Khả năng Ukraine nhận thêm viện trợ quân sự Mỹ ngày càng xa vời

Thời sự quốc tếThứ Tư, 24/01/2024 10:01:00 +07:00
(VTC News) -

Các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ có thể sẽ làm mọi cách để ngăn Tổng thống Joe Biden bổ sung viện trợ cho Ukraine bất chấp thỏa thuận hai bên trước đó.

Báo cáo mới nhất của Viện Quản lý Nhà nước có trách nhiệm Quincy nhận định, các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ có thể chặn gói viện trợ khổng lồ cho Ukraine ngay cả khi thỏa thuận nhập cư và an ninh biên giới được lưỡng đảng thông qua.

Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ trước đó đã đạt được một thỏa thuận liên quan đến gói viện trợ quân sự bổ sung 100 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất dành cho Ukraine. Các lãnh đạo đại diện lưỡng đảng tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell và Chuck Schumer đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của thỏa thuận an ninh biên giới cũng như viện trợ bổ sung cho Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn viện trợ bổ sung cho Ukraine càng sớm càng tốt nhưng "con đường" này không hề suôn sẻ ở Quốc hội Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn viện trợ bổ sung cho Ukraine càng sớm càng tốt nhưng "con đường" này không hề suôn sẻ ở Quốc hội Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Cuối năm 2023, gói viện trợ bổ sung  trị giá hàng tỷ USD dành cho Ukraine cũng như viện trợ cho Israel và đảo Đài Loan đã không thể được thông qua tại Quốc hội Mỹ sau khi đảng Cộng hòa coi vấn đề an ninh biên giới là ưu tiên tuyệt đối.

Theo Blaise Malley, phóng viên của tờ Responsible Statecraftt và là cựu phó tổng biên tập của The National Interest, không chắc liệu Hạ viện Mỹ có đồng tình với quan điểm của Thượng viện Mỹ về ngân sách bổ sung hay không, mặc dù thỏa thuận lưỡng đảng về các vấn đề biên giới đang sắp được thực hiện.

Ông Malley đề cập đến lập trường cứng rắn của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson liên quan đến việc thực hiện các cải cách dự luật di cư sâu rộng cũng như những lo ngại của ông về việc giám sát viện trợ Ukraine và chiến lược của Kiev .

“Chúng tôi cần giải đáp những câu hỏi về chiến lược, về kết cục và về trách nhiệm giải trình đối với tiền thuế của người dân Mỹ”, ông Johnson nói với báo giới sau cuộc gặp ngày 17/1 với Tổng thống Biden và các lãnh đạo quốc hội khác tại Nhà Trắng. Chủ tịch Hạ viện cũng nhấn mạnh vấn đề biên giới vẫn cần được đặt lên hàng đầu. Hạ nghị sĩ Johnson có thành tích liên tục bỏ phiếu chống lại viện trợ của Ukraine trong quá khứ.

Còn theo Malley, hội nghị của Đảng Cộng hòa về viện trợ cho Ukraine sẽ được tổ chức vào hôm nay 24/1 (theo giờ địa phương) theo yêu cầu của một nhóm đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện, dẫn đầu là Thượng nghị sĩ Ron Johnson. Malley cho rằng việc kêu gọi viện trợ thêm cho Ukraine đang bắt đầu dần héo mòn trong lòng các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện.

Hơn nữa, một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa thậm chí còn đe dọa sẽ đưa ra "kiến nghị bãi nhiệm" chống lại Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm nếu ông cho phép một gói viện trợ khác cho Ukraine được thông qua.

“Tôi sẽ đưa ra kiến ​​nghị Chủ tịch Hạ viện Johnson phải chủ động từ chức nếu ông ấy ủng hộ viện trợ cho Ukraine", tờ Axios dẫn lại tuyên bố của Dân biểu Marjorie Taylor Greene tại Hạ viện hôm 17/1.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đối mặt với lựa chọn khó khăn khi các thành viên đảng Cộng hòa không muốn tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đối mặt với lựa chọn khó khăn khi các thành viên đảng Cộng hòa không muốn tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Reuters)

Tháng 10 năm ngoái, nhóm đại biểu đảng Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ đã buộc Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là Kevin McCarthy phải từ chức sau khi Hạ nghị sĩ Matt Gaetz của Florida buộc bỏ phiếu về "kiến nghị bãi nhiệm".

Theo Malley, ông Johnson khó có thể chống lại nhóm đại diện này vì nhiều lý do, một trong số đó là nó có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của ông với ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump.

Nhưng đó chưa phải là tất cả khi dự luật viện trợ trị giá hàng tỷ USD, bao gồm ít nhất 10 tỷ USD cho Israel đã bị một số nghị sĩ Đảng Dân chủ chú ý. Thành viên Đảng Dân chủ đang gây sức ép buộc Tel Aviv phải tuân thủ nhân quyền trong cuộc chiến ở Gaza. Theo Bộ Y tế Palestine, kể từ khi xung đột bắt đầu, 25.105 người Palestine đã thiệt mạng trong khu vực.

Có ít nhất 18 Thượng nghị sĩ vào ngày 19/1 đã tuyên bố ủng hộ việc sửa đổi bổ sung luật an ninh quốc gia trong đó yêu cầu "vũ khí mà bất kỳ quốc gia nào nhận được theo dự luật này phải được sử dụng theo luật pháp Mỹ, luật nhân đạo quốc tế và luật xung đột vũ trang".

Từ những rào cản trên các nhà quan sát nhận định những đề xuất của Tổng thống Joe Biden đối với khoản viện trợ bổ sung còn lâu mới được thông qua cho dù đạt được những thay đổi tích cực so với ban đầu.

Trà Khánh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn