Mỹ chiếm 40% thị phần công nghiệp quốc phòng, bán vũ khí cho hơn 100 vùng lãnh thổ

Quân sựThứ Ba, 25/07/2023 12:26:00 +07:00
(VTC News) -

Cuộc xung đột ở Ukraine là một trong nhiều nguyên nhân giúp thị trường vũ khí thế giới tăng trưởng trở lại, trong đó Mỹ chiếm đến hơn 40% thị phần.

Theo Sputnik, xung đột Ukraine đang giúp tăng doanh thu cho các nhà thầu quốc phòng ở hai bờ Đại Tây Dương, trong đó có cả các công ty quốc phòng của Nga. Ở Mỹ, các công ty chế tạo tên lửa Javelin, HIMARS và đạn rocket thông minh GMLRS đang chạy đua với thời gian để thực hiện hợp đồng vũ khí cho Ukraine.

Truyền thông Mỹ cũng nhiều lần đưa tin, các tổ hợp công nghiệp quân sự của nước này đang chạy hết công suất để đáp ứng các đơn hàng tới tấp từ Lầu Năm Góc và cả các nước đồng minh NATO.

Lợi nhuận khổng lồ từ thị trường vũ khí cũng thúc đẩy nhiều công ty châu Âu quay lại thị trường sau nhiều năm thu hẹp quy mô. Tuy nhiên trong ngắn hạn Mỹ vẫn sẽ là nhà cung cấp vũ khí chính cho phương Tây.

Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu danh sách các nước sản xuất vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2018–2022. (Ảnh: AP)

Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu danh sách các nước sản xuất vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2018–2022. (Ảnh: AP)

Quốc gia nào sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới?

Theo thống kế của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu danh sách các nước sản xuất vũ khí toàn cầu. Tiếp đến là Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức.

Báo cáo của SIPRI cũng cho biết, vũ khí Mỹ hiện chiếm 40% thị phần toàn cầu trong giai đoạn 2018–2022, tăng 33% so với 5 năm trước đó. Washington hiện là cung cấp vũ khí chính cho 103 vùng lãnh thổ, chiếm hơn một nửa số quốc gia trên thế giới.

Cũng theo SIPRI, tổng cộng 41% xuất khẩu vũ khí của Mỹ đến Trung Đông trong năm 2018–2022, giảm từ 49% trong năm 2013–2017. Châu Á và châu Đại Dương chiếm 32% tổng xuất khẩu vũ khí của Mỹ, Con số này của châu Âu vào khoảng 23% chủ yếu là sang các đối tác NATO của Washington. Kể từ năm 2022, khối lượng vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine đã tăng mạnh.

Năm nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Mỹ hưởng lợi nhiều nhất từ ​​việc xuất khẩu vũ khí của quốc gia này là: Tập đoàn Lockheed Martin; Tập đoàn công nghệ Raytheon; Công ty Boeing; General Dynamics; và Tập đoàn Northrop Grumman.

Nga giữ nguyên vị trí thứ 2

Nga hiện đứng thứ hai thế giới với 16% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Trong năm 2018-2022, Nga thực hiện các hợp đồng quốc phòng cho 47 quốc gia.

Châu Á và châu Đại Dương chiếm 65% tổng xuất khẩu vũ khí của Nga, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc đứng đầu danh sách các nhà nhập khẩu khu vực chính của Nga; Các quốc gia Trung Đông nhận được 17%; và châu Phi được 12%. Theo SIPRI, từ năm 2018 đến năm 2022, gần 2/3 số vũ khí của Nga được chuyển đến Ấn Độ (31%), Trung Quốc (23%) và Ai Cập (9,3%). Ấn Độ vẫn là khách hàng lớn nhất của Nga.

Theo các nhà quan sát quốc tế, máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang của Nga là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của quốc gia kể từ năm 1992. Trong năm 2018–2022, các chiến đấu cơ tiên tiến của Nga chiếm 40% xuất khẩu vũ khí của đất nước. Trong số đó có các máy bay chiến đấu thế hệ 4++  như Su-30 với nhiều cải tiến khác nhau; chiến đấu cơ đa năng MiG-29; trực thăng vận tải quân sự Mi-17V-5/Mi-171Sh; trực thăng vận tải/tấn công Mi-35M; trực thăng đa năng hạng nhẹ Ka-226T; cũng như trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26.

Các nhà quan sát phương Tây thừa nhận rằng Nga cũng là nhà cung cấp hàng đầu thế giới các loại vũ khí công nghệ thấp có năng lực và hiệu quả về chi phí như súng trường tấn công Kalashnikov, pháo kéo (D-30), pháo tự hành (2S1 Gvozdika và 2S19 Msta), pháo phản lực như BM-27 Uragan và BM-30 Smerch, và xe bọc thép chở quân như BMP-3 và BTR-70. Khi nói đến khả năng phòng không, S-300 và S-400 của Nga vẫn không có đối thủ nào sánh kịp.

Danh sách 6 nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Nga xét về tổng doanh thu cao nhất bao gồm: United Aircraft Corporation; United Shipbuilding Corporation; Tập đoàn tên lửa chiến thuật; United Engine Corporation và Uralvagonzavod.

Công nghiệp quốc phòng Nga dù không có nhiều bước đột phá nhưng vẫn giữ vững vị trí nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới.

Công nghiệp quốc phòng Nga dù không có nhiều bước đột phá nhưng vẫn giữ vững vị trí nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới.

Ba vị trí còn lại

Đứng ngay sau Nga là Pháp – một trong những quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển nhất châu Âu và được cho là đang thách thức vị trí Nga. Theo một số ước tính, vào cuối năm 2022, Pháp có nhiều vũ khí được đặt hàng xuất khẩu hơn Nga.

Trong khi đó, trong giai đoạn 2018-2022, Pháp chiếm 11% tổng xuất khẩu vũ khí toàn cầu, cao hơn 44% so với giai đoạn 2013-2017. Phần lớn vũ khí của Pháp được chuyển đến châu Á và châu Đại Dương (44%) và Trung Đông (34%). Pháp đã giao vũ khí cho 62 quốc gia từ năm 2018 đến năm 2022, với ba quốc gia nhận nhiều nhất là Ấn Độ, Qatar và Ai Cập.

Trong số đó, Ấn Độ nổi lên là khách hàng quân sự lớn nhất của Pháp trong giai đoạn này. Ngoài ra, vào năm 2022, Pháp đã ký một thỏa thuận với Indonesia về việc cung cấp 42 máy bay chiến đấu.

Các nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Pháp là: Airbus SE; Naval Group; Thales; Safran; và Dassault.

Xếp vị trí thứ 4 là Trung Quốc – quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng có thể được xem là lớn nhất ở châu Á với 5,2% tổng xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong năm 2018–2022. Phần lớn vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc (80%) là sang các nước ở châu Á và châu Đại Dương.

Trung Quốc đã cung cấp vũ khí cho 46 quốc gia trong năm 2018–2022, với 54% số hàng xuất khẩu đó là sang Pakistan.

Ở Đông Nam Á, Trung Quốc cung cấp vũ khí chủ yếu cho 6 quốc gia: Myanmar, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Thái Lan.

Bắc Kinh cũng bán vũ khí cho một số nước châu Phi: đặc biệt là Cộng hòa Trung Phi, Djibouti, Ethiopia và Sudan. Tuy nhiên, doanh số bán hàng cho khu vực này chỉ chiếm khoảng 19% xuất khẩu của Trung Quốc. Châu Mỹ Latinh là một điểm đến khác của vũ khí Trung Quốc: Argentina, Bolivia và Venezuela đều nhận được vũ khí Trung Quốc hoặc các dịch vụ an ninh tư nhân.

Vũ khí Trung Quốc cũng đang dần chiếm thị phần của các nước phương Tây nhất là tại thị trường các nước đang phát triển.

Vũ khí Trung Quốc cũng đang dần chiếm thị phần của các nước phương Tây nhất là tại thị trường các nước đang phát triển.

Năm tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc bao gồm: Tập đoàn công nghiệp phương Bắc (Norinco); Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC); China Electronics Technology Group Corporation (CETC); China South Industries Group Corporation (CSGC) (xe hạng nhẹ và súng) và Tập đoàn khoa học và công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Đứng vị trí top 5 là Đức chiếm 4,2% tổng nguồn cung vũ khí toàn cầu trong năm 2018–2022, thấp hơn 35% so với năm 2013–17. Phần lớn vũ khí của Đức được chuyển đến các quốc gia ở Trung Đông (36%), châu Á và châu Đại Dương (32%) và châu Âu (20%). Các khách hàng lớn nhất của quốc gia này là Hà Lan, Mỹ và Anh, cũng như Qatar, Oman, Ai Cập, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Mặc dù cuộc xung đột ở Ukraine mang lại lợi ích cho các nhà thầu quốc phòng của Đức, nhưng quốc gia này cũng đang phải đối mặt với những hạn chế nhất định, bị tê liệt bởi quá trình phi công nghiệp hóa, suy thoái kinh tế đang diễn ra và sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung cấp năng lượng trong tương lai.

Năm nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Đức là: Rheinmetall AG; Krauss-Maffai Wegman (KMW); MBDA Deutschland GmbH; Leonardo SpA; và Thyssenkrupp AG.

Trà Khánh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn