Mỹ chạy đua bịt lỗ hổng phòng thủ trước mối đe dọa tên lửa từ Trung-Nga-Triều

Tư liệuThứ Bảy, 19/08/2023 06:50:00 +07:00
(VTC News) -

Tập đoàn Lockheed Martin và Northrop Grumman của Mỹ đang phát triển tên lửa đánh chặn để đối phó mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Mỹ đang chạy đua phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa thế hệ tiếp theo trong bối cảnh Trung Quốc, Nga và Triều Tiên phát triển các loại tên lửa mới, tinh vi có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ hiện có của Mỹ. 

Trong tháng này, Breaking Defense đưa tin, các tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin và Northrop Grumman đang đẩy nhanh quá trình phát triển tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo (NGI), dự kiến ra mắt vào năm 2027. 

Người phát ngôn của Lockheed Martin cho biết, tập đoàn này và Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) nhất trí tăng tốc độ thiết kế tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo. Quá trình này đang đi đúng hướng để sớm cho ra đời mẫu tên lửa mới vào năm 2027. 

Hình ảnh về tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo của Mỹ. (Ảnh: Lockheed Martin)

Hình ảnh về tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo của Mỹ. (Ảnh: Lockheed Martin)

Hôm 7/8, Lockheed Martin thông báo, tập đoàn này đang chuẩn bị cho một cuộc đánh giá thiết kế sơ bộ “tổng thể” trong quý này. 

MDA dự kiến tổ chức đánh giá liệu các thiết kế của Lockheed Martin đã sẵn sàng cho giai đoạn xem xét thiết kế quan trọng hay chưa.

Trong khi đó, tập đoàn Northrop Grumman đã hoàn thành đánh giá các yêu cầu hệ thống trước thời hạn 3 tháng và đang hướng tới đánh giá hệ thống sơ bộ.

Theo Breaking Defense, động thái này sẽ đẩy nhanh quá trình xem xét thiết kế quan trọng vào cuối 2024, đầu 2025. Breaking Defense cũng cho rằng Northrop Grumman đã sản xuất lô hộp tên lửa nhiên liệu rắn ban đầu cho chương trình. Sau đó, chúng sẽ được vận chuyển đến Redstone Arsenal ở Alabama, tại đây chúng sẽ được kết hợp với thiết bị đánh chặn. 

Sau quá trình đó, Northrop Grumman sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình. Theo đó, thiết bị đánh chặn sẽ trải qua thử nghiệm trước khi quá trình tích hợp hoàn tất.

Patty-Jane Geller, nhà phân tích chính sách cấp cao về phòng thủ tên lửa và răn đe hạt nhân tại Trung tâm Quốc phòng của Quỹ Di sản, cho rằng không giống như tên lửa đánh chặn bố trí trên mặt đất (Ground-Based Interceptor - GBI) được đưa vào hoạt động năm 2003, NGI sẽ gắn nhiều thiết bị để đánh chặn như đầu đạn.

Chuyên gia Patty-Jane Geller cũng lưu ý, NGI được thiết kế như hệ thống để phòng thủ tên lửa đích thực, trái ngược với GBI vốn được đưa vào sử dụng gấp rút do nhu cầu hoạt động. Các bộ phận của GBI ban đầu được thiết kế cho các nhiệm vụ khác nhau, dp đó làm tăng thêm độ phức tạp cho việc bảo trì và nâng cấp. 

Breaking Defense cho biết, MDA có kế hoạch mua 20 tên lửa đánh chặn NGI bắt đầu từ năm 2028 để tăng cường cho GBI hiện tại. 

Asia Times lưu ý, kể từ năm 2021, tên lửa phòng thủ GBI là một thành phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tầm trung bố trí trên mặt đất (Ground-Based Midcourse Defense - GMD) của Mỹ. Đây là hệ thống bảo vệ tất cả 50 tiểu bang của Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) từ Trung Quốc, Nga hay Triều Tiên.

Nguy cơ đe doạ của Trung Quốc và Nga đối với Mỹ là hiện hữu, trong khi Triều Tiên đang tích cực phát triển ICBM để phá vỡ năng lực răn đe ngày càng mở rộng của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

ICBM nhiên liệu rắn DF-31 của Trung Quốc đặt ra rủi ro nghiêm trọng đối với Mỹ. Liên đoàn vận động phòng thủ chống tên lửa (MDAA) cho hay, biến thể DF-31A hiện đại hóa - được đưa vào sử dụng năm 2007, có thiết kế cơ động và khả năng phóng từ hầm chứa với tầm bắn hơn 11.000 km. Loại tên lửa này có khả năng tấn công mọi khu vực của Mỹ, châu Âu và Nga. 

Theo MDAA, không giống như DF-31, DF-31A có khả năng giấu đầu đạn và sử dụng các công cụ hỗ trợ để nhanh chóng tiếp cận mục tiêu. 

Bên cạnh đó, DF-31B - biến thể mới hơn, cũng đang được phát triển. Sự ra đời của DF-31 rút ngắn khoảng cách công nghệ ICBM giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga. Điều này có thể mang lại cho Bắc Kinh khả năng đối phó trước nguy cơ gây hấn từ Washington.  

Tương tự, MDAA cho rằng tên lửa RS-28 Sarmat của Nga, được đưa vào hoạt động lần đầu tiên vào năm 2010, có thể tấn công các mục tiêu cách xa 10.000 km. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Sarmat là tên lửa đạn đạo liên lục địa uy lực nhất với tầm bắn xa nhất trên thế giới, nó sẽ làm tăng đáng kể sức chiến đấu cho lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. Sarmat cũng chính là loại vũ khí chiến lược mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố không nước nào có vũ khí tương tự.

MDAA lưu ý Nga đang có những bước tiến cho thấy nước này là cường quốc hạt nhân ngang bằng hoặc tiên tiến hơn Mỹ - quốc gia đang chật vật hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình. 

MDAA cũng cho rằng, khả năng mang vũ khí siêu thanh của RS-28 Sarmat có khả năng khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ hiện tại như GBI trở nên lỗi thời. 

Trên Politico hồi tháng 2 cho biết Triều Tiên có thể đã có đủ ICBM để áp chế hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, nhấn mạnh Bình Nhưỡng đã công bố 10 đến 12 ICBM Hwasong-17 trong cuộc duyệt binh vào tháng đó. Hwasong-17 về mặt lý thuyết có thể tấn công Mỹ từ Triều Tiên.

Mỹ hiện chỉ có 44 tên lửa GBI để đánh chặn một cuộc tấn công ICBM tiềm năng từ Triều Tiên, nhưng nếu gắn 4 MIRV (công nghệ đa đầu đạn phân hướng) vào mỗi Hwasong-17, Bình Nhưỡng có thể phóng nhiều đầu đạn hạt nhân hơn so với số tên lửa đánh chặn của Mỹ. 

Hình ảnh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15. (Ảnh: Asia Times)

Hình ảnh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15. (Ảnh: Asia Times)

Với những tiến bộ về tên lửa của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, GBD có thể không còn là một biện pháp phòng thủ hiệu quả trước các cuộc tấn công ICBM. 

Tháng 9/2020, Breaking Defense cho hay, Lockheed Martin giải thích lý do tại sao cần thay thế hệ thống phòng thủ lâu năm GBD. Hệ thống này được cho là không phù hợp để bảo vệ Mỹ trước các mối đe dọa ICBM sau những năm 2030.

Trên thực tế, tỷ lệ thử nghiệm thành công của GBD ở mức thấp. Theo thống kê, Mỹ tiến hành 30 vụ thử GBD từ năm 1997 đến 2017, trong đó có 17 vụ thử đánh chặn liên quan đến tên lửa đạn đạo mục tiêu. Tuy nhiên, chỉ có 9 trong số đó tên lửa đánh chặn mục tiêu, tỷ lệ thành công chỉ là 53%. 

Theo Lockheed Martin, nỗ lực hiện đại hóa GBD gần đây nhất là Phương tiện bay sát thủ được thiết kế lại (RKV), bắt đầu vào năm 2015. Tuy nhiên, chương trình đã bị hủy bỏ do lỗi kỹ thuật dẫn đến sự chậm trễ trong nhiều năm và chi phí vượt quá hàng trăm triệu USD. 

Lockheed Martin cho hay, việc sử dụng lại các công nghệ tiêu chuẩn không được thiết kế để sử dụng trong không gian đã dẫn đến việc phải đại tu hầu hết các hệ thống bay liên quan.

Kông Anh(Nguồn: Asia Times)
Bình luận
vtcnews.vn