Đời sống

Tây Ninh: Những 'cột mốc sống' bảo vệ biên cương

Thứ Năm, 12/10/2023 12:00:02 +07:00

(VTC News) - Nhiều hộ dân ở các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới khu vực Tây Ninh có đời sống ổn định, từ đó có thêm động lực giữ nhà, giữ đất, giữ biên cương.

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp theo chân Chính uỷ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh, Đại tá Nguyễn Thanh Phong đến thăm, khảo sát, đánh giá chất lượng công trình xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn.

Ổn định kinh tế từ điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới  

Tại chốt dân quân biên giới Đồi Thơ, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, những căn nhà khang trang vừa được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và UBND tỉnh Tây Ninh xây dựng cách đây hơn 1 năm. Sau dãy nhà, phía bên kia sông là nước bạn Campuchia.

Những hộ dân đầu tiên ở đây đều tự nguyện lên điểm dân cư này sinh sống. Mỗi hộ dân ở đây được cấp đất để phát triển kinh tế. Ở những vùng không có đất, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ công ăn việc làm. Từ đó, mỗi người dân ở đây có thêm động lực để giữ nhà, giữ đất, giữ biên cương.

Tây Ninh: Những 'cột mốc sống' bảo vệ biên cương - 1

Những căn nhà khang trang được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và UBND tỉnh Tây Ninh xây dựng.

Chuyển đến đây từ tháng 2/2023, ông Nguyễn Văn Giàng (63 tuổi) cho hay, trước kia, công việc chính của ông là thợ lặn, còn vợ ông đau ốm thường xuyên nên nhận sửa quần áo và làm thuê công việc lặt vặt để sống qua ngày.

Hồi trước, gia đình tôi sống ở ghe thuyền trên sông, cứ mùa mưa đến là bị ảnh hưởng, vợ con phải mang hết đồ đạc lên trên đường. Hiện được Đảng, Nhà nước, Quân khu 7, chính quyền địa phương tạo điều kiện lên ở gần chốt dân quân biên giới. Gia đình tôi vui lắm, cả đời tôi chưa một lần dám mơ mình có nhà để sống”, ông Giàng tâm sự.

Tây Ninh: Những 'cột mốc sống' bảo vệ biên cương - 2

Đại tá Nguyễn Thanh Phong, Chính uỷ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh thăm hỏi và động viên gia đình ông Nguyễn Văn Giàng.

Từ khi có nhà mới, vợ chồng ông Giàng không còn lo chỗ trú mua trú nắng, nên mạnh dạn nuôi trồng, tăng gia sản xuất. Sinh sống tại điểm dân cư, ông động viên con cháu sống có trách nhiệm, tích cực tham gia cùng các lực lượng bảo vệ biên giới.

"Gia đình tôi luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng điểm dân cư trở thành điểm sáng của địa phương”, ông Giàng nói.

Hàng xóm của ông Giàng là gia đình bà Trần Thị Ly (SN 1977) cũng thuộc diện nằm trong dự án được chuyển về đây sinh sống. Sau hơn 1 năm, cuộc sống của gia đình bà Ly càng ngày ổn định hơn nơi ở trước kia vì thiếu đất sản xuất và nhà ở.

Trước đây, 2 vợ chồng ông bà và đứa cháu nội đang nhỏ phải đi theo bán vé số sống lay lắt qua ngày. Từ khi Nhà nước có chủ trương tạo điều kiện cho người dân biên giới an cư lạc nghiệp và cấp cho mỗi hộ một căn nhà làm nền tảng vững chắc phát triển kinh tế, gia đình bà Ly rất phấn khởi. Sau khi đã có nhà ở ổn định kiên cố, ông bà nuôi thêm gà, vịt và trồng thêm ớt. 

Tây Ninh: Những 'cột mốc sống' bảo vệ biên cương - 3

Phía sau những dãy nhà của điểm dân cư, bên kia bờ sông là nước bạn Campuchia. 

"Năm vừa rồi trúng được mùa ớt, có thêm thu nhập nên chúng tôi mừng lắm", bà Ly nói và cho biết thêm, nhân dân được sống gần bộ đội thì còn gì bằng, lúc khó khăn hay có việc gì cần các anh đều qua giúp đỡ, thỉnh thoảng còn cho người dân thêm túi gạo, rau củ quả…

Theo bà Ly, gia đình bà và người dân đang sinh sống ở đây luôn được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để có cuộc sống ổn định hơn. Bà cũng mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ thêm đất canh tác, nuôi thêm dê, bò để tăng thu nhập, cuộc sống bền vững hơn.

Đến nay, không chỉ gia đình ông Giàng, bà Ly mà còn rất nhiều hộ dân khác đã thoát cảnh khó khăn hơn trước, cùng nhau phát triển kinh tế trên vùng đất mới. Những hộ dân này còn hỗ trợ lực lượng vũ trang, lực lượng biên phòng ở địa phương trong quá trình hoạt động chuyên môn cũng như công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Ngoài nguồn lực hỗ trợ, nhiều hộ gia đình còn bổ sung kinh phí để xây dựng, có hộ đầu tư thêm khoảng 100 triệu đồng để làm mái che quanh nhà, tạo nên diện mạo mới nơi miền biên viễn.

Phát triển cụm, ấp, xã dân cư trên tuyến biên giới

Tây Ninh: Những 'cột mốc sống' bảo vệ biên cương - 4

Đại tá Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh.

Đại tá Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh cho biết, thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Quân khu 7, tỉnh Tây Ninh, UBND cấp huyện tài trợ kinh phí xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, còn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai xây dựng 21 điểm dân cư trên tuyến biên giới, đến nay đã có 105 hộ dân đến sinh sống.  

"Ban đầu, bà con còn bỡ ngỡ, chưa quen với nếp sống mới nhưng với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị, đặc biệt các lực lượng tại chỗ, người dân bắt đầu thích nghi và quen dần với cuộc sống vùng biên", Đại tá Hoàng nói.

Bên cạnh chỗ ở, các vấn đề an sinh xã hội, từ sinh hoạt, y tế, đường sá, điện nước… ở các điểm dân cư liền kề cũng được đảm bảo đầy đủ, giúp người dân yên tâm an cư lạc nghiệp. Từ đó tạo sự đồng thuận, gắn kết tình quân dân trên tuyến biên giới.

Tây Ninh: Những 'cột mốc sống' bảo vệ biên cương - 5

Chốt dân quân Bàu Sen, xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Trước đây, Tây Ninh có 32 chốt dân quân biên giới nhưng chỉ có quân, không có dân, hiện tại quân và dân cùng ở chung trên tuyến biên giới, tạo thêm sự ấm áp, góp phần bảo vệ vững chắc tuyến đầu Tổ quốc”, Đại tá Nguyễn Văn Hoàng cho biết.

Đặc biệt, các hộ dân sống ở khu vực biên giới còn làm “tai mắt” cho lực lượng chức năng. Quá trình sinh sống, nếu phát hiện tình trạng người lạ sang gần cột mốc quốc gia, hay qua lại biên giới, người dân sẽ báo cho địa phương để các lực lượng biên phòng, dân quân kịp thời xử lý những trường hợp vượt biên trái phép.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Hoàng, hiện nay nhu cầu của bà con lên sinh sống và phát triển trên tuyến biên giới ngày càng nhiều, do đó, giai đoạn tới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh sẽ tham mưu với địa phương triển khai tăng dày nhà tại các điểm dân cư liền kề. Dự kiến đến quý I/2024 sẽ triển khai tăng dày mỗi điểm thành 30 căn nhà nhằm hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Tây Ninh: Những 'cột mốc sống' bảo vệ biên cương - 6

Có hộ đầu tư thêm khoảng 100 triệu đồng để làm mái che quanh nhà, tạo nên diện mạo mới nơi miền biên viễn.

Đặc biệt, việc đảm bảo cuộc sống lâu dài cho bà con nhân dân khu vực biên giới cũng là chủ trương lớn được Quân khu 7 và địa phương quan tâm. Ngoài các điểm dân cư liền kề, trong tương lai sẽ tiếp tục đưa các hộ dân lên tạo thành cụm, ấp, xã trên tuyến biên giới.

Hiện nay, mỗi điểm dân cư liền kề có khoảng 5 căn nhà, diện tích 66 m2/căn, gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, phòng bếp, nhà vệ sinh, hệ thống điện, nước và đường giao thông thuận lợi nối liền các khu dân cư hiện hữu với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng/căn.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn