Sao Việt

Người duy nhất phục dựng nghệ thuật thêu cung đình

Chủ Nhật, 11/02/2024 11:00:00 +07:00

(VTC News) - Trước nguy cơ thất truyền nghề thêu của làng, ông Vũ Văn Giỏi đã tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật thêu cung đình với mong muốn giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống

Sinh ra và lớn lên ở làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, nơi nổi tiếng với nghề thêu trang phục cho vua chúa, quý tộc, quan lại trong triều đình phong kiến Việt Nam xưa, ngay từ nhỏ, Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi (1969) đã đam mê từng đường kim, mũi chỉ, yêu sắc màu sặc sỡ của những bộ trang phục cung đình.

Phóng viên VTC News đã trò chuyện với Nghệ nhân nhân dân Vũ Văn Giỏi về bí quyết của nghệ thuật thêu cung đình, kỹ thuật thêu thủ công tinh túy nhất.

Người duy nhất phục dựng nghệ thuật thêu cung đình  - 1

 Không gian sáng tạo của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi.

- Cơ duyên nào khiến ông theo đuổi nghệ thuật phục dựng thêu cung đình?

Nghề thêu có từ thời xưa, khoảng thế kỷ XV - XVI, cụ Lê Công Hành - Cụ Tổ nghề thêu truyền nghề cho dân chúng khu vực Ngũ Xã, trong đó có làng Đông Cứu chúng tôi.

Thời phong kiến, những nghệ nhân giỏi của làng, trong đó có dòng họ nhà tôi được gọi đến tập trung tại một chỗ gần cung đình, gọi là phường thêu, chuyên thêu các loại vải vóc phục vụ may trang phục cho vua chúa, hoàng tộc… vào các dịp trọng đại của đất nước. Tuy không được trả lương nhưng họ được miễn sưu thuế trong vài năm.

Giai đoạn chiến tranh không còn ai làm nghề nên nghề thêu bị thất truyền. Đến khoảng những năm 1992 - 1993, tôi có duyên phục dựng lại những bộ trang phục cung đình và duy trì công việc đến bây giờ. Đó là duyên nghiệp, và cũng là mong muốn của tôi trong việc gìn giữ văn hoá truyền thống của đất nước.

- Thời điểm ông làm nghề, nghệ thuật thêu cung đình bị thất truyền. Điều này khiến ông gặp khó khăn gì?

Nghề thêu là nghề gia truyền nên từ nhỏ, tôi được ông bà, bố mẹ truyền dạy. Nhưng lúc đó nhận biết vẫn chỉ là mơ hồ thôi, không nghĩ đến việc theo nghề. Khi bắt tay làm nghề, tôi gặp nhiều khó khăn. Các quy định thêu cung đình rất ngặt nghèo, trong khi đó, nguyên liệu bị mai một vì xã hội thay đổi. Tôi phải đi tìm tòi, hỏi thêm các cụ trong làng về cách làm. Vì đã cao tuổi nên các cụ nhớ tới đâu, chỉ tới đó. Thêm nữa, tư liệu về trang phục cung đình xưa rất ít và khó có thể tìm được.

Tôi phải cất công xin nguồn tư liệu trong và ngoài nước. Thời điểm đó, các nhà sưu tập ở Huế sưu tầm được những mảnh trang phục từ các dân tộc ở vùng sâu vùng xa giáp Lào – Campuchia. Tôi cũng nhiều lần vào Huế để tìm hiểu mẫu, gặp các nghệ nhân cao niên để học hỏi.

Vừa nghiên cứu vừa thực tập rất vất vả, tôi thêu hỏng quá nhiều. Ròng rã 5 năm trời (từ 1993 – 1998), tôi mới có được một chiếc mãng bào là thành phẩm.

Ngày xưa, các cụ se chỉ, thêu tay thủ công hoàn toàn, không có công cụ hỗ trợ, thậm chí đẽo từ cành gỗ, nan tre, rất thô sơ. Ví dụ như se kim tuyến, các cụ cắt từng lát mỏng, cuốn bằng tay se thành sợi kim tuyến. Chỉ riêng công đoạn này cũng cần tới 3 người, một người ngồi se, một người cầm chỉ và một người chỉnh chỉ để bắt thành sợi kim tuyến. Để se vài trăm mét, các cụ phải mất mấy ngày.

Nếu bây giờ cũng áp dụng như thế thì không có người làm, mất nhiều thời gian. Để làm nên được một tác phẩm thì có lẽ một đời người không làm được bao nhiêu. Vì thế, trong quá trình quay lại phục dựng, tôi nghiên cứu, làm ra những chiếc máy sử dụng điện để se sợi chỉ, sợi kim tuyến. Nhờ đó, công việc dễ dàng hơn, vẫn giữ những lối thêu cổ nhưng có sự kết hợp, chuyển hoá, bổ trợ để tác phẩm thêu đều, đẹp hơn.

Người duy nhất phục dựng nghệ thuật thêu cung đình  - 2

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi chia sẻ về nghề thêu phục dựng.

- Thêu cung đình có những quy tắc khắt khe thế nào, thưa ông?

Thời xưa, trang phục của vua chúa thể hiện uy quyền của người đứng đầu. Những chi tiết thêu dù nhỏ nhất trên trang phục cũng đòi hỏi chuẩn chỉ, để hoa văn sống động và toát lên sự uy nghiêm. Vì vậy, người thợ phục dựng thêu cung đình phải khắt khe với chính bản thân mình ngay từ đầu, phải tâm huyết và rèn luyện bản tính kiên trì mới thành công được, chứ đừng nghĩ làm nhanh cho xong sản phẩm.

Từng công đoạn, từ khi lên ý tưởng, bản vẽ, lên khung, chọn màu chỉ cho đến khi thực hiện tác phẩm phải chuẩn chỉ, chính xác, nếu không chuẩn sẽ phá hỏng tác phẩm. Như thế gọi gì là thêu cung đình nữa.

Trong quá trình thêu, nếu phát hiện loại chỉ thêu không được ưng ý và phù hợp, tôi phải cắt bỏ. Có lần tôi vừa làm xong, lúc xem lại đã phải cắt luôn, ngày hôm nay thêu xong, ngày mai lại phải cắt bỏ. Thêu cung đình đòi hỏi khắt khe, chuẩn chỉ như vậy đấy. Đã làm là phải làm đúng.

Người duy nhất phục dựng nghệ thuật thêu cung đình  - 3

Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Ngô Minh Hiển trao tặng bức rèm thêu họa tiết Rồng cung đình do nghệ nhân Vũ Văn Giỏi thực hiện cho Hiệp hội bảo tồn Ofunehoko thành phố Shijo, Kyoto, Nhật Bản. 

- Phục dựng thành công nhiều bộ trang phục của vua, hoàng hậu, hoàng tử…, bộ trang phục nào khiến ông dành nhiều thời gian, tâm sức nhất?

Trong cuộc đời làm nghề, tôi chỉ thực hiện khoảng 14 - 15 tác phẩm. Cái nào tôi cũng tâm huyết vì đó đều là những tác phẩm độc bản, không cái nào giống cái nào. Nếu lựa chọn, so sánh tác phẩm nào tâm huyết, mất công hơn thì khó lắm.

Trong các bộ trang phục, áo Long bào của vua yêu cầu tỉ mỉ, cầu kỳ và chuẩn xác hơn. Long bào của vua bắt buộc phải dùng chỉ se 2 chiều. Cỡ chỉ cũng được quy định cho từng loại áo. Sợi kim tuyến vàng, kim sa, khuy áo làm bằng đồng mạ vàng. Cườm, ngọc trai làm mắt rồng. Trên mỗi chiếc Long bào có một tỉ lệ vàng nhất định. Đặc biệt, mỗi họa tiết thêu trên Long bào đòi hỏi về màu sắc riêng, phù hợp với người mặc.

Ví dụ như thêu chi tiết vẩy rồng trên áo vua có lề lối khác. Hoặc thêu chi tiết ngọc tỷ màu xanh, đỏ, huyết dụ có hỏa bay ra của hoàng tử thêu đều canh là xong, còn của vua phải làm theo lối khác. Tôi mất khoảng nửa tháng trời, đêm phải ngồi thêu rất nhiều mới đúng lề lối, đi được hàng trong hàng ngoài đều, đến hàng năm, sáu, bảy lệch lại phải bỏ, không được lỗi.

Người duy nhất phục dựng nghệ thuật thêu cung đình  - 4

Cận cảnh bức rèm do nghệ nhân Vũ Văn Giỏi thực hiện được VOV tặng Hiệp hội bảo tồn Ofunehoko thành phố Shijo, Kyoto, Nhật Bản.

- Có thông tin, một chiếc áo thêu cung đình của ông có giá lên đến 1 tỷ đồng?

Giá trị của những chiếc áo thêu cung đình, áo phục dựng vua chúa thời xưa không thể đong đếm bằng tiền được. Nói thế không phải tôi tự làm cao mà chính tôi cũng không biết được.

Khi bắt đầu nghiên cứu, phác thảo cho đến khi thực hiện, thời gian hết bao lâu, công sức của tôi, của thợ như thế nào, tôi còn không tính được thì làm sao mà định giá được.

Tôi thường làm theo đơn đặt hàng. Có những đơn hàng lớn, cái nọ gối lên cái kia nên tôi không tính được giá một cái áo cụ thể.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Lê
Bình luận
vtcnews.vn