Hậu trường

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu

Thứ Năm, 08/02/2024 07:00:00 +07:00

(VTC News) - "Người Việt Nam đầu tiên chinh phục Ironman & Ironman 70.3 khắp 5 châu" - trang Facebook của cô gái 29 tuổi Lâm Túc Ngân ghim bài viết này ở vị trí cao nhất.

Ironman, như tên gọi, là cuộc thi của những "người sắt", nơi thử thách sức mạnh thể chất, sự dẻo dai, sức chịu đựng và ý chí. Tham gia và hoàn thành được đủ 3 môn cũng là một thành tích đáng nể, chưa nói đến thứ hạng. 

Hành trình thành ‘người sắt’

Con đường đến với bộ môn triathlon của Lâm Túc Ngân bắt đầu từ cuộc thi tại công ty và nhận được giải thưởng. Cô chia sẻ, trong cuộc thi đó, cô nghĩ đây là giải cuối cùng bởi vì khá vất vả. Thậm chí cô còn thấy hơi nhàm chán khi phải chạy suốt mấy giờ liền.

Nhưng sau khi hoàn thành, tôi tự khám phá được năng lực bản thân. Tôi nghĩ mình có thể làm được nhiều hơn thế”, Lâm Túc Ngân hào hứng khi nhắc về cột mốc quan trọng đó. Từ những thành tích trong phạm vi nhỏ, Lâm Túc Ngân tiếp tục hành trình dài và khẳng định được bản thân với thành tích ngày một cao hơn.

Trong nhiều năm, cô góp mặt ở các giải Ironman 70.3, thực hiện đường đua 1,9 km bơi, 90 km đạp xe và chạy 21,1 km.

Đến năm 2019, Túc Ngân đăng ký dự Ironman Philippines 140.6 - giải full Ironman với hành trình bơi 3,8 km bơi, đạp xe 180 km và chạy 42,2 km. Tuy nhiên, lần đăng ký tham gia này đã có lúc khiến Túc Ngân cảm thấy hụt hẫng trước khi phải chờ đợi khi giải đấu liên tục bị hoãn; vượt qua khó khăn, lo lắng và nhiều bất lợi vì cuộc thi diễn ra trong thời gian căng thẳng của dịch COVID-19.

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu - 1

Lâm Túc Ngân - "Người Việt Nam đầu tiên chinh phục Ironman & Ironman 70.3 khắp 5 châu"

Sau khi đăng ký thi thành công, cô lao vào tập luyện theo giáo án nghiêm ngặt suốt nhiều tháng để chuẩn bị cho hành trình này. Thế nhưng, khi cô đang ở đỉnh cao phong độ, dịch Covid-19 bùng phát khiến giải đấu tại Philippines bị hoãn.

Kế hoạch buộc phải thay đổi, và xen lẫn những ngày tập luyện là cảm giác chờ đợi, hụt hẫng.

Phải đến giữa tháng 2/2022, Lâm Túc Ngân mới nhận được thông báo từ ban tổ chức về việc các VĐV nước ngoài được phép tham dự.

Lịch thi đấu được ấn định vào đầu tháng 3 khiến cô chỉ có thời gian 2 tuần để chuẩn bị. Thời điểm đó, Túc Ngân cũng mắc Covid-19, và đang trong thời gian lấy lại thể lực.

Quyết không bỏ lỡ cơ hội, Lâm Túc Ngân cố gắng thu xếp công việc, hoàn tất các thủ tục từ vé máy bay, chỗ ở tại Philippines trong thời gian nhanh nhất để có mặt tại cuộc thi mà cô đã chờ đợi đằng đẵng suốt 3 năm.

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu - 2

Thành tích thi đấu của Lâm Túc Ngân.

Để có mặt tại cuộc thi đã khó, việc thi đấu càng nhiều thách thức hơn. Trong quá trình thi đấu, cô bị VĐV bơi kế trước đạp trúng mặt nên phải dừng lại để điều chỉnh kính.

Sau sự cố, mắt Lâm Túc Ngân bị nước biển vào nên gặp nhiều khó khăn trong phần đua xe đạp. Mắt bị ánh nắng chói chang làm mờ, đau rát do gió xối vào liên tục. Chạy được nửa chặng đường, Lâm Túc Ngân quyết định thay đổi chiến thuật, cô cần duy trì sức để hoàn thành cuộc đua. Cô ghé trạm y tế, nhờ băng một mắt bị đau để giảm ánh nắng trực tiếp và cũng để duy trì sức chịu đựng, vượt qua quãng đường đạp xe liên tục 180 km ròng rã hơn 7 tiếng đồng hồ.

Đến phần thi chạy 42,2 km cuối cùng, Lâm Túc Ngân gần như phải nhắm cả hai mắt vào khi chạy bởi con mắt còn lại cũng đã “kiệt sức”.

Chỉ tới lúc gần về đích, Lâm Túc Ngân tháo gạc băng mắt ra để có một tấm ảnh về đích. Với thành tích 15 giờ 23 phút 58 giây, Túc Ngân vào top 8 nữ.

Trong nhóm tuổi 25-29 chỉ có mình cô tham gia tranh tài do Covid-19 xảy ra khiến một số VĐV rút lui, hoặc có người lên nhóm tuổi cao hơn, Lâm Túc Ngân đạt mục tiêu giành vé dự Ironman World Championship. 

Tính đến cuối năm 2023, Lâm Túc Ngân trở thành người Việt Nam đầu tiên và trẻ nhất chinh phục thành công Ironman & Ironman 70.3 khắp 5 châu.

Đam mê thôi chưa đủ

Thực tế, không phải cứ chạy bộ, đạp xe và bơi được là đủ để thực hiện 3 môn phối hợp của Ironman. Môn thể thao thách thức giới hạn này không phải chỉ có đam mê là được.

Tập luyện 3 môn phối hợp đòi hỏi sự nghiêm túc mà ở đó người tham gia không thể chỉ nói chuyện đam mê mà không có sự tính toán. Đây là bài toán đầu tư. Thử thách về sức bền không chỉ áp dụng với bản thân vận động viên mà trước tiên là cho… túi tiền của họ.

“Thời gian, tiền bạc - cho thiết bị, trang phục - để theo đuổi môn này rất lớn. Tôi may mắn luôn được sự hậu thuẫn từ gia đình, công ty, anh chị bạn bè trong cộng đồng từ những ngày đầu tiên”, Lâm Túc Ngân chia sẻ.

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu - 3
Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu - 4
Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu - 5

"Môn thể thao thách thức giới hạn này không phải chỉ có đam mê là được"

Vé đăng kí tham dự một giải Ironman khoảng 900 USD. Giải đấu lớn nhất là Ironman World Championship, vé tham dự mà VĐV phải đóng sau khi giành được suất là trên 1.500 USD (khoảng 36 triệu đồng).

Tuy nhiên, để được góp mặt ở giải vô địch thế giới, vận động viên bắt buộc phải tham dự các giải Ironman khác trong hệ thống và tranh được suất, có nghĩa là phải nhân “900 USD” lên nhiều lần.

Đó vẫn chưa phải khoản chi tốn kém nhất khi theo đuổi Ironman. Clement Vanacker, vận động viên chuyên nghiệp người Pháp, cho biết anh tốn khoảng 5.000 USD mỗi năm cho trang thiết bị phục vụ việc tập luyện và thi đấu. Trọn bộ "đồ nghề" cho dân chơi 3 môn phối hợp có thể tốn đến gần 20.000 USD nếu là loại tốt nhất.

Đối với Lâm Túc Ngân, khi tham dự các giải quốc tế, cô còn tốn thêm chi phí đi lại, ăn ở, visa. Vé máy bay từ Việt Nam sang châu Âu, châu Mỹ thì đương nhiên không rẻ. Tự túc hết các khoản chi phí này - không chỉ một lần, một năm, mà trong nhiều năm - có lẽ là hơi “nặng”.

Lâm Túc Ngân thường vận động tài trợ từ các nhãn hàng. Đôi khi cô cũng phải tạm ứng các khoản từ gia đình, bạn bè để đầu tư trước, và hoàn trả sau đó. Ngân xem đó như việc đầu tư vào một dự án, những khoản tiền này cần phải được tính toán hợp lý, đã là đầu tư thì sẽ là bài toán lợi nhuận.

Lâm Túc Ngân tâm sự: “Xác định vận động viên là nghề nghiệp, tôi phải tính bài toán tối ưu chi phí. Chi phí tôi bỏ ra để đầu tư cho bản thân đi thi được xem là một khoản đầu tư, sau đó các thương hiệu hợp tác thì sẽ là ‘hòa vốn’ và sau đó là lợi nhuận. Điểm hòa vốn sẽ được dự toán một các hợp lý nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro. Đam mê là một chuyện nhưng khi có thể đem lại lợi ích kinh tế lại có thể giúp mình duy trì dài lâu”.

Giải quyết được bài toán về tiền bạc để lao vào cuộc chơi “người sắt”, thứ tiếp theo phải trải qua thử thách về sự bền bỉ là… hệ thần kinh! Ironman không chỉ là câu chuyện về sức mạnh thể chất. Để thúc đẩy bản thân đến giới hạn của sức chịu đựng trong một cuộc thi và theo đuổi môn thể thao này trong nhiều năm, bạn phải có một “tinh thần thép”.

Trò chơi tâm lý

Ironman không phải môn thể thao mà bất cứ ai cũng có thể lao vào chỉ với niềm đam mê và những câu khẩu hiệu. Những “người sắt” có thể chỉ là dân phong trào, nhưng cách họ “chơi” môn thể thao này không phải như vậy.

“Đối với tôi, ba môn phối hợp là trò chơi tâm lý với chính mình. Để chơi được, phải hiểu rõ mọi thứ về bản thân”, Lâm Túc Ngân chia sẻ.

“Mọi người hay hiểu nhầm tôi là một vận động viên chuyên nghiệp, nhưng không phải vậy. Tôi chỉ là người chơi theo phong trào nhưng cách tôi ‘chơi’ khá chuyên nghiệp”.

“Chơi” 3 môn phối hợp kiểu phong trào không dễ, thậm chí khó hơn dân chuyên nghiệp. Họ chỉ có một mình, không ê-kíp và có nhiều thứ phải tính toán hơn là chỉ lao vào thử thách giới hạn về thể chất.

Có một kỹ năng ít được nhắc tới trong việc thi đấu thể thao nhưng trong trường hợp của những người như Lâm Túc Ngân lại có một vai trò không nhỏ. Đó là kỹ năng… quản trị.

Cân bằng cuộc sống cá nhân với việc luyện tập và đầu tư cho cuộc chơi đòi hỏi rất nhiều sự tập trung và nghiêm túc chẳng phải chuyện đơn giản.

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu - 6
Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu - 7
Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu - 8

“Tôi là kiểu người luôn lập các kế hoạch, các phương án dự phòng để bản thân không rơi vào thế bị động”.

“Ý chí mạnh mẽ là yếu tố quan trọng trong việc vượt qua khó khăn, nhưng không phải lúc nào chúng cũng đủ để giải quyết mọi tình huống. Trong thể thao, sự chuẩn bị cẩn thận, luyện tập thể lực, trao dồi kỹ năng, sự tập trung và kế hoạch đóng vai trò rất quan trọng. Đó là điều mà tôi muốn thẳng thắn với cộng đồng người chơi triathlon để họ không bị lầm tưởng bởi những lời hô hào”.

Nhấn mạnh vào yếu tố đam mê và những câu chuyện truyền cảm hứng phần nào đó tạo ra mặt trái của việc xây dựng phong trào ở các môn thể thao.

Những lời hô hào đó chỉ có tác dụng ở giai đoạn khởi đầu và làm quen. Với những người dấn sâu vào cuộc chơi và bắt đầu đặt ra cho mình những mục tiêu, thử thách tăng dần, lao vào bằng bản năng mà không có sự tính toán là một sai lầm rất lớn.

Đó là thông điệp mà Lâm Túc Ngân - tự đặt mình vào sứ mệnh người mở đường - muốn truyền đến cộng đồng.

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu - 9

 

“Mọi người phải biết mình đang có gì, đang ở đâu. Ví dụ, để có được xuất phát điểm phải có từ hai đến ba năm, phải có nền tảng xác định được xuất phát điểm mình mới xây dựng được. Cột mốc chinh phục Ironman 5 châu lục là bước tiến để mọi người hiểu rằng, người Việt Nam sống ở Việt Nam, tiếp cận nền dinh dưỡng, giáo dục Việt Nam vẫn có thể giành được giải quốc tế. Tôi làm được thì mọi người làm được, miễn sao phải lên chiến lược đúng, khi thi đấu phải chọn đúng giải để lấy sức. Hiện tại tôi biết mọi người đã bắt đầu biết lựa chọn giải để năm sau được đi suất thế giới”

Nữ “người sắt” Lâm Túc Ngân

Cộng đồng triathlon (3 môn phối hợp) tại Việt Nam chưa phát triển mạnh và dấu ấn tại các giải quốc tế không nhiều. Nữ vận động viên sinh năm 1994 là gương mặt người Việt hiếm hoi xuất hiện ở các giải Ironman quốc tế.

Tháng 9/2023, Lâm Túc Ngân hoàn thành mục tiêu chinh phục Ironman ở 5 châu lục. Cô gái 29 tuổi không coi đó là cột mốc của riêng cá nhân mình.

Nhìn lại các giải đấu thế giới, chỉ có một mình tôi mang cờ Việt Nam. Năm vừa rồi có thêm chị Vũ Phương Thanh (người Việt Nam đầu tiên vô địch ultra-triathlon quốc tế). Hai chị em đi cùng hỗ trợ cho nhau rất vui. Đối với tôi, chuyện này không chỉ là thành tích cá nhân mà còn mang ý nghĩa gắn kết đồng bào, thể hiện hình ảnh quốc gia trong cộng đồng quốc tế”, Lâm Túc Ngân chia sẻ.

Trịnh Trang - Ngọc Anh
Bình luận
vtcnews.vn