Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược thế nào cho đúng và trúng?

Chính trịThứ Hai, 21/08/2023 11:55:56 +07:00

"Giới thiệu nhân sự không đủ điều kiện phải chịu trách nhiệm" là quan điểm của GS.TSKH Phan Xuân Sơn khi bàn về việc chọn nhân sự Trung ương khóa mới.

Đảng luôn dành sự quan tâm, chú trọng đặc biệt đến đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Bởi tổ chức tốt việc giới thiệu, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là bước chuẩn bị quan trọng để có đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài cho Trung ương.

Chúng ta đang đứng trước thời cơ phát triển, nhưng cũng rất nhiều thách thức, khó lường, đặc biệt là tình hình thế giới, khu vực. Bối cảnh đó đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với đội ngũ cán bộ này. Tại thời điểm này vấn đề chúng ta đặt ra là cần quy hoạch cán bộ cấp chiến lược như thế nào cho đúng và trúng? Phóng viên VOV2 phỏng vấn GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về nội dung này.

GS Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Dân Việt)

GS Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Dân Việt)

- Đây là thời điểm mà các địa phương, bộ ngành, đang tiến hành quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương. So với các khoá trước, lần này, các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, số lượng nhân sự được quy hoạch vào Trung ương, theo ông có gì khác biệt?

Quy trình cán bộ của chúng ta đã ban hành từ trước Đại hội XIII và ngày càng quy định chặt chẽ, cụ thể: Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Quy định 50 của Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ.

Tuy nhiên lần này trong một bối cảnh khác. Thứ nhất, chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực nên tiêu chuẩn liên quan đến tham nhũng rất chặt chẽ. Thứ 2, vừa qua rất nhiều cán bộ thuộc Ban Chấp hành Trung ương bị xử lý về tội tham nhũng, nên lần này phải quán triệt lựa chọn thế nào để không bị nhầm lẫn, chọn được cán bộ chất lượng cao. Thứ 3 là cơ cấu, tiêu chuẩn, chất lượng – 3 điều này tạo thành một vấn đề rất quan trọng của tất cả những lần về lựa chọn nhân sự.

Tiêu chuẩn có cơ cấu nhưng cơ cấu có đúng tiêu chuẩn hay không là một chuyện khác. Tiếp theo là yếu tố chất lượng - đề ra tiêu chuẩn nhưng chất lượng không có hoặc không tới nghĩa là tiêu chuẩn quá cao. Giải quyết mâu thuẫn này trong một lần chuẩn bị nhân sự, đặc biệt là cấp chiến lược sẽ vô cùng khó. Đây thật sự là một thách thức.

- Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ nóng bỏng mà toàn Đảng, toàn dân đang đặc biệt quan tâm. Với quan điểm của ông, người được giới thiệu vào Trung ương thì tiêu chuẩn và điều kiện nào là quan trọng nhất và cần đặc biệt chú trọng?

Bất kỳ nhân sự của cấp nào đều liên quan đến đức và tài. Đức là gốc, người có tài mà không có đức thì không làm được việc gì cả nhưng có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Trong công tác cán bộ chúng ta có 4 chữ T: Tâm, Trí, Tầm, Tài.

Trong đó, Tâm thể hiện đạo đức, đạo đức là linh hồn của văn hóa. Nếu anh chỉ có tài mà không có tâm thì giả sử anh có cơ cấu, anh có may mắn vào thì anh gây thiệt hại nhiều hơn là anh không vào. Cho nên phải trọng chữ Tâm, nói cách khác là chú ý đạo đức, trong đó có đạo đức cách mạng, mà đạo đức cách mạng liên quan đến cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là không có tham nhũng – cái đó là cái đầu tiên.

Điều này cũng đồng nghĩa là không có tự chuyển biến, tự chuyển hóa, phải trong sạch về mặt chính trị. Nếu có tấm lòng với đất nước, với nhân dân, với Đảng, với địa phương, với tổ chức thì lúc đó chúng ta phải có Trí, tức là lo học, khắc chúng ta sẽ có Tầm, rèn luyện để có tầm nhìn, khắc chúng ta sẽ có Tài – biết cách học tập các kỹ năng để xử lý các vấn đề đặc biệt là những vấn đề lớn, vấn đề khó, vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống hiện nay đang đặt ra.

- Có ý kiến đề xuất, việc lựa chọn nhân sự để giới thiệu quy hoạch và Ban Chấp hành Trung ương khóa mới nên mở rộng nguồn, không chỉ bó hẹp trong nguồn tại chỗ ở từng cơ quan, đơn vị. Quan điểm của ông thế nào?

Thực ra quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, cấp Trung ương thì Đảng ta có chủ trương "động" và "mở" thì không nhất thiết lấy nhân sự tại chỗ. Nhưng hiện các đơn vị chủ yếu là giới thiệu nhân sự tại chỗ. Giải quyết vấn đề này cũng không dễ. Nếu như không phải nhân sự tại chỗ thì anh giới thiệu ai, vào cơ cấu như thế nào? Cá nhân tôi vẫn ủng hộ phương châm: động và mở. Trước mắt các đơn vị giới thiệu các nhân sự nhưng ở tầm tổng thể, Đảng phải giải quyết vấn đề mở ở đây là mở như thế nào bởi vì sau này các địa phương cũng không bố trí những Bí thư Tỉnh ủy là người địa phương nữa.

- Theo ông, vai trò của người đứng đầu như thế nào trong việc giới thiệu nhân sự? Trong trường hợp giới thiệu nhân sự không đủ tiêu chuẩn tham gia Ban Chấp hành Trung ương thì người giới thiệu phải chịu trách nhiệm ra sao?

Hiện nay, Đảng ta rất coi trọng người đứng đầu. Công tác cán bộ là then chốt của then chốt và người đứng đầu là then chốt của then chốt cho nên người đứng đầu chịu trách nhiệm rất lớn về nhiều mặt trong đó có nhân sự. Nhân sự thì không chỉ những nhân sự đang làm việc đâu mà cả nhân sự quy hoạch, nhân sự sắp tới nữa.

Nếu người đứng đầu làm quy trình sai, không làm đúng tiêu chuẩn thì phải chịu trách nhiệm - cái đó rõ rồi. Nhưng cái khó thế này, anh giới thiệu đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn nhưng sau khi giới thiệu xong, vào được Ban Chấp hành thì nhanh chóng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống thì bị xử lý tình huống này thế nào. Tôi cho rằng phải gắn trách nhiệm nhân sự với người đứng đầu, thứ 2 đã gắn trách nhiệm thì phải trao cho người ta quyền chủ động – cái này giải quyết mối quan hệ giữa Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ với phân quyền của người đứng đầu trong vấn đề nhân sự.

Cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng Ninh bỏ phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng Ninh bỏ phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- Từ Đại hội XII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hàng loạt quy chế, quy trình chặt chẽ hơn để hạn chế, tiến tới không còn tình trạng "chạy chức, chạy quyền", "chạy quy hoạch", như từng xảy ra. Tuy nhiên, có lẽ để đạt được mục tiêu kiên quyết không giới thiệu, không để lọt vào quy hoạch cấp chiến lược người tiêu cực, sai phạm hoặc có biểu hiện suy thoái, là một việc không dễ dàng?

Việc chọn một cán bộ vào cấp chiến lược là không dễ, đặc biệt chọn và phát hiện trong bối cảnh hiện nay, bởi không biết họ có vi phạm gì không, rồi họ có động cơ tham nhũng vụ lợi không. Vì vậy, ngoài những tiêu chuẩn chung Trung ương quy định, cần lưu ý một số vấn đề.

Đầu tiên, chúng ta cần sự thống nhất lãnh đạo về công tác cán bộ của toàn Đảng. Thứ 2 là phải đề cao vai trò của người đứng đầu vì hơn ai hết người đứng đầu là người biết mình muốn gì ở cán bộ và bố trí họ thế nào; vận hành bộ máy trong đó những người cán bộ làm việc thế nào. Thứ 3 nữa là phải qua dân. Bác Hồ dặn rồi, không thể cán bộ nào mà tách rời dân được, cán bộ phải qua dân, hiểu được dân, làm việc với dân, làm phong trào với dân thì dân mới biết người cán bộ thế nào và đặc biệt người cán bộ biết xử lý những vấn đề khó, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Tôi hy vọng chúng ta chọn được người xứng tầm, có một đội ngũ cán bộ chiền lược tầm nhìn xa, trách nhiệm lớn đối với đất nước.

- Xin trân trọng cảm ơn GS!

Quy hoạch "động" và "mở"

Theo Hướng dẫn số 16 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung cụ thể trong công tác quy hoạch cán bộ, việc quy hoạch được thực hiện theo phương châm "động" và "mở".

Quy hoạch "động" là định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh để đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc uy tín thấp và kịp thời bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, triển vọng phát triển.

Quy hoạch "mở" là không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà cần mở rộng nguồn cán bộ từ nơi khác để đưa vào quy hoạch những cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Phạm Trang(VOV2)
Bình luận
vtcnews.vn