Bất động sản

Tán gia bại sản vì 'ôm' đất phân lô ở Lâm Đồng

Thứ Sáu, 29/07/2022 11:22:04 +07:00

(VTC News) - Chạy theo trào lưu gom đất phân lô ở Lâm Đồng, nhiều người rơi vào cảnh tán gia bại sản vì không thể ra hàng, bán giá thấp hơn cũng không ai mua.

Lâm Đồng giữa tháng 7 đã thưa cảnh hạ đồi, phân lô. Tình trạng "nhà nhà làm cò đất, người người làm cò đất" cũng không còn. Tại các "dự án" đã sang nhượng cho khách hàng, chỉ còn lại những bảng rao "bán đất" bị trôi mực theo nắng mưa mà không ai để ý.

Giới đầu tư nói, Lâm Đồng đã hết thời sốt đất ảo. Song, hệ luỵ lại vô vàn.

Tâm lý "liều ăn nhiều"

Đầu năm 2020, chị N.T.H.H. (39 tuổi, ngụ TP.HCM) có chuyến du lịch Đà Lạt cùng hội bạn thân. Hội bạn của chị H. đều là nhân viên văn phòng, đã có gia đình và chi tiêu của gia đình đều phụ thuộc phần lớn vào các ông chồng.

Du lịch Đà Lạt đúng thời điểm cơn sốt phân lô đang bắt đầu, chị H. cùng hội bạn được một cò đất mời đầu tư đất nền tại huyện Lâm Hà với hứa hẹn "bỏ 1 lời 3". Dù cách Đà Lạt gần 50km, nhưng lô đất 300m2 được báo giá chỉ 300 triệu đồng (1 triệu đồng/m2) đã khiến cả nhóm quyết định đi xem.

Tán gia bại sản vì 'ôm' đất phân lô ở Lâm Đồng - 1

Từ TP.HCM lên Lâm Hà treo bảng rao bán đất, chị N.T.H.H. sốc vì các nền đất của mình nay hoang hóa. 

Đến thực tế, dù nằm ở vị trí thưa thớt dân cư, song lô đất lại nằm trong "dự án" lớn, có đường mới trải nhựa. Cùng những lời quảng cáo có cánh từ cò đất, cả nhóm quyết định xuống tiền.

"Nhóm tụi tôi lúc đó 6 người, tính ra mỗi người chỉ phải góp có 50 triệu đồng thôi. Số tiền không quá lớn nên chúng tôi quyết định đầu tư, xem như tập tành. Lúc đó, cả nhóm đều thống nhất "được ăn cả, ngã về không", chị H. nói.

Thương vụ đầu tiên của nhóm chị H. may mắn thành công khi sau 2 tháng đã có người mua lại với giá gấp đôi. Chỉ trong thời gian ngắn đã dễ dàng bỏ túi 50 triệu đồng, chị H. bắt đầu nổi "máu" đầu tư.

Dốc hết vốn liếng để giành của mình và chồng, vay mượn thêm ngân hàng và người thân, chị H. quyết định mua lại 3 nền đất ở chính "dự án" cũ với giá hơn 1,8 tỷ đồng để chờ tăng giá.

"Mấy người bạn khác của tôi không tham gia cùng, không biết vì lý do gì. Nhưng lúc đó khách vẫn đến xem đất nườm nượp, tăng từng ngày nên tôi mới quyết định táo bạo vậy. Sau vài ngày, vẫn có nhiều người hỏi mua, nhưng giá chênh không nhiều nên tôi giữ không bán", chị H. kể.

Không táo bạo như chị H., nhưng sau thời gian theo dõi thị trường, N.H.A. (27 tuổi, ngụ Bình Dương) vẫn quyết định dồn hết số tiền 250 triệu đồng tích lỹ trong 6 năm, để một cò đất (là người quen) đầu tư đất nền Lâm Đồng.

Thời điểm đầu tư của A. trúng lúc cơn sốt phân lô ở Lâm Đồng đạt đỉnh (tháng 11/2021), số tiền 250 triệu đồng chỉ đủ để đóng một nửa lô đất 100m2 tại xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm). Tự tin với kinh nghiệm hơn 10 năm làm cò đất, nhận định thị trường tiếp tục tăng mạnh, cò đất nói trên quyết định góp chung với A. để mua lô đất. 

Lần đầu tiên trong đời được đứng tên sở hữu sổ hồng, A. tự trấn an mình bằng suy nghĩ tích cực: "Người luôn sinh ra, đất không sinh ra nên kiểu gì cũng tăng giá, cũng lãi".

Tán gia bại sản vì 'ôm' đất phân lô ở Lâm Đồng - 2
Tán gia bại sản vì 'ôm' đất phân lô ở Lâm Đồng - 3

Một trong những "siêu dự án" phân lô tại TP Bảo Lộc khiến khách hàng "ngậm trái đắng".

Một trường hợp khác là câu chuyện của vợ chồng anh P.V.T. và chị Đ.T.L. (đều 29 tuổi, quê Hà Tĩnh). Đầu năm 2021, anh T. và chị L. trở về Việt Nam sau 3 năm làm xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Dành dụm được 500 triệu đồng, cả hai quyết định vào TP.HCM mướn mặt bằng để mở shop bán quần áo.

Dù giá mặt bằng cho thuê đang giảm mạnh vì dịch COVID-19, nhưng số tiền để hai vợ chồng hoàn thiện shop cũng hết hơn 100 triệu đồng. Những tháng đầu kinh doanh, hai vợ chồng phải bù lỗ tiền mặt bằng do không có khách. Lo lắng, anh T. quyết định làm tài xế xe ôm công nghệ để có tiền trang trải hàng ngày, không phải dùng đến số tiền để dành.

Trong một lần chở khách, anh T. gặp N., là nhân viên môi giới của một công ty bất động sản tại TP Thủ Đức. Trùng hợp, N. cũng từng đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản và mới về Việt Nam không lâu. Qua trò chuyện, N. cho biết đang bán đất nền tại huyện Bảo Lâm, những khách N. từng bán đều đã thu lời gấp đôi, gấp ba.

"N. đưa cho tôi xem tin nhắn chuyển khoản, tin nhắn cảm ơn của mấy người khách trước, ai cũng lãi gấp nhiều lần. Tôi hỏi vì sao N. không tự đầu tư thì anh ấy bảo không có vốn, tiền đi Nhật chỉ đủ trang trải nợ nần cho cha mẹ ở quê", anh T. kể lại.

Tham khảo ý kiến của một số người quen, anh T. được khuyên nên đầu tư vào đất, vì đây là kênh đầu tư hiệu quả: "Cứ liều thử đi, mua đi, mua thì tiền vẫn ở trong đất chứ có mất đâu". Từ trước tới nay luôn ủng hộ chồng, lần này, chị L. cũng gật đầu đồng ý cùng anh T. xoay thêm nguồn tiền để đầu tư.

Vợ chồng anh T. được xe của công ty bất động sản nói trên chở lên TP Bảo Lộc xem đất. Lô đất thuộc xã Đam B'ri (TP Bảo Lộc), chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 15 phút chạy xe, nằm trong "dự án" phân lô có hàng trăm nền đất khác. Đứng giữa hàng chục khách hàng khác đang đua nhau chốt đất, cùng những tiện ích: điện - đường - trường - trạm được công ty hứa hẹn sẽ có sau này, vợ chồng anh T. không chần chừ mà quyết định đóng 50 triệu đồng tiền cọc.

Lô đất 300m2, giá 1,2 tỷ đồng. Số tiền quá lớn, anh T. và chị L. phải nhờ cha mẹ hai bên cầm cố nhà cửa ở quê để có 800 triệu đồng bù vào tiền đầu tư. Lời lãi từ đầu tư bao nhiêu chưa biết, nhưng tính riêng tiền lãi ngân hàng, mỗi tháng vợ chồng anh T. đã phải đóng 7,5 triệu đồng.

Tán gia bại sản

Quay trở lại câu chuyện của chị N.T.H.H., nhân viên văn phòng từng có cuộc sống êm ấm bên gia đình nhỏ. Thế nhưng hiện tại, chị đang phải đối mặt với áp lực ly hôn theo yêu cầu của chồng. Nguyên do vì khiến gia đình "sa lầy" trong màn đầu tư táo bạo.

2 năm "rót" 1,8 tỷ đồng để "ôm" 3 nền đất, kiệt quệ đóng tiền lãi, song hiện những lô đất này dù được rao bán cắt lỗ cũng không ai mua.

"Hồi mới mua, nhiều người hỏi mua lại lắm, lúc đó mà bán thì cũng lãi được vài trăm. Nhưng lòng tham vô tận, tôi cứ nghĩ để càng lâu giá càng cao. Vì vậy, mỗi tháng tôi đều rút sạch 15 triệu đồng tiền lương của chồng để đóng lãi", chị H. nói.

Tán gia bại sản vì 'ôm' đất phân lô ở Lâm Đồng - 4
Tán gia bại sản vì 'ôm' đất phân lô ở Lâm Đồng - 5

Sau khi thu tiền của khách hàng, "dự án" bị các chủ đầu tư bỏ bê, xuống cấp nhếch nhác. 

Sau hơn nửa năm gánh tiền lãi, tháng 6/2021, chị H. quyết định ra hàng. Tuy nhiên, thời điểm này dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp, việc ra hàng trở nên khó khăn, vợ chồng chị H. lại phải tiếp tục chắt chiu đóng lãi.

Áp lực về kinh tế, cãi vã giữa vợ chồng chị H. xảy ra ngày càng nhiều. Cuối năm 2021, chồng chị H. yêu cầu chị ra hàng với giá gốc để không còn phải gánh lãi, thế nhưng giá gốc cũng không ai mua. Lúc này, mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, chị H. bị chồng yêu cầu ly hôn.

Để giữ hạnh phúc gia đình, chị H. từ TP.HCM lên lại Lâm Hà với ý định chụp hình khu đất để chạy quảng cáo trên các trang mua bán. Thế nhưng, đến thực tế, chị H. bất lực khi khu đất trở nên hoang hoá, cỏ dại phủ hết các lối đi, không còn như lúc đầu chị tới xem.

"Biết mình sai quá sai trong vụ này, nên tôi quyết định bán cắt lỗ, chỉ mong thu tiền về sớm bao nhiêu hay bấy nhiêu. Thế mà bán cắt lỗ cũng không ai mua, giờ tôi không biết phải làm sao", chị H. thở dài.

Tương tự chị H., chị N.H.A. sau khi chung tiền với người quen (làm nghề cò đất) để mua nền đất ở xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) nay cũng không thể ra hàng. Éo le hơn, chính cò đất chung tiền với chị A. cũng phải "than trời" rằng: "Thị trường đứng hết rồi, bữa giờ đăng bán mà có ai hỏi mua đâu. Thôi ráng đợi thị trường ổn lại đi".

Trách ai, chẳng lẽ trách thị trường. Chị A. nay chỉ biết ngậm ngùi nhìn cuốn sổ hồng đứng tên mình mà tặc lưỡi: "Biết thế này thì để tiền đấy gửi ngân hàng còn được ít đồng tiền lãi".

Tán gia bại sản vì 'ôm' đất phân lô ở Lâm Đồng - 6

Hơn nửa năm nay, anh P.V.T. đi treo bảng rao bán cắt lỗ khắp nơi nhưng không ai mua.

Kết quả trên cũng được lặp lại với vợ chồng anh P.V.T. và chị Đ.T.L. Lô đất hai người mua nằm trong khu đất vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng, bị buộc trả lại hiện trạng. Do đó, dù đã giữ sổ hồng trong tay, nhưng hai vợ chồng buộc phải đối mặt với thực tế giá đất bị giảm sâu.

Hành trình làm giàu không suôn sẻ, song vợ chồng anh T. may mắn hơn vì vẫn đồng lòng tìm cách cùng nhau giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, áp lực về tiền lãi ngân hàng, áp lực từ cha mẹ ở quê bởi nhà cửa đang bị cầm cố khiến cả hai không đêm nào ngon giấc.

"Tôi chấp nhận lỗ 200 triệu đồng, đang rao bán lại với giá 1 tỷ đồng. Cũng có một vài người đến xem rồi, nhưng họ sợ nhập nhằng pháp lý nên lại thôi. Giờ tôi chạy xe ôm công nghệ mỗi ngày 14 tiếng, ráng đủ đóng tiền lãi ngân hàng mỗi tháng. Đất bán không được đành để vậy thôi, hên thì sau này bán được giá, còn không thì xem như số mình khổ, không giàu được", anh T. bất lực nói.

Chị H., chị A., và vợ chồng anh T. chị L. chỉ là 3 trong hàng nghìn nhà đầu tư đất nền phân lô tại Lâm Đồng. Không thể nói rằng tất cả khách hàng đầu tư đều "ngậm trái đắng", bởi thực tế thì không ít người đã đổi đời nhờ cơn sốt phân lô này.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, đầu tư vào đất phân lô ở Lâm Đồng như đánh một canh bạc, thắng thì ít mà thua thì nhiều, không có tính bền vững.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn