Quân đội Mỹ đứng trước bài toán khó khi viện trợ tên lửa cho Ukraine

Quân sựThứ Năm, 12/05/2022 11:25:46 +07:00
(VTC News) -

Cùng với việc tăng các gói viện trợ, Washington còn chuyển giao cho Ukraine hàng nghìn tên lửa các loại bất chấp những khó khăn quân đội Mỹ phải đối mặt.

Theo Popular Mechanics, kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra tới nay, Mỹ và các nước đồng minh không ngừng chuyển giao hàng nghìn đơn vị vũ khí các loại cho Kiev, trong đó nhiều nhất vẫn là các hệ thống tên lửa chống tăng và phòng không vác vai.

Tuy nhiên, cây bút Kyle Mizokami của tờ Popular Mechanics lại nhận định rằng Lầu Năm Góc sẽ sớm trở thành nạn nhân của chính quyết định có phần sốt sắng trên, bởi việc chuyển giao quá nhiều vũ khí cho Ukraine đang tạo ra một lỗ hỏng lớn đối với các kho dự trữ chiến lược của quân đội Mỹ.

Dĩ nhiên để bù lại số vũ khí thiếu hụt Lầu Năm Góc đã có các đơn đặt hàng mới nhưng quá trình bổ sung sẽ mất rất nhiều thời gian và không dễ dàng khi một số dây chuyền sản xuất đều đã ngưng hoạt động.

Quân đội Mỹ đứng trước bài toán khó khi viện trợ tên lửa cho Ukraine - 1

Quân đội Mỹ đối mặt với một loạt vấn đề về nguồn cung dữ trự khi chuyển quá nhiều tên lửa đến Ukraine. (Ảnh: New York Post)

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, kể từ đầu cuộc chiến, Washington đã viện trợ quân sự 3,8 tỷ USD cho Ukraine. Phần lớn số hàng viện trợ đều được thực hiện qua các cầu không vận từ Mỹ đến các căn cứ ở Ba Lan. Từ đây chúng sẽ được chuyển đến Ukraine bằng đường sắt hoặc đường bộ.

Sự hỗ trợ nhiệt tình của Mỹ đối với Ukraine cũng mang lại những kết quả có lợi, điển hình như việc Nga đã mất ít nhất 342 xe tăng và hơn 1.000 xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh; một phần đáng kể trong số những tổn thất đó có thể là do tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin.

Cho đến nay, Lầu Năm Góc đã gửi ít nhất 5.500 tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin và 1.400 tên lửa phòng không vác vai FIM-92E Stinger cho Ukraine. Đây là một con số lớn ngay cả đối với quân đội Mỹ.

Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ước tính Mỹ đã gửi cho Ukraine khoảng 1/3 tổng số tên lửa Javelin trong kho dữ trự và 1/4 số tên lửa Stinger. Các kho dự trữ được quân đội Mỹ duy trì trên toàn thế giới để đảm bảo các lực lượng vũ trang nước này có thể ứng phó với các trường hợp khẩn cấp trên toàn cầu — từ Nga ở châu Âu, đến Trung Quốc và Triều Tiên ở châu Á — và thậm chí ứng phó với nhiều trường hợp khẩn cấp đồng thời.

Hiện nay có ba quốc gia đang viện trợ Javelin cho Ukraine gồm Mỹ, Ba Lan và Estonia, tuy nhiên số tên lửa họ có thể chuyển đến Kiev có giới hạn. Trước yêu cầu của cuộc chiến, tập đoàn Lockheed Martin sẽ mở rộng dây chuyền sản xuất Javelin từ 2.100 tên lửa lên 4.000 tên lửa một năm.

Quân đội Mỹ đứng trước bài toán khó khi viện trợ tên lửa cho Ukraine - 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm gần đây đến cơ sở chế tạo tên lửa Javelin của tập đoàn Lockheed Martin. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù tưởng chừng Mỹ sẽ có nhiều tên lửa hơn trong tương lai nhưng nước này vẫn mất đến 2 năm mới có thể lấp đầy các kho dữ trự đang bị thiếu hụt, trong khi đó Ukraine vẫn cần thêm tên lửa.

Có một vấn đề khác đó là về việc mở rộng dây chuyền Javelin hiện vẫn đang trong giai đoạn lên kế hoạch khi Lockheed Martin đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung các bộ phận giúp tạo nên tên lửa. Trong đó quan trọng nhất vẫn là các chip bán dẫn thứ giúp Javelin có thể tìm đến được mục tiêu.

Một sự chậm trễ khác trong lịch trình là thời gian giao hàng kéo dài - hiện là 32 tháng, có nghĩa là Lockheed Martin sẽ giao lô tên lửa đầu tiên cho quân đội Mỹ sau 32 tháng kể từ khi được đặt hàng. Trừ khi điều này được rút ngắn bằng cách đẩy mạnh sản xuất, còn không thì sẽ mất gần ba năm để những tên lửa mới đầu tiên được đưa vào sử dụng trên thực địa.

Đó là đối với Javelin, việc sản xuất tên lửa Stinger sẽ phức tạp hơn khi dây chuyền sản xuất loại vũ khí này đã ngưng hoạt động kể từ sau khi Lầu Năm Góc không có kế hoạch mua thêm loại tên lửa này từ năm 2003.

Dây chuyền sản xuất Stinger của Raytheon đã được duy trì thêm 17 năm nữa (quy mô hạn chế) để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, nhưng cuối cùng đã phải đóng cửa vào cuối năm 2020.

Quân đội Mỹ đứng trước bài toán khó khi viện trợ tên lửa cho Ukraine - 3

Để khởi động lại các dây chuyền sản xuất vũ khí cũ, các nhà thầu quốc phòng của Mỹ có thể mất đến hàng năm, trong khi nguồn cung linh kiện khan hiếm. (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Một vấn đề khác đó là tên lửa Stinger đã có tuổi đời hàng chục năm, thiết kế của nó một phần đã lỗi thời theo các tiêu chuẩn hiện đại và nhiều thành phần của nó, bao gồm cả vi mạch , không còn được sản xuất.

Giám đốc điều hành của Raytheon cho biết sẽ mất từ ​​6 đến 12 tháng để khởi động lại dây chuyền sản xuất và sẽ thiết kế lại đầu dò dẫn bắn của tên lửa sử dụng các thành phần hiện có sẵn.

Việc bổ sung cung cấp Stingers và Javelins sẽ mất hàng tháng đến hàng năm. Vấn đề nguồn cung Mỹ đang đối mặt thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Lục quân và Thủy quân lục chiến của nước này phải chiến đấu trên nhiều mặt trận. Cuộc chiến ở Ukraine sẽ buộc Lầu Năm Góc phải đối mặt với vấn đề làm sao có thể tăng sản xuất vũ khí trong những tình huống khẩn cấp, cho phép chính phủ tiếp nhận vũ khí mới trong vài tuần chứ không phải vài tháng hay vài năm.

Trà Khánh(Popular Mechanics)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp