại kiểm soát vũ khí chiến lược giữa Mỹ và Nga cho đến khi có “sự thay đổi về chính quyền” và “sự thay đổi lớn về nhân sự cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ”.

Trong khi đó ông Dmitry Suslov - thành viên Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga lập luận rằng, giới lãnh đạo ở Washington thực sự có thể đang tìm cách thuyết phục công chúng Mỹ rằng cuộc chiến tranh hỗn hợp mà Mỹ và các đồng minh hiện đang tiến hành chống lại Nga vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

“Để chứng minh rằng an ninh của nước Mỹ sẽ không bị suy yếu, Washington đang cố gắng thiết lập lại đối thoại Mỹ-Nga về sự cân bằng chiến lược. Nếu thành công họ mạnh dạn tuyên bố rằng không có rủi ro nào đối với an ninh Mỹ từ Nga bởi vì hai bên vẫn duy trì hợp tác kiểm soát vũ khí hạt nhân lẫn nguy cơ leo thang đối đầu", ông Suslov phân tích.

Quan hệ Mỹ và Nga khó có thể quay lại như trước nếu Washington tiếp tục cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Moskva. (Ảnh: Politico)

Quan hệ Mỹ và Nga khó có thể quay lại như trước nếu Washington tiếp tục cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Moskva. (Ảnh: Politico)

“Mỹ chỉ đơn giản muốn hợp pháp hóa và biện minh cho việc tiếp tục cuộc chiến hỗn hợp chống lại Nga và chứng minh cho dư luận cũng như giới tinh hoa của nước này thấy rằng chính sách đối ngoại hiện tại hoàn toàn an toàn".

Ông Suslov cũng có cùng suy nghĩ với Rasmussen khi cho rằng triển vọng hàn gắn mối quan hệ của Mỹ với Nga trong tương lai gần khó có thể xảy ra. Thực tế này khó có thể thay đổi nếu chính quyền Biden vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraine. Chuyên gia này cũng tỏ ra không lạc quan về một cuộc đối thoại an ninh giữa Moskva và Washington sẽ sớm được hai bên tổ chức.

“Tôi nghĩ rằng chừng nào Mỹ còn tiến hành cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Nga, thì việc nối lại bất kỳ cuộc đối thoại nào với Mỹ đều sẽ có hại và phản tác dụng đối với an ninh và lợi ích của Nga. Bởi vì nó sẽ chứng minh rằng chiến lược của Mỹ hiện tại là đúng đắn", ông Suslov nhấn mạnh.

Bình luận về những đề xuất mới mà Washington gửi đến Moskva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết trong cuộc họp báo hôm 25/10 rằng Nga không sẵn lòng thảo luận các vấn đề như kiểm soát vũ khí với Mỹ ở thời điểm hiện tại.

Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh rằng việc nối lại đối thoại về ổn định chiến lược giữa Moskva và Washington “đơn giản là không thể thực hiện được theo hình thức trước đây nếu không có sự thay đổi về thái độ thù địch cơ bản của Mỹ đối với Nga”.

Trà Khánh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn