Dịch cúm chết chóc nhất lịch sử nhân loại: Tổng thống Mỹ cũng nhiễm bệnh

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 01/02/2020 17:42:41 +07:00
(VTC News) -

Tổng thống Mỹ và những người thân cận cũng không nằm ngoài vùng "phủ sóng" của dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919, vốn được mệnh danh là dịch cúm chết chóc nhất lịch sử nhân loại

Khi người Mỹ cân nhắc các mối đe dọa đối với nền dân chủ, họ thường nghĩ về các cuộc xung đột đẫm máu như Thế chiến I. Nhưng khi cuộc chiến này kết thúc vào năm 1918, một đối thủ thường bị lãng quên khác đã đến Mỹ: dịch cúm Tây Ban Nha.

Đại dịch chết người đã ảnh hưởng đáng kể đến dân số toàn cầu. Các nhà khoa học ước tính cúm Tây Ban Nha lây nhiễm một phần ba dân số thế giới và khi dịch cúm lan rộng, Tổng thống Mỹ và những người thân cận cũng không nằm ngoài vùng "phủ sóng".

Dịch cúm chết chóc nhất lịch sử nhân loại: Tổng thống Mỹ cũng nhiễm bệnh - 1

Y tá chăm sóc cho người bệnh tại Washington D.C, 1918. 

Virus ban đầu phát triển mạnh ở các khu vực gần chiến hào và quân đội trong Thế chiến I, và việc di chuyển xuyên quốc gia của binh lính tạo điều kiện cho việc lây nhiễm qua biên giới. Đến tháng 10/1918, thành phố Washington, D.C. trở thành một trong những nơi sinh sản của chủng cúm H1N1 này.

Khi các ca dân sự tăng lên, các quan chức y tế địa phương đưa ra lệnh cấm tụ họp nơi công cộng để dập tắt sự lây lan của dịch bệnh. Trên khắp thành phố, các trường công và trường đại học đóng cửa, Quốc hội và Tòa án Tối cao ngừng hoạt động. Các ca cúm tiếp tục phát triển, ảnh hưởng đến cả những cư dân khỏe mạnh ở độ tuổi hai mươi và ba mươi. Sự lây nhiễm khiến tuổi thọ trung bình ở Mỹ giảm 12 năm vào năm 1918.

Do tiếp xúc gần gũi với dịch bệnh khiến những người làm việc trong Nhà Trắng có nguy cơ lây nhiễm cao, và cúm Tây Ban Nha đã ảnh hưởng đến gia đình và các nhân viên của Tổng thống Mỹ Wilson (nhiệm kỳ 1913-1921).

Trường hợp cúm đầu tiên được ghi nhận trong chính quyền ở đỉnh điểm của đại dịch vào tháng 10/1918, khi Tổng thống Wilson viết cho Thượng nghị sĩ Mississippi John Sharp Williams, nhấn mạnh rằng "tôi đã trả lời thư của ông vào ngày 14/10 sớm hơn nếu như thư ký của tôi không vắng mặt vì bệnh cúm."

Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến người. Vào tháng 1/1919, tờ Washington Post đưa tin rằng hai con cừu, được chăn thả trên sân Nhà Trắng đã bị đưa vào viện thú y và bị cho là có triệu chứng cúm. Chúng phục hồi nhanh chóng dưới sự chăm sóc của Bộ Nông nghiệp và trở lại bãi cỏ trong vòng chưa đầy hai tháng.

Dịch cúm chết chóc nhất lịch sử nhân loại: Tổng thống Mỹ cũng nhiễm bệnh - 2

Tổng thống Woodrow Wilson và các nhà lãnh đạo Đồng minh, người mà ông sẽ đàm phán cùng trong Hội nghị Hòa bình Paris.

Bất chấp quy mô và tỷ lệ chết người chưa từng có của bệnh cúm Tây Ban Nha, đình chiến vẫn là vấn đề quan trọng nhất đối với những người làm việc cho chính quyền Wilson lúc bấy giờ. Sau gần 4 năm chiến tranh, một lệnh ngừng bắn đã đạt được vào tháng 11/1918, nhưng hòa bình vẫn chưa thiết lập hoàn toàn. Hội nghị Hòa bình Paris bắt đầu vào tháng 1/1919, nơi "Big Four" (Pháp, Mỹ, Vương quốc Anh và Italy) gặp nhau để thảo luận về hòa bình ở châu Âu và nước ngoài cho các thế hệ tương lai.

Chuyến đi tới Paris để đàm phán làm tăng thêm nguy cơ nhân viên Nhà Trắng mắc bệnh, vì các ca bệnh ở châu Âu kéo dài đến năm 1919. Vào tháng 2, nhiều nhân viên của Tổng thống Wilson bị cúm trong chuyến đi xuyên Đại Tây Dương từ Brest, Pháp, tới Boston, Massachusetts, bao gồm cả thành viên của Sở Mật vụ, Usher Irwin "Ike" Hoover và Charles Swem, người viết tốc ký của Tổng thống.

Margaret, con gái lớn của Tổng thống Wilson, cũng bị ốm trong tháng đó trong chuyến đi tới Brussels và phải "ở hạn chế trong phòng của bà trong Sứ quán Mỹ".

Tất cả họ đã hồi phục khi trở về Mỹ.

Dịch cúm chết chóc nhất lịch sử nhân loại: Tổng thống Mỹ cũng nhiễm bệnh - 3

Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson.

Ngay cả Tổng thống Wilson cũng không thể tránh khỏi căn bệnh truyền nhiễm, và bị bệnh giữa cuộc đàm phán hòa bình. Vào tháng 4/1919, Chuẩn đô đốc Cary T. Grayson, bác sĩ riêng của tổng thống, đã viết thư cho một người bạn: "Hồi hai tuần vừa qua là những ngày vô cùng vất vả đối với tôi. Tổng thống đột nhiên bị ốm nặng vì cúm vào thời điểm toàn bộ nền văn minh dường như đang đến thời điểm quyết định."

Theo Smithsonian Magazine, đôi khi ông Wilson có vẻ bối rối trong các cuộc họp, và nói với bác sĩ của mình rằng ông cảm thấy rất tệ. Một buổi tối, Wilson thấy khá khó thở và thân nhiệt của ông tăng lên đến 39,4. 

Tuy nhiên, mức độ bệnh tật của Tổng thống Wilson không được tiết lộ cho người dân Mỹ. Thay vào đó, ông Grayson thông báo với báo chí rằng đó chỉ là một cơn cảm lạnh do thời tiết lạnh lẽo và mưa ở thành phố Paris.

Sự vắng mặt của ông Wilson vào thời điểm quan trọng của các cuộc đàm phán. Big Four đang cố gắng giải quyết những câu hỏi lớn hơn về sự trả thù của Đức, việc thành lập Liên minh các quốc gia và vấn đề chủ nghĩa Bolshevism, tất cả đều gặp nguy cơ bởi bệnh của Tổng thống Mỹ. Khi Grayson đảm bảo về sự phục hồi nhanh chóng của Wilson trên tờ New York TimesThe Washington Post, cúm đã khiến ông hầu như không thể nói chuyện hoặc đứng thẳng.

Báo chí đưa tin tình trạng của ông với người dân Mỹ quan tâm hàng ngày. Một chuyên mục trên tờ Washington Post viết: "Đất nước sẽ lo lắng về Tổng thống Wilson cho đến khi ông lại làm việc. Đây là thời điểm mất một giờ đồng nghĩa với việc mất hàng triệu giờ cho những cá nhân đang chờ đợi để bắt đầu tái thiết... thế giới đồng minh hy vọng vì lợi ích của họ rằng căn bệnh của ông sẽ nhẹ nhàng và sớm kết thúc."

Tại Nhà Trắng, những người dân lo lắng bày tỏ sự thông cảm với vị tổng thống đang ốm ở nước ngoài và nhiều người gửi điện tín đến. Ông Wilson sau đó đã hồi phục và nhanh chóng trở lại đàm phán.

Dịch cúm chết chóc nhất lịch sử nhân loại: Tổng thống Mỹ cũng nhiễm bệnh - 4

Mỹ cảnh báo người dân về dịch cúm.

Một chính trị gia người Mỹ đầy triển vọng và cư dân Nhà Trắng tương lai lúc bấy giờ cũng bị nhiễm virus chết người là Trợ lý Bộ trưởng Hải quân Franklin Roosevelt. Vào tháng 9/1918, Thời báo Washington đưa tin Roosevelt bị bệnh cúm Tây Ban Nha trong chuyến đi đến Pháp. Trên tàu U.S.S Leviathan, gần một phần sáu người bị nhiễm bệnh, tương đương gần hai nghìn nạn nhân. Sức khỏe suy yếu nghiêm trọng, Roosevelt được đưa ra khỏi tàu trên cáng sau khi cập cảng ở Mỹ và được vận chuyển bằng xe cứu thương đến nhà mẹ ở New York, nơi ông đã hồi phục hoàn toàn.

Thật khó tưởng tượng tiến trình lịch sử Mỹ nếu Woodrow Wilson không vượt qua căn bệnh này trong các cuộc đàm phán hòa bình sau chiến tranh, hoặc nếu Franklin Roosevelt không sống sót sau đại dịch. Không phải tất cả những đồng hương của hai người đều may mắn khi hơn 675.000 người Mỹ đã chết trong đợt bùng phát dịch.

 

Phương Anh(Nguồn: White House History)
Bình luận
vtcnews.vn