Thất bại quân sự liên tiếp, Tổng thống Ukraine trách phương Tây không 'tận tâm'

Thời sự quốc tếThứ Hai, 04/03/2024 15:07:21 +07:00
(VTC News) -

Tổng thống Zelensky cho rằng các đồng minh NATO đã không tận tâm trong hỗ trợ quân sự cho Kiev, khiến Ukraine liên tiếp hứng chịu các thất bại trên chiến trường.

Sputnik dẫn tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 2/3 nói, các đồng minh NATO của Kiev đang biến vấn đề viện trợ quân sự thành “quân bài” chính trị trong nước hơn là  tìm cách hỗ trợ cho Ukraine. Ông cũng cảnh báo phương Tây sẽ sớm thấy hậu quả vì hành động này.

“Ukraine không yêu cầu gì hơn ngoài vũ khí có thể tự bảo vệ mình”, ông Zelensky nói trong cuộc họp báo sau vụ tấn công máy bay không người lái của Nga vào thành phố cảng Odessa.

Tổng thống Zelensky cho rằng các đồng minh phương Tây hành động chưa đủ để giúp Kiev giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga. (Ảnh: AP)

Tổng thống Zelensky cho rằng các đồng minh phương Tây hành động chưa đủ để giúp Kiev giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga. (Ảnh: AP)

Nhận xét của Tổng thống Zelensky được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ chưa thể thông qua viện trợ quân sự bổ sung cho Kiev ước tính 61 tỷ USD. Ngoài ra các nước thành viên NATO cam kết viện trợ thêm 4,5 tỷ USD cho Ukraine nhưng chưa được giải ngân.

Các con số trên khác xa so với số tiền hơn 125 tỷ USD được chuyển cho Kiev trong hai năm xung đột. Mọi việc càng trở nên khó khăn hơn khi Kiev đã sử dụng hết nguồn lực của nước này nhưng vẫn không thể đạt được các thay đổi tích cực trên chiến trường trong năm 2023.

Các bên đổ lỗi cho nhau

Theo chuyên gia quân sự, cựu thủy quân lục chiến Mỹ Brian Berletic: “Các chiến dịch quân sự của Ukraine trong năm 2023 thất bại vì nhiều lý do, bao gồm thiếu vũ khí và đạn dược, cũng như do lực lượng được huấn luyện kém và lên kế hoạch tác chiến chưa sát với thực tế”.

“Vũ khí và đạn dược Ukraine nhận được không đủ số lượng cần thiết để đánh bại lực lượng Nga hoặc xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga. Một số loại vũ khí có khả năng tấn công như tên lửa hành trình, rocket dẫn đường, hệ thống phòng không và tác chiến điện tử không được chuyển giao trước chiến dịch phản công vào mùa hè 2023”, ông Berletic nhấn mạnh.

Berletic cho rằng các hành động quân sự của Ukraine bị hạn chế khá nhiều khi họ không có nhiều lựa chọn cho mỗi đợt tấn công. Ngay cả khi có vũ khí trong tay, Kiev cũng không có đủ nhân lực để thực hiện các chiến dịch quân sự có chiều sâu.

Cựu trung tá Mỹ Earl Rasmussen cũng đồng ý với nhận định trên, cho rằng Tổng thống Zelensky đang tìm cách đổ hết mọi thất bại quân sự cho phía đồng minh phương Tây sau khi cuộc phản công thất bại. Lý do Kiev đưa ra là họ không có đủ vũ khí còn phương Tây lại do dự trong việc tăng viện trợ.

Chiến dịch phản công mùa hè thất bại buộc Ukraine phải thay đổi chiến lược, trong khi đó họ không còn nhận được viện trợ từ phương Tây như trước. (Ảnh: AP)

Chiến dịch phản công mùa hè thất bại buộc Ukraine phải thay đổi chiến lược, trong khi đó họ không còn nhận được viện trợ từ phương Tây như trước. (Ảnh: AP)

Theo ông Rasmussen, Nga đã thiết lập một tuyến phòng thủ nhiều tầng, họ có ưu thế về pháo binh cũng như phòng không. Trong khi đó Ukraine ngoài pháo binh tầm xa gần như không có hỗ trợ hỏa lực nào khác.

“Đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Chiến dịch phản công mùa hè của Ukraine không nên diễn ra”, ông Rasmussen nói và nhận định “số lượng vũ khí không thực sự quan trọng” vì ngay từ đầu Nga đã vượt trội hơn tất cả.

Công nghiệp quân sự của Ukraine bị huỷ hoại

Chuyên gia Berletic cho biết, trước cuộc chính biến năm 2014, Ukraine là một trong những quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng lớn nhất ở châu Âu dựa trên nền tảng họ được kế thừa từ Liên Xô.

Tuy nhiên sau năm 2014, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine bước vào giai đoạn thoái trào khi mất đi đối tác quan trọng nhất là Nga. Trong khi đó Kiev gần như không tìm được khách hàng nào đủ lớn để thay thế cho Moskva.

Khả năng công nghiệp quốc phòng bị suy giảm buộc Ukraine phải phụ thuộc vào phương Tây như một nguồn cung cấp vũ khí, đạn dược. Việc Ukraine đã bị cuốn vào một cuộc xung đột toàn diện với Nga càng làm sự phụ thuộc của Kiev đối với vũ khí phương Tây lớn hơn.

Rasmussen mô tả xung đột Ukraine như một “kế hoạch rửa tiền khổng lồ” khi vũ khí phương Tây dưới mọi hình thức được đổ vào Ukraine bất kể mới hay cũ. Công nghiệp quốc phòng Ukraine với sự hỗ trợ từ đồng minh thay vì mạnh lên thì ngày càng suy yếu.

Chuyên gia Rasmussen còn nhận định, kho vũ khí của Ukraine quá đa dạng và nó tạo ra thêm vấn đề mới cho quân đội nước này.

Quân đội Ukraine không còn khả năng tự chủ nguồn cung vũ khí và phải dựa hoàn toàn vào phương Tây nếu muốn tiếp tục xung đột. (Ảnh: AP)

Quân đội Ukraine không còn khả năng tự chủ nguồn cung vũ khí và phải dựa hoàn toàn vào phương Tây nếu muốn tiếp tục xung đột. (Ảnh: AP)

“Một số vũ khí là thiết bị cũ của Đông Âu, một số khác là của NATO… Tất cả các hệ thống này đều có những điểm khác biệt khiến việc hỗ trợ hậu cần trở nên phức tạp”, Rasmussen nói.

Rasmussen cho rằng, phương Tây đã đánh giá thấp khả năng của Nga cũng như ngành công nghiệp quốc phòng nước này trong việc mở rộng xung đột hay điều chỉnh theo tình hình chiến sự. Nước Nga ngày nay không còn giống với đầu những năm 1990.

Cựu Trung tá Mỹ cho biết, Ukraine đã bị đặt "vào một tình huống rất khó khăn ngay từ đầu". Phương Tây chưa chuẩn bị cho một cuộc xung đột trực tiếp với một đối thủ cạnh tranh ngang hàng như Nga.

Quân đội Nga sở hữu sức mạnh pháo binh vượt trội và hệ thống phòng không tốt nhất nhì thế giới và cả ưu thế trên không. Nguồn nhân lực của Moskva có thể đáp ứng cho xung đột kéo dài cũng tốt hơn phần còn lại của châu Âu.

“Bây giờ phương Tây lại nói đến việc tái đầu tư vào Ukraine, dù nhận được sự hỗ trợ Kiev vẫn mất nhiều năm để đưa các nhà máy vũ khí vào hoạt động trở lại. Nếu xung đột chưa kết thúc các cơ sở này ngay lập tức bị Nga tấn công”, Rasmussen nói.

Trà Khánh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn