Đời sống

Người ‘ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ’

Thứ Năm, 13/07/2023 11:00:00 +07:00

(VTC News) - Những thanh niên "ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” từng là mơ ước của bao cô gái bởi họ siêng năng, yêu lao động và có mức thu nhập đủ đảm bảo cho một tổ ấm.

Đổi nghề để... lấy vợ

Một ngày cuối tháng 4/2023, chúng tôi cùng cán bộ Văn phòng Công ty Than Mạo Khê - Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) bước vào Văn phòng Phân xưởng khai thác 8 của Công ty.

Một người đàn ông tầm 45 tuổi đang ngồi uống nước, trò chuyện cùng đồng nghiệp. Nếu không được giới thiệu, chúng tôi khó có thể nhận ra nhân vật cần gặp, vì mệnh danh là người "ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ", nhưng quần áo anh tươm tất, vẻ mặt tươi vui rạng rỡ, không chút biểu hiện mệt mỏi sau ca 3 làm việc 8 tiếng dưới “âm phủ” (khai trường dưới hầm lò khai thác than ở độ sâu từ -150m đến -230m).

Anh là Dương Văn Tập (Thợ lò bậc 5/5, Tổ trưởng sản xuất Phân xưởng khai thác 8, Công ty Than Mạo Khê - TKV). “Những năm 2006 - 2007, đi đâu con gái cứ thấy con trai móng tay đen là họ mê rồi, vì lúc đó hình ảnh này đã thành một thương hiệu. Thợ lò ngày đó bình quân lương 5 - 7 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 1 cây vàng”, anh Tập nhớ lại thời hoàng kim của ngành than và cũng là thời điểm anh chuẩn bị bước chân vào nghề thợ lò.

Người ‘ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ’ - 1

Những người thợ lò "ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ" của Công ty Than Mạo Khê - TKV.

Theo anh Tập, nghề khai thác hầm lò xưa nay thường được ví von là "ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ", bởi sau quá trình khai thác lộ thiên của những thập kỷ trước, dần dần, các doanh nghiệp ngành than phải tổ chức lại sản xuất, đưa máy móc, công nghệ và lực lượng lao động được đào tạo bài bản xuống khai thác, sản xuất hầm lò dưới lòng đất ở độ sâu từ -150m trở xuống.

Tốt nghiệp THPT năm 1998, anh cũng “nuôi chí lớn”, tuy nhiên 2 năm thi đại học đều không trúng tuyển. Năm 2000, anh Tập nhập ngũ và đến năm 2002 xuất ngũ về quê. Không có nghề trong tay, nên những năm 2003 - 2005, anh Tập xin đi làm bảo vệ ở Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh) với mức lương 900.000 đồng/tháng. Cũng thời gian này, anh yêu một nữ đồng nghiệp cùng đơn vị, và cả hai cùng phấn đấu để xây dựng tổ ấm gia đình trong tương lai.

Ngặt nỗi, với đồng lương của cả hai thì không thể lo cho cuộc sống của một gia đình trẻ, nên được sự động viên của bạn gái, anh quyết định nghỉ làm bảo vệ, đi tìm công việc khác với mức lương cao hơn để có thể chăm lo cho tương lai.

“Ngày đó, lương chúng tôi còn không đủ lo cho bản thân, nếu lập gia đình sẽ phải lo toan, chi tiêu bao nhiêu thứ thì sao dám nghĩ đến chuyện cưới xin”, anh Tập trải lòng.

Năm 2006, anh Tập trúng tuyển vào làm việc tại Công ty Than Mạo Khê. Theo quy định, những người vào làm trong ngành than đều được đi học sơ cấp nghề khai thác mỏ 18 tháng, học phí được công ty chi trả. Đến 6 tháng cuối khóa học, đi thực tập, anh Tập đã được nhận mức trợ cấp 70% so với bình quân của công nhân tại thời điểm đó.

Mỗi tháng anh có 3 triệu đồng, gấp hơn 3 lần lương bảo vệ anh từng làm. Là lớp trưởng, học giỏi, thực hành giỏi, nên anh Tập được cấp bằng sơ cấp nghề khai thác mỏ hầm lò loại giỏi. Lúc đó, anh cũng đã 30 tuổi. Đến năm 2007, anh Tập được ký hợp đồng chính thức, trở thành công nhân khai thác mỏ của Công ty Than Mạo Khê.

“Giai đoạn đầu nhìn thấy khai trường hầm lò nằm sâu trong lòng đất và nhiều áp lực tâm lý, tôi cũng thấy khó khăn. Nhưng được các chú, các anh công nhân đi trước động viên, chỉ bảo, hướng dẫn như những người thầy dạy trò, nên tôi quen dần và thích nghi với công việc, trở thành đam mê.

Bên cạnh đó, Công ty cũng khuyến khích, động viên liên tục, càng tạo thêm động lực, nhất là động lực đối với những người mới vào nghề như tôi. Ngoài niềm vui trong lao động thì cái chính là niềm vui từ nguồn thu nhập cho bản thân”, anh Tập phấn khởi chia sẻ.

Người ‘ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ’ - 2

Anh Dương Văn Tập (đứng thứ nhất bên phải), thợ lò bậc 55, Tổ trưởng sản xuất Phân xưởng khai thác 8, cùng đồng nghiệp trong một ca sản xuất.

Thu nhập “khủng”, đồng nghiệp gắn bó

Nhớ lại những năm mới vào nghề, anh Tập cho biết, hàng ngày, cứ đến giờ đi ca, Công ty lại có xe ô tô đưa đón tại các điểm cố định trên các tuyến đến phân xưởng sản xuất, nên cũng tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho công nhân.

Khi vào ca, mỗi công nhân được phân công rõ người rõ việc, phù hợp với chuyên môn, sức khỏe, kỹ năng của từng người. Hết ca, phó quản đốc sẽ nghiệm thu, xác nhận lại công việc.

Đặc thù của ngành khai thác mỏ là không làm việc độc lập. Bao giờ công nhân cũng phải đi thành cặp, để trong trường hợp xảy ra sự cố thì còn hỗ trợ nhau, đảm bảo an toàn.

“Nếu muốn nghỉ thì cả tổ sản xuất xin nghỉ, chứ một người nghỉ chỉ 1 - 2 ngày ở nhà thôi là chán ngắt, nhớ anh em trong tổ, nhớ nghề, vì nó ngấm vào máu rồi. Bây giờ, anh em đi làm thời gian cùng nhau còn nhiều hơn ở nhà, lại được chia sẻ với nhau mọi chuyện, từ công việc chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm đến việc riêng tư, nhiều hơn là chia sẻ với người thân”, anh Tập bộc bạch.

Trước đây, khi khai thác than trong hầm lò, công nhân vẫn phải dùng các thanh gỗ để chống hầm lò. Sau này 100% thanh chống bằng sắt, giàn giá thủy lực, cho hệ số an toàn và năng suất cao hơn. Gần đây, Công ty đầu tư trang bị nhiều máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại, hầu hết các công đoạn sản xuất được tự động hóa hoặc điều khiển bằng máy, giúp công nhân không mất nhiều sức lao động, năng suất cao hơn, dẫn đến thu nhập của anh em công nhân mỗi ngày một tốt hơn.

“Trước đây, 1 công thợ lò làm thủ công chỉ được 3 - 4 tấn than. Với công nghệ hiện tại, 1 công thợ lò làm được khoảng 10 tấn, nếu tăng ca thêm thì được khoảng 14 tấn than/công, tăng 300% so với công nghệ cũ, nên thu nhập của anh em công nhân ngày một cao hơn.

Tổ sản xuất của tôi có hơn 30 anh em, mỗi ca được đơn vị giao định mức sản lượng gần 300 tấn, nhưng đều đạt trên 300 - 350 tấn. Những tháng đầu năm của quý 1/2023, thu nhập bình quân của tôi gần 50 triệu đồng/tháng. Còn năm 2022, tổng thu nhập của tôi hơn 350 triệu đồng, trong đó có 1 tháng nghỉ lo việc gia đình.

Sau 15 năm gắn bó với nghề khai thác hầm lò, giờ Công ty như ngôi nhà thứ hai. Ngoài công việc chung, anh em trong tổ sản xuất thân thiết, gần gũi như người một nhà, không có áp lực nặng nề. Mọi người đều có động lực từ thu nhập cao nên tinh thần vui vẻ”, anh Tập chia sẻ.

MINH KHANG
Bình luận
vtcnews.vn