Công nghiệp quốc phòng Mỹ chật vật đáp ứng viện trợ quân sự Ukraine

Quân sựThứ Năm, 20/04/2023 12:07:17 +07:00
(VTC News) -

Theo Wall Street Journal, các nhà thầu quốc phòng của Mỹ đang đứng trước việc thiếu động cơ đẩy phản lực, thành phần quan trọng để chế tạo đạn tên lửa cho Ukraine.

Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin riêng cho biết, các nhà sản xuất của Mỹ đang đứng trước một bài toán khó khi các mục tiêu sản xuất vũ khí viện trợ cho Ukraine liên tục bị lùi tiến độ. Điều này một phần đến từ việc nhiều nhà thầu phụ phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất.

Dẫn lại báo cáo của Quý I/2023 của tập đoàn Lockheed Martin, Wall Street Journal cho biết mặc dù doanh số bán hàng của công ty này tăng hơn so với một năm trước đó nhưng doanh thu từ các hệ thống đạn rocket phóng loạt có dẫn đường GMLRS lại giảm. Điều này đến từ việc dây chuyền sản xuất GMLRS bị đình trệ do thiếu linh kiện.

Công nghiệp quốc phòng Mỹ chật vật đáp ứng viện trợ quân sự Ukraine - 1

Các hệ thống HIMARS của Ukraine đứng trước nguy cơ thiếu đạn khi dây chuyển sản xuất của Lockheed Martin bị đình trệ. (Ảnh: Reuters)

Đạn rocket GMLRS là được trang bị cho các hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS của Lockheed Martin. Theo số liệu gần đây nhất của Lầu Năm Góc, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 38 bệ phóng HIMARS tuy nhiên không công bố số đạn tên lửa GMLRS đã chuyển giao.

Còn theo tờ Reuters, số đạn rocket dành cho các hệ thống HIMARS ở Ukraine đã được phía Mỹ chuyển giao rơi vào khoảng 5.000 đơn vị trong tháng 11/2022. Trong khi đó dây chuyền sản xuất đạn của Lockheed Martin chỉ đáp ứng được 4.600 đơn vị mỗi năm.

Wall Street Journal cho biết thêm, tình trạng thiếu động cơ đẩy phản lực là nguyên nhân chính cản trở nỗ lực thúc đẩy sản xuất của Lockheed Martin. Các nhà sản xuất tên lửa khác như Raytheon Technologies cũng bị ảnh hưởng.

Lockheed Martin cũng sử dụng động cơ tên lửa dùng nhiên liệu rắn trong tên lửa chống tăng Javelin, trong đó hơn 8.500 quả đã được gửi tới Ukraine trong năm ngoái.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới cơ sở sản xuất Javelin của Lockheed Martin ở Alabama vào tháng 5 năm ngoái, Giám đốc điều hành Jim Taiclet đã tuyên bố sẽ tăng gấp đôi sản lượng tên lửa chống tăng vào năm 2024. Tuy nhiên, đại diện công ty này và cả Lầu Năm Góc đều thừa nhận mốc thời gian này khó có thể đạt được và kế hoạch tăng quy mô sản xuất bị lùi lại năm 2026.

Các nhà sản xuất tên lửa hàng đầu của Mỹ như Lockheed Martin và Raytheon Technologies lấy nguồn động cơ tên lửa của họ từ một nhà cung cấp duy nhất, Aerojet Rocketdyne Holdings. Mặc dù Lầu Năm Góc đã trao cho Aerojet một hợp đồng trị giá 216 triệu đô la vào tuần trước để tăng cường sản xuất, nhưng họ cho biết họ vẫn đang phục hồi sau vụ hỏa hoạn tại một trong các nhà máy của mình vào năm ngoái.

Trong khi đó Aerojet cũng đang quá trình cải tổ và có thể sẽ bị tập đoàn hàng không vũ trụ L3Harris Technologies thâu tóm trong thời gian tới.

Trong khi việc sản xuất pháo phản lực và tên lửa dẫn đường dường như bị cản trở, Ukraine cũng đang vật lộn với tình trạng thiếu đạn pháo thông thường. Các tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc gần đây cho thấy sự thiếu hụt đang làm trì hoãn kế hoạch phản công mùa xuân của lực lượng Kiev, trong khi Mỹ được cho là đang tìm kiếm các đồng minh để bổ sung kho dự trữ đã cạn kiệt của mình.

Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng viện trợ vũ khí của phương Tây sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi đầu tháng 4 cho biết, sự tham gia của phương Tây “đang tăng dần lên” , đồng thời cho biết thêm rằng sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev “không thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của chiến dịch đặc biệt”.

Trà Khánh(Nguồn: RT; Wall Street Journal)
Bình luận
vtcnews.vn