Nợ công: Ta đang đi vay toàn tiền 'đực'

Kinh tếThứ Sáu, 23/10/2015 12:37:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng, Việt Nam đang đi vay vốn, toàn tiền "đực" nên không thể đẻ ra tiền mới được, vì đầu tư không hiệu quả, không tạo ra được giá trị.

(VTC News) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, Việt Nam đang đi vay vốn, toàn tiền "đực" nên không thể đẻ ra tiền mới được, vì đầu tư không hiệu quả, không tạo ra được giá trị.

Ngân sách Trung ương còn 45.000 tỷ đồng, không biết tiêu chi thế nào?

Tại phiên thảo luận tại tổ Đại biểu Quốc hội TP HCM ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày một cách thẳng thắn về tình hình ngân sách mà ông đánh giá là "hết sức căng thẳng" của Việt Nam hiện nay, khi mà con số thực để phân bổ trong ngân sách hiện vỏn vẹn chỉ còn 45.000 tỷ đồng, trong khi năm 2016 áp lực chi vẫn là rất lớn.

Theo báo cáo của Chính phủ, dự toán ngân sách trong năm 2016 sẽ tăng cao hơn gần 61.000 tỷ đồng so với năm 2015, chi ngân sách năm 2014 là 17% nhưng năm 2015 là 20,1%.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Quang Vinh, những con số này nghe rất đáng lấy làm vui, nhưng bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái. Việc tăng này cũng chỉ là "mang tính nghiệp vụ”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - Ảnh: Internet
Theo người đứng đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mọi năm ODA giải ngân chỉ rơi vào khoảng 20.000 tỷ đồng, nhưng do yêu cầu minh bạch đầu tư công nên đưa lên thành 50.000 tỷ đồng/năm. Tiền đất từ mức 37.000 – 38.000 tỷ đồng đã đưa lên thành 50.000 tỷ đồng; các khoản thu từ xổ số kiến thiết cộng thêm là 26.000 tỷ, trong khi trước đây không được đưa vào.

“Cộng cả ba khoản này vào là 69.300 tỷ đồng, là thứ mà trước đây năm nào vẫn có thế, chẳng qua để ngoài và giờ cộng vào và bảo tăng thêm”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Trước Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích, số tuyệt đối của ngân sách nhà nước năm 2014 là 255.750 tỷ đồng thì riêng ngân sách địa phương trong cân đối là 131.200 tỷ đồng, chiếm hơn 52% do các địa phương tự quản lý. Ngân sách Trung ương tính ra còn 154.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản khác thì hiện còn 45.000 tỷ đồng.

Khoản này nghe ra lớn nhưng thực ra còn phải trả nợ. Rồi hàng loạt nhu cầu đầu tư từ các bộ ngành, địa phương xin lên: Từ phát triển giao thông tới kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi; từ tăng chi an sinh xã hội cho hộ nghèo, khó khăn tới nhu cầu rất lớn cho chương trình nông thôn mới.

“Cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ. Cho nên gần như không có tiền để làm gì cả”, Bộ trưởng Vinh bày tỏ lo lắng.

Bộ trưởng nói thêm: “Con số thật rất nhỏ, rất là nhỏ. Chính phủ cầm trong tay để có thể điều tiết được chỉ có 45.000 tỷ và thấp hơn con số là âm so với năm 2015. Biết là không thể đòi hỏi Chính phủ và Bộ Tài chính hơn nhưng con số thật rất nhỏ để có thể điều tiết!”.

Đi vay là phải vay tiền “cái”, nhưng ta lại toàn vay tiền “đực”

Nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã bày tỏ những lo lắng về vấn đề ngân sách hiện nay, rằng việc cân đối như trên thì "làm sao có thể “phát triển bền vững” như mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020?!".


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn thẳng thắn: “Giờ bán vốn được 40.000 tỷ đồng, thì để 10.000 tỷ đồng bù đắp ngân sách và 30.000 để đầu tư. Nợ của Trung ương thì năm nay phải treo nữa, mấy năm vừa rồi cũng nợ nữa nên phải tính cân đối. Nhất là với khoản vay ngắn, sang năm đã trả, vay ngắn nữa thì năm tới lại phải trả. Chưa vay đã trả thì lấy gì mà cân đối được. Đấy là chưa nói năm nay chúng ta chưa có đồng nào tăng lương. Nói hay thế mà một đồng lương cũng không có là như thế nào?”.
Ảnh: Internet
Cũng tham gia thảo luận về vấn đề ngân sách nhà nước, Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đã nói rằng, cái đáng lo nhất là nước ta hàng chục năm nay phải đi vay nhưng giờ làm chỉ đủ cho chi thường xuyên, còn đầu tư cơ sở hạ tầng thì hầu như toàn bộ vẫn phải đi vay.

"Rõ ràng, đi vay là phải vay tiền “cái” đẻ được, nhưng ta vay thì lại toàn vay tiền “đực”, không đẻ được". Theo cách ví von của ông Lịch, tức là số tiền chúng ta đi vay cần phải được đầu tư hiệu quả, để cái vay đó tạo ra giá trị. Tiền đi vay mà "đẻ" ra được tiền mới, ra giá trị mới thì là tiền cái, còn tiền chúng ta đi vay vì đầu tư không hiệu quả, không tạo ra được giá trị nên tất nhiên là tiền "đực".

Bên cạnh đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đưa ra một nguyên nhân đau đầu khác, đó là đầu tư công. "Vấn đề của đầu tư công chính là tình trạng tham nhũng, quản lý đầu tư công rất kém. Cái này đâu phải bí mật mà có các vụ án xảy ra rồi…”.

Ông Nghĩa cũng cho rằng để xử lý nợ công thì phải quản lý chặt chẽ đầu tư công để các dự án này không bị “đội vốn, lãng phí và tham nhũng”.

Cũng theo các đại biểu, những vấn đề đau đầu về ngân sách, nợ công của quốc gia, trong đó có việc quản lý, đầu tư kém hiệu quả và tham nhũng, đội vốn... đã là những vấn đề đã được đem ra thảo luận rất nhiều, không chỉ ở riêng Quốc hội mà còn ở rất nhiều các hội thảo, diễn đàn quốc gia, quốc tế, nhưng đến nay vẫn chưa thấy được cải thiện.

Huyền Trân (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn