Phóng sự

Thăm nhà ông chủ hãng sơn Đông Á trong 'Biệt động Sài Gòn'

Thứ Hai, 12/02/2024 07:15:00 +07:00

(VTC News) - Chiến tranh đã lùi xa, đất nước thống nhất gần nửa thế kỷ, căn nhà của "ông chủ hãng sơn Đông Á" trở thành nơi hội ngộ đặc biệt cho những người ở lại.

Cỗ thang máy cổ với hai cánh cửa sắt phải đóng mở bằng tay đưa chúng tôi lên lầu 2, nơi trưng bày các chứng tích của gia đình ông chủ thầu khoán Dinh Độc Lập Mai Hồng Quế (tên thật là Trần Văn Lai - Năm Lai), người giàu có nức tiếng Sài Thành 70 năm trước và cũng là một chiến sĩ biệt động can trường.

Câu chuyện về cuộc đời ông đã được thể hiện một phần qua nhân vật Hoàng Sơn, chủ Hãng sơn Đông Á trong bộ phim Biệt động Sài Gòn, tác phẩm kinh điển của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Đón chúng tôi là bà Đặng Thị Tuyết Mai (tức Đặng Thị Thiệp) - người vợ thứ hai và anh Trần Vũ Bình - con trai ông Năm Lai. Bà Tuyết Mai và anh Bình là những người đang gìn giữ chút chứng tích cuối cùng còn sót lại của chồng, của cha mình.

Thăm nhà ông chủ hãng sơn Đông Á trong 'Biệt động Sài Gòn' - 1

Căn nhà của ông Trần Văn Lai, nơi từng dùng để hội họp bí mật của biệt động Sài Gòn nay trở thành bảo tàng.

Cuộc hội ngộ qua di ảnh

Một cụ bà ngót nghét tuổi 100, mặc bộ đồ lam đã ngả màu cũ kỹ, đầu đội mũ ni, bước chân không còn vững phải có người dìu, nhưng vẫn cố gắng với tay chạm vào tấm di ảnh của ông Năm Lai treo trên cao, miệng reo mừng: “Năm Lai nè, Năm Lai đây nè!”.

Bà là Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông (tên thật là Phạm Thị Bạch Liên), nữ cán bộ biệt động thành phố Sài Gòn - Gia Định, đồng đội của ông Năm Lai gần 70 năm trước. Ở giai đoạn đặc biệt ác liệt của cuộc chiến, bị truy quét gắt gao, họ cùng cải trang hoạt động giữa lòng địch. Cô bé giao liên Diệu Thông dáng người nhỏ thó, luôn lọt thỏm giữa đám đông được ông Năm Lai chiều như em út trong gia đình.

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, đất nước thống nhất gần nửa thế kỷ, họ hội ngộ qua… di ảnh.

Thăm nhà ông chủ hãng sơn Đông Á trong 'Biệt động Sài Gòn' - 2

 Ni trưởng Diệu Thông (phải) và bà Tuyết Mai trong lần hội ngộ hiếm hoi.

Ni trưởng Diệu Thông không giấu nổi xúc động: “Ổng là tỷ phú, là trùm thầu khoán. Ổng thầu luôn làm nội thất trong Dinh Độc Lập mà. Hồi đó ổng nhiều nhà, nhiều xe hơi lắm... Ổng giàu mà ổng thương tui lắm, xin gì cũng cho. Bây giờ nhà đâu hết rồi, mấy chục căn nhà đâu hết rồi?”.

Tưởng như cuộc đời trần tục và những ký ức đã trôi qua gần 70 năm trước đã chìm trong tiếng kinh chiều kệ sớm, nhưng không, tấm di ảnh trên ban thờ đã đưa Ni trưởng Diệu Thông và bà Tuyết Mai về với những kỷ niệm về người đàn ông mà họ hằng kính phục, gắn bó.

Thời đó, ông Năm Lai được biết đến với cái tên tỷ phú Mai Hồng Quế: vàng hàng trăm ký, nhà mấy chục căn, xe cả chục chiếc… Đó là do tài năng kinh doanh, khả năng tạo vỏ bọc có một không hai và sự chắt chiu để đóng góp cho cách mạng của ông.

Đến bây giờ, khi nhớ lại, hai người phụ nữ vẫn tấm tắc: “Thật sự là một vỏ bọc quá hoàn hảo, giúp ích cho cách mạng nhiều và nhất là bảo đảm an toàn cho những người cùng hoạt động với ông ấy”.

Ngày trước, hình ảnh bà Tuyết Mai không mấy đẹp trong mắt giới nhà giàu Sài Gòn. Trong mắt mọi người, và cả Ni trưởng Diệu Thông hồi đó, bà Tuyết Mai chỉ là “cô nhân tình” đáng tuổi con của tỷ phú Mai Hồng Quế. Vì tiền, mà đến.

Thăm nhà ông chủ hãng sơn Đông Á trong 'Biệt động Sài Gòn' - 3

 Ni trưởng Diệu Thông, bà Tuyết Mai và anh Trần Vũ Bình bên di ảnh ông Trần Văn Lai.

Từ “đứa ở” thành ông trùm thầu khoán

Trước khi trở thành tỷ phú Mai Hồng Quế, ông Năm Lai chỉ là một cậu bé nhà nghèo ở xã Vũ Đông (huyện Kiến Xương, nay thuộc TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Để thoát khỏi cảnh nghèo, năm 13 tuổi, cậu rời Vũ Đông lên Hà Nội. Một mình nơi phố thị lạ lẫm, ông xin làm người ở cho các gia đình giàu có.

Khi ông chủ người Pháp có việc quay về nước, cậu thiếu niên Năm Lai được gửi lại cho quan án sát Phạm Gia Nùng với lời giới thiệu: “Đây là đứa ở được việc”.

Từ đó, ông Năm Lai kề cận quan án sát. Ông nhanh nhẹn, thông minh nên được quan án sát dẫn đi trong nhiều dịp gặp gỡ quan khách. Thậm chí, vợ bé của quan còn tự hào khoe với quan khách ông là cháu của chồng, xem như con cái trong nhà.

Xuất thân trong dòng họ Trần Đông A, ông được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. 16 tuổi, ông chính thức tham gia cách mạng, trở thành chiến sỹ biệt động. Với lý lịch đáng tin là con cháu nhà quan án sát Phạm Gia Nùng, ông được tổ chức điều vào Sài Gòn hoạt động. Dù vậy, để đường đường chính chính sinh sống tại đất Sài Thành không phải dễ dàng.

Theo sự sắp xếp của tổ chức, ông trở thành chồng của bà Phạm Thị Phan Chính (tên thật là Phạm Thị Chinh), cũng là một nữ biệt động đang sống dưới danh nghĩa là cháu của ông chủ tiệm vàng Phú Xuân, một trong những tài phiệt giàu có nhất thành phố lúc bấy giờ.

Sau khi trở thành vợ chồng, nhờ sự hậu thuẫn của bà Chính, nhờ uy tín của gia đình vợ với chính quyền lúc đó cũng như sự khéo léo của bản thân, dưới vỏ bọc Mai Hồng Quế, “đứa ở được việc” ngày nào được tin cậy giao làm chủ thầu khoán, chịu trách nhiệm trang trí nội thất Dinh Độc Lập.

Sau khi nhận thầu khoán Dinh Độc Lập, các thương vụ làm ăn sau đó lần lượt đến với ông. Cũng từ đây, tỷ phú Mai Hồng Quế nổi tiếng khắp đất Sài Gòn. Dưới vỏ bọc tỷ phú, ông Năm Lai lần lượt xây dựng các cơ sở bí mật, cơ sở đấu tranh chính trị tại Sài Gòn.

Thăm nhà ông chủ hãng sơn Đông Á trong 'Biệt động Sài Gòn' - 4

Những chứng tích còn sót lại của gia đình "ông chủ hãng sơn Đông Á".

Từ cuộc hôn nhân do tổ chức sắp đặt, làm vợ chồng trên danh nghĩa, qua những ngày tháng đồng cam cộng khổ, ông Năm Lai và bà Phan Chính nảy nở tình yêu, trở thành gia đình thực sự. Thế nhưng, đoạn tình cảm chưa được bao lâu đã phải ly biệt.

Năm 1964, địch quyết định thả 2 cán bộ cao cấp của ta (tên là Phan Trọng Bình và Phạm Quốc Sắc) đang bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo với điều kiện phải có người ở Sài Gòn đứng ra bảo lãnh. Theo lệnh của tổ chức, vợ chồng ông Năm Lai đứng ra làm thủ tục nhận người, lấy lý do là có họ hàng với bà Phan Chính. Sau khi bảo lãnh, 2 cán bộ cao cấp được bí mật đưa ra chiến khu.

Vài ngày sau, địch phát hiện hai người bà Chính bảo lãnh “bốc hơi”. Chúng gọi bà lên tra khảo nhiều ngày liền nhưng không khai thác được thông tin gì. Bất lực, chúng phải thả bà về. Một thời gian sau, bà Phan Chính mất. Nhiều người cho rằng, bà mất do thương tích từ những trận tra khảo dã man của địch.

Nén nỗi đau ly biệt, ông Năm Lai vẫn âm thầm hoạt động, tiếp tục vỏ bọc là tỷ phú Mai Hồng Quế.

Cùng “cô nhân tình” đào hầm, chứa vũ khí

Chúng tôi cảm nhận được sự kính trọng của bà Tuyết Mai khi nhắc về bà Phan Chính, người vợ trước của chồng mình. Hai người phụ nữ cùng nên duyên vợ chồng với tỷ phú Mai Hồng Quế theo sự sắp xếp của tổ chức. Song, không danh chính ngôn thuận như “vợ cả” Phan Chính, bà Tuyết Mai phải vào vai “cô nhân tình” cặp kè ông tỷ phú, bị người đời dè bỉu.

“Lúc đó tui 18, ông ấy hơn tui tận 20 tuổi, vào vai tình nhân, vợ bé là ai cũng tin ngay”, bà Tuyết Mai nói.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Quảng Ngãi, bà Tuyết Mai tham gia cách mạng từ rất sớm. 17 tuổi, bà lên Đà Lạt theo sự phân công của tổ chức, sau đó được điều xuống Tây Ninh.

Một ngày, tại chiến khu Tây Ninh, bà và ông Năm Lai lần đầu gặp nhau. Bà gọi ông Năm Lai bằng chú, và đinh ninh ông đã có vợ con đề huề. Còn ông Năm Lai nói rõ, ông cần bà để phối hợp thực hiện nhiệm vụ tổ chức giao: mua nhà, đào hầm chứa vũ khí.

Thăm nhà ông chủ hãng sơn Đông Á trong 'Biệt động Sài Gòn' - 5

Ảnh đoàn tụ của gia đình ông Trần Văn Lai sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Theo sự sắp xếp của tổ chức, bà theo ông về Sài Gòn. Để hoạt động thuận lợi, bà và ông thống nhất, bằng mọi cách phải để cho mọi người tin rằng, bà là cô nhân tình được ông chủ dắt đi mua nhà, bao nuôi. Tiếng xấu đồn xa, việc bà dan díu với ông chủ giàu có đến tai hết thảy mọi người. Tới đâu, bà cũng bị người đời dè bỉu, miệt thị, thậm chí đánh đập.

Đấy cũng là mục đích mà cả bà và ông Năm Lai đã bàn bạc trước để có được.

“Hồi đó chỉ là đi theo để làm nhiệm vụ. Tôi vẫn nghĩ ông ấy đang có vợ con ở nhà. Đến một hôm, khi đi qua nghĩa trang, ông dắt tui vào viếng mộ của chị ấy. Lúc đó tôi mới biết hết sự việc”, bà Tuyết Mai kể lại.

Biết rõ sự tình, bà cởi mở hơn với ông, rồi cả hai nảy sinh tình cảm. Năm 1966, sau thời gian hoạt động chung, tổ chức chấp thuận cho hai ông bà trở thành vợ chồng. Tuy nhiên, với người đời, bà vẫn là cô nhân tình dan díu với đại gia, được bao nuôi sung sướng. Hình ảnh ông chủ hào phóng, chở nhân tình đi mua nhà khắp Sài Gòn dù không mấy hay ho, nhưng lại không gây chút nghi ngờ nào cho địch.

Các căn nhà ông Năm Lai chọn mua đều phải có chiều sâu, để đào được hầm dài. Trong một thời gian ngắn, ông mua 7 căn nhà gần Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh..., là những địa điểm quân sự chiến lược của địch. Căn nhà 287/68-70-72 Trần Quý Cáp (Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 bây giờ) là cụm 3 căn nhà liền nhau, được chọn làm nơi đào căn hầm đặc biệt nhất.

Để bảo đảm bí mật, ông bà dùng dao, dùng mai nhỏ xắn đất, mỗi ngày một ít, rồi ngụy trang vận chuyển ra ngoài. Sau gần một năm, căn hầm được đào và xây dựng hoàn tất, trở thành hầm chứa vũ khí lớn nhất của lực lượng biệt động tại nội thành Sài Gòn - Gia Định, sức chứa khoảng 3 tấn vũ khí và 10 người.

Thăm nhà ông chủ hãng sơn Đông Á trong 'Biệt động Sài Gòn' - 6

Bia tưởng niệm lực lượng biệt động Sài Gòn tại căn nhà của ông Trần Văn Lai bây giờ.

Để kịp tiến độ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Năm Lai gấp rút sắp xếp để cấp trên xuống hầm kiểm tra. Hầm đạt yêu cầu, lịch vận chuyển vũ khí xuống hầm cũng được lên kế hoạch ngay.

Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các hầm vũ khí của ông Năm Lai đều phát huy tác dụng. Vũ khí được chuyển đến các cụm để đánh Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Tòa đại sứ… Đây cũng là lý do vỏ bọc Mai Hồng Quế bị lộ. Ông Năm Lai bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa truy bắt gắt gao và treo thưởng 2 triệu đồng, là số tiền rất lớn khi ấy, cho ai bắt được.

Sau nhiều ngày trốn trong thùng rác của chợ Bến Thành với ý định tiếp tục ở lại Sài Gòn hoạt động, ông được tổ chức ra lệnh rút về Quảng Ngãi (quê bà Tuyết Mai) tạm lánh.

Sau giải phóng, ông công tác ở Phòng Tổng kết chiến tranh (Bộ Tư lệnh TP.HCM), đến năm 1981 thì nghỉ hưu. Tháng 6/2002, ông qua đời.

Năm 2015, Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ghi nhận và vinh danh tinh thần bất khuất, quả cảm, hy sinh xương máu, cống hiến nhiều tài sản, vật chất cho cách mạng của ông.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn