Vũ khí bí mật của tiêm kích tàng hình Nga khiến Mỹ 'phá sản' kế hoạch tác chiến

Quân sựThứ Tư, 07/07/2021 06:49:43 +07:00
(VTC News) -

Với hai mẫu tên lửa không đối không siêu thanh mà Su-57 được trang bị, chiến đấu cơ Nga có thể làm “phá sản” kế hoạch tác chiến của người Mỹ với các máy bay F-35.

Được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2019 và biên chế cho không quân Nga từ cuối năm 2020, Sukhoi Su-57 là chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 đầy tham vọng của Moskva kể từ sau khi Liên Xô tan rã.

Về cơ bản Su-57 được thiết kế để thay thế dần cho các dòng chiến đấu cơ được phát triển từ “huyền thoại” Su-27 Flanker vốn đang phục vụ trong không quân Nga kể từ cuối những năm 1980.

Dĩ nhiên, không quân Nga có kỳ vọng khá lớn vào Su-57, điều này có thể thấy qua việc tiêm kích tàng hình này được tích hợp một loạt công nghệ hàng không lẫn vũ khí hiện đại. Ngoài ra nó có thể thực hiện các bài bay phức tạp, cơ động trong không chiến nhờ vào hệ thống động cơ phản lực mạnh mẽ.

Rõ ràng khả năng chiến đấu của Su-57 khiến nó trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với các dòng tiêm kích tàng hình của không quân Mỹ: F-35 và F-22.

Vũ khí bí mật của tiêm kích tàng hình Nga khiến Mỹ 'phá sản' kế hoạch tác chiến - 1

Tiêm kích tàng hình Su-57. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Vũ khí bí mật của Su-57

Theo phân tích của tờ Military Watch, với hai mẫu tên lửa không đối không siêu thanh mà Su-57 được trang bị, chiến đấu cơ Nga có thể làm “phá sản” kế hoạch tác chiến của người Mỹ với các máy bay F-35 khi chúng chưa kịp tham chiến.

Các loại tên lửa này sẽ giúp Su-57 đứng vững trước số lượng máy bay áp đảo của kẻ thù nếu nổ ra một cuộc xung đột giữa Nga và NATO. Loại tên lửa Military Watch muốn nói tới chính là tên lửa không đối không R-37M và tên lửa tấn công siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal, cả hai đều sẽ được trang bị cho Su-57 trước năm 2025.

Cũng cần phải nói rõ là với phiên bản Kh-47M2 hiện tại Su-57 không thể mang theo mẫu tên lửa khi chúng có kích thước quá lớn, kể cả khi được treo dưới thân máy bay. Ngay như các tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-31K của không quân Nga hiện tại muốn triển khai được Kh-47M2 đều phải trải qua quá trình sửa đổi.

Tuy nhiên, trong tương lai gần, Nga sẽ tiếp tục cho ra mắt các biến thể rút gọn của Kh-47M2 cho phép triển khai tên lửa này trên các dòng chiến đấu cơ thông thường hoặc tàng hình như Su-57.

Vũ khí bí mật của tiêm kích tàng hình Nga khiến Mỹ 'phá sản' kế hoạch tác chiến - 2

Cả vùng tô màu là vị trí các khoang và giá treo vũ khí trên Su-57. (Ảnh: Airforce Technology)

Nếu kế hoạch này được thực hiện Su-57 sẽ trở thành tiêm kích tàng hình duy nhất có khả năng triển khai tên lửa tấn công siêu thanh. Điều này không chỉ khiến nó trở thành “khắc tinh” của F-35 mà còn cho phép thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào các trung tâm chỉ huy của đối phương, các trung tâm hậu cần, sân bay và các mục tiêu trọng yếu khác nằm sâu sau phòng tuyến của kẻ thù.

Về tên lửa Kh-47M2, nó có tầm bắn hiệu quả từ 2.000km - 3.000km với hành trình bay tối đa có thể đạt Mach 10 (tương đương hơn 12.000km/h). Khả năng tác chiến của dòng tên lửa này giúp không quân Nga có thể thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu với bất cứ mục tiêu nào ở Tây Âu, Trung Đông, Đông Á và Đông Nam Á. Cũng phải nhấn mạnh rằng không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào trên thế giới đánh chặn được Kh-47M2.

Còn về tên lửa không đối không siêu thanh R-37M, rất có khả năng nó sẽ được không quân Nga đưa vào sử dụng trong vài năm tới khi Su-57 được đưa vào trang bị hàng loạt. R-37M có tầm bắn hiệu quả lên đến 400km, tốc độ bay tối đa Mach 6 (hơn 7.400km/h) và rất khó để có thể “cắt đuôi” nó.

Vũ khí bí mật của tiêm kích tàng hình Nga khiến Mỹ 'phá sản' kế hoạch tác chiến - 3

Hình ảnh Su-57 thử nghiệm vũ khí hiếm hoi được ghi lại. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Dĩ nhiên, R-37M cũng có những hạn chế, một trong số đó là việc Su-57 không thể phát hiện các mục tiêu ở khoảng cách quá xa. Do đó việc sử dụng tên lửa tấn công máy bay đối phương ở khoảng cách 400km là nhiệm vụ bất khả thi, kể cả khi Su-57 được chia sẻ dữ liệu từ các hệ thống phòng không dưới mặt đất.

Được biết, Mỹ và Trung Quốc cũng đang phát triển các loại tên lửa tương tự R-37M.

Tựu trung lại, kể cả khi Su-57 được thiết kế để giúp không quân Nga chiếm ưu thế trên không cũng như đối phó với các máy bay tàng hình của đối phương thì việc đối đầu trực diện với một lực lượng áp đảo hơn là điều không nên. Do đó, tiêm kích tàng hình Nga sẽ lấp đầy chênh lệch về quân số bằng các loại vũ khí tấn công tầm xa như R37M và Kh-47M2.

Mặt khác khả năng cơ động và hệ thống vũ khí trên F-35, F-22 của Mỹ hay J-20 Trung Quốc không thể sánh bằng với Su-57, nó sẽ cho phép người Nga có cơ hội lật ngược tình thế kể cả khi có ít máy bay hơn. Tuy nhiên, lợi thế này sẽ không kéo dài được lâu khi Mỹ hay Trung Quốc cho ra các máy bay chiến đấu thế hệ 6.

Trà Khánh
Bình luận
vtcnews.vn