Chính trị

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước

Thứ Tư, 29/06/2022 10:42:00 +07:00

(VTC News) - Câu chuyện về hai lá cờ được ghi lại trong cuộc hội ngộ giữa nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và ông Nguyễn Trọng Đức - nhân vật từng chống phá Nhà nước Việt Nam.

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 1

 

- Thưa Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, xin ông chia sẻ những kỷ niệm về ngày “khai sơn phá thạch” để có chuyến tàu đầu tiên chở kiều bào ra thăm quần đảo Trường Sa?

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tôi được tiếp xúc nhiều với kiều bào ở nước ngoài, đặc biệt là kiều bào tại Hoa Kỳ, nơi còn một bộ phận rất lớn những người có tư tưởng đi ngược lại với lợi ích dân tộc, có hành động chống phá Nhà nước Việt Nam.

Để đập tan chiêu bài “Cộng sản đã dâng biển bán đất cho nước ngoài”, tôi nảy ra ý nghĩ cần có những chuyến tàu ra tận đảo xa để bà con tận mắt thấy những chiến sĩ Hải quân, người dân trong nước bám đảo bảo vệ lãnh hải và làm kinh tế biển ra sao. Hải trình Trường Sa đã được thai nghén như thế.

Khi đã suy nghĩ thấu đáo về chương trình này, tôi bàn bạc với anh em trong Ủy ban. Chúng tôi đã lập đề án báo cáo các cấp, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan chức năng khác.

Trước khi có chuyến đi đầu tiên, tôi cũng đã phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Hải quân thị sát trước. Hải trình Trường Sa bắt đầu từ năm 2012.

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 2
Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 3

 

- Ấn tượng của kiều bào sau Hải trình đầu tiên như thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Khi đến các đảo, kiều bào được tận mắt nhìn thấy chủ quyền của chúng ta không những là chỉ với những đảo san hô mà chúng ta có cả một cuộc sống ở trên các hòn đảo. Bà con ngỡ ngàng thấy biển của chúng ta rộng lớn, đảo của chúng ta trù phú quá. Trên các đảo, chúng ta không chỉ có Hải quân và các lực lượng vũ trang mà có cả nhân dân. Chúng ta có cả cuộc sống như ở đất liền ngoài hải đảo. Đó là trường học, bệnh xá, nhà trẻ, chùa chiền…

Điều đó thể hiện cho bà con cô bác khắp nơi trên thế giới cũng như các nước có tranh chấp chủ quyền thấy rằng, nhân dân ta đã có cuộc sống ở đó từ lâu. Từ xa xưa, ông cha chúng ta đã tuyên bố chiếm hữu và sở hữu hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đó là có hiện thực hiện tại và có chứng cứ lịch sử. Hiện thực này đối với kiều bào là rất quan trọng.

Tôi cho rằng thành công của Hải trình Trường Sa các năm qua không tách rời sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan truyền thông. 

Sau chuyến Hải trình đầu tiên năm 2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định hàng năm tiếp tục tổ chức các chuyến đi Trường Sa cho kiều bào và càng ngày càng nhiều người trở về đất nước được thăm lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, nhìn thấy được cơ ngơi hiện tại, tiền đồ của đất nước trong tương lai.

Việc này rất trực quan để các thế lực thù địch thấy rằng không những chúng ta đang bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, lãnh hải, lãnh thổ của đất nước mà chúng ta còn đang xây dựng lòng tin cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 4

 

Về với Trường Sa còn là hành trình của đại đoàn kết dân tộc. Trường Sa thân yêu mãi mãi trong tim những con dân đất Việt xa xứ.

Ông Ngô Hướng Nam - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao

- Đại sứ đánh giá thế nào về Hải trình lần thứ 10 vừa được tổ chức?

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Chuyến đi lần này đánh dấu mốc rất quan trọng, là 10 năm chúng ta thực hiện Hải trình Trường Sa, 10 năm chúng ta đem lại cho bà con kiều bào niềm tin, 10 năm chứng minh cho thế giới thấy chúng ta không bao giờ rời bỏ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc và các thế lực thù địch bên ngoài không thể xuyên tạc sự thật đó.

Chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền, nhưng đồng thời cũng chứng minh cho thế giới thấy rằng, chúng ta cũng mong muốn Biển Đông với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là khu vực hòa bình, hợp tác hữu nghị và các nước có thể cùng nhau chung sống bằng các con đường hợp tác.

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 5

 

- Thưa ông Nguyễn Trọng Đức, được biết ông vừa có cái tên mới, ông có thể nói gì về cái tên Hùng Quốc Việt?

Ông Nguyễn Trọng Đức: Sau 30/4/1975, do không nắm bắt được tình hình ở Việt Nam nên tôi trở thành người chống lại Nhà nước Việt Nam rất kịch liệt trên YouTube, Facebook, và từ đó tôi có nhiều biệt danh - tự mình đặt cũng có, do người khác đặt cho cũng có. Mỗi một biệt danh gắn liền với từng giai đoạn của cuộc đời tôi.

Sau đó, tôi có may mắn được gặp Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn. Tôi được ông Sơn giải thích thấu đáo, chia sẻ nhiều thông tin về tình hình đất nước, đặc biệt là Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài… Rồi, ông Sơn khuyên tôi nên về nước để tận mắt nhìn thấy và cảm nhận. Ban đầu có những khó khăn, nhưng nhờ sự trợ giúp của ông Sơn, tôi đã được trở về quê cha đất tổ.

Trước những thay đổi của đất nước, tôi dần thay đổi nhận thức và có niềm tin mới ngày càng vững chắc. Hiện nay, tôi thật sự đã trở về quê hương sinh sống, đã mang quốc tịch Việt Nam, có các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Cuộc đời tôi giờ đây đã sang chuyển sang một trang mới. Vì thế, tôi muốn từ bỏ những biệt danh gắn liền với thời kỳ chống phá Nhà nước Việt Nam. Tôi muốn mang một cái tên mới bên cạnh tên khai sinh. Đó là Hùng Quốc Việt. Có nghĩa tôi là con cháu vua Hùng - các vị vua đã khai sinh ra đất nước, là con dân của Tổ quốc Việt Nam.

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 6
Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 7

 

- Trong Hải trình Trường Sa lần thứ 10, ông đã có một hành động rất đặc biệt là mang trên mình tấm áo cờ đỏ sao vàng…

Ông Nguyễn Trọng Đức: Lần đầu tiên sau 50 năm, một điều mà tôi suy nghĩ rất nhiều, đắn đo rất nhiều là tại sao mình đã về quê hương, đã là một người Việt Nam mà mình lại không có một hành động nào thể hiện sự tự hào, lòng biết ơn với lá cờ Tổ quốc.

Các vận động viên khi tranh tài ở những giải đấu thể thao đều có khát vọng bảo vệ màu cờ sắc áo của mình, và khi chiến thắng thì còn điều gì hạnh phúc bằng là được khoác lên trên mình lá cờ Tổ quốc.

Chính vì thế, trong Hải trình Trường Sa lần thứ 10, tôi đã chuẩn bị một chiếc áo cờ đỏ sao vàng và khoác lên mình tấm áo cũng là lá cờ thiêng liêng đó ở xã đảo Trường Sa Lớn. Tại đây, tôi muốn khẳng định tôi là người Việt Nam, khẳng định mình yêu Tổ quốc Việt Nam, tự hào mình là người Việt Nam.

Đó là lý do tại sao sau hơn 50 năm rời quê hương đất nước, giờ đây tôi đã mang lên trên mình Quốc kỳ, thực sự mang trong tim Tổ quốc.

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Đây là cả một quá trình chuyển biến trong tư tưởng của anh Nguyễn Trọng Đức, và những chuyển biến đó gắn liền với Hải trình Trường Sa.

Khi quyết định để anh Đức tham gia Hải trình Trường Sa năm 2014, tôi tin tưởng anh Đức sẽ là nhân chứng sống với kiều bào và chính những người chống phá Nhà nước Việt Nam ở Hoa Kỳ. Bởi vì khi về nước năm 2014, anh Đức tuyên bố về để tìm hiểu sự thật, để xem Chính phủ có che giấu điều gì trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải hay không, đặc biệt là sự nghiệp bảo vệ chủ quyền. Ngay trong chuyến đi năm 2014, anh Đức đã có câu trả lời cho riêng mình.

Chính vì thế, khi giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Hải quân và nhân dân ở đảo Trường Sa, anh Đức khẳng định nếu Nhà nước cần, nếu Tổ quốc cần, Quân chủng Hải quân và lực lượng vũ trang cần thì anh sẵn sàng trở về tham gia và cầm súng đứng trong đội ngũ những người chiến sĩ Hải quân để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải.

Hải trình đó tôi là trưởng đoàn và tôi thấy phát biểu của anh Đức đã gây cảm xúc rất lớn và trực tiếp tác động vào tình cảm cũng như là sự tự hào, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ nhân dân huyện đảo Trường Sa nói chung và xã đảo Trường Sa Lớn nói riêng.

Tôi tự hào và tin tưởng là Hải trình Trường Sa sẽ tiếp tục trong những năm tới để không phải chỉ có những thế hệ của anh Nguyễn Trọng Đức - Hùng Quốc Việt mà thế hệ con em chúng ta sau này sẽ tiếp tục được chứng kiến sự kiên định trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời cũng yên tâm và tin tưởng vào sự phát triển của đất nước.

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 8

(Ảnh: Quang Đào)

- Vì sao từ năm 2014 đến năm 2022, tức là 8 năm sau ông mới có một hành động đặc biệt như thế?

Ông Nguyễn Trọng Đức: Tôi ở nước ngoài, lúc nào cũng nghe nói là biển đảo mất hết rồi, không có chủ quyền nên tôi quyết tâm trở về Việt Nam và hy vọng được tới Trường Sa để tự điều tra, để tận mắt thấy những điều ông Sơn nói, những điều Nhà nước nói có phải là sự thực hay không.  

Tôi may mắn được ông Sơn sắp xếp cho tham gia Hải trình Trường Sa. Hải trình năm 2014 có một lễ cầu siêu cho các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh thân mình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đứng trên boong tàu, anh em chúng tôi đã khóc. Thật linh nghiệm, tôi nhìn thấy hoa đăng được thả trên biển cả tụ lại theo hình chữ S. Lúc đó, tôi đã rất xúc động. Tôi siết chặt tay ông Nguyễn Thanh Sơn.

Sau chuyến đi đó, rất nhiều người thay đổi quan điểm và góc nhìn về đất nước. Với tôi, đó là một chuyến đi lịch sử, và hôm nay sau 8 năm tôi lại được tham gia Hải trình Trường Sa. Không phải như Trường Sa mà năm 2014 tôi đặt chân, Trường Sa ngày hôm nay thay đổi nhiều lắm, phát triển nhiều lắm. Tôi phải nói lời cảm ơn Nhà nước đã cho tôi thấy sự thay đổi đó.

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 9
Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 10

(Ảnh: Ngô Nhung)

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 11

 

- Ông cũng mang về từ Trường Sa một món quà rất đặc biệt…

 Ông Nguyễn Trọng Đức: Lá Cờ đỏ Sao vàng tôi mang về từ Trường Sa là vô giá vì đây là lá cờ từng tung bay giữa nắng gió, biển cát đại dương, thấm đẫm nước Biển Đông, là tình cảm của quân và dân Trường Sa dành cho tôi. Phải nói rằng, nó là kỷ vật muôn đời trong gia tộc chúng tôi.

Đây là lá cờ có chữ ký của Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân - Trưởng đoàn công tác số 8 thăm và động viên cán bộ chiến sĩ quần đảo Trường Sa, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Đại sứ Ngô Hướng Nam - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và đại diện tất cả các đảo đoàn đã đến thăm.

Hôm nay tôi mang lá cờ này đến đây để xin chữ ký của Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn như một lời cảm ơn người đã đưa đường dẫn lối cho tôi trở về với Mẹ Quê hương.

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 12

(Ảnh: Ngô Nhung)

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Anh Đức đã được tham gia vào Hải trình Trường Sa lần thứ 10 và nhận được món quà kỷ niệm vô cùng đặc biệt. Anh hãy mang lá cờ về Houston (Hoa Kỳ) và treo ở nhà riêng trên một vị trí thật trang trọng.

Anh hãy nói với các thế hệ con cháu của anh và các kiều bào về hành trình anh đã từng đi. Đó là một hành trình mà không phải ai cũng có được.

Nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài mong muốn chủ quyền mà chúng ta xây dựng ở các đảo sẽ trở thành những điểm hội tụ hòa bình của nhân dân Việt Nam trên khắp thế giới.

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 13
Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 14

 

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 15

 

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 16
Cờ Tổ quốc ở Trường Sa của người từng chống đối đất nước - 17

 

 

Phương Đông - Phạm Thịnh(Thiết kế: Hà Long, Video: Hữu Dánh)
Bình luận
vtcnews.vn