Xây dựng Đảng

Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ra đời thế nào?

Thứ Sáu, 20/10/2023 10:03:00 +07:00

(VTC News) - Khi soạn thảo Nghị định 73, Bộ Nội vụ luôn bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, thực hiện nghiêm quy định pháp luật và phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ.

Qua nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến, nhiều lần chỉnh sửa, ngày 29/9, Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được ban hành.

Các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như những người trực tiếp "chắp bút" đều có chung nhận định đây là nghị định rất khó. Nghị định phải trả lời được những câu hỏi "thế nào là đổi mới sáng tạo?", "làm thế nào để thực sự bảo vệ được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?"… khi mà cơ chế, chính sách pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ.

Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ra đời thế nào? - 1

 

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận, việc nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định 73, trong đó có các quy định về bảo vệ cán bộ là nội dung mới và rất khó.

Song, theo Bộ trưởng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ra đời thế nào? - 2

 

Bà Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là quan điểm, chủ trương tại Kết luận 14.

Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 73 cũng căn cứ vào cơ sở thực tiễn thời gian qua, khi hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc có thể bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai thực hiện…

"Do đó, Nghị định được xây dựng trên tinh thần phải quán triệt và thể chế hóa nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, nhất là Kết luận 14 của Bộ Chính trị, yêu cầu thực tiễn và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chủ trương này", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ra đời thế nào? - 3

 

Ông Nguyễn Tuấn Ninh - Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, tại Nghị quyết số 85 ngày 9/7/2022 của Chính phủ về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, Chính phủ giao Bộ Nội vụ "nghiên cứu việc xây dựng văn bản để thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung".

Theo Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 48 ngày 3/2/2023 của Thủ tướng, Bộ Nội vụ được giao chủ trì xây dựng nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ra đời thế nào? - 4

 

Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức nêu rõ, để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng nghị định, Bộ Nội vụ kịp thời báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho xây dựng dự thảo nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tiếp đó, Bộ Nội vụ rất khẩn trương thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập.

­Nói về quá trình thực hiện, ông Nguyễn Tuấn Ninh cho hay, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ đã tổ chức 2 phiên họp chuyên đề để cho ý kiến định hướng xây dựng dự thảo Nghị định.

"Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, phát huy trí tuệ của các đồng chí thành viên Ban Cán sự Đảng Bộ, lãnh đạo Bộ Nội vụ, các nhà chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ lãnh đạo, quản lý tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm", ông Ninh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng nghiên cứu kỹ lưỡng, trách nhiệm để tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia góp ý tại các hội thảo và văn bản góp ý của các Bộ, ban, ngành Trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng, cũng như phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.

"Như vậy chỉ sau hơn 7 tháng Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73", ông Ninh nói.

Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ra đời thế nào? - 5

 

Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức cho biết, Bộ Nội vụ bám sát Kết luận 14, yêu cầu thực tiễn và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung với 3 mục đích.

Một là tạo cơ sở pháp lý, cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Mục đích thứ hai là động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, những vấn đề chưa được quy định, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Và mục đích cuối cùng được ông Nguyễn Tuấn Ninh đề cập là kịp thời ngăn ngừa, xử lý nghiêm những cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Với mục đích như vậy, ông Ninh cho biết, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng, quy định về vai trò, thẩm quyền của cấp ủy Đảng trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo.

Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ra đời thế nào? - 6

 

Phân tích sâu hơn về nội dung, theo ông Ninh, một trong những nguyên tắc mà nghị định đề ra, bắt buộc phải tuân thủ trong việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo.

Đó là: "Khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không trái quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan nhà nước cấp trên và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên".

Bên cạnh đó, để phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ, Nghị định quy định một trong các điều kiện để chính sách khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo được áp dụng khi nội dung đề xuất đổi mới, sáng tạo có khả năng tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương và giải quyết hiệu quả vấn đề được đề xuất.

"Thời gian tới, quá trình thực hiện nghị định, trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ thực hiện sơ kết, tổng kết để nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và các văn bản pháp luật có liên quan nếu có", ông Nguyễn Tuấn Ninh chia sẻ.

Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ra đời thế nào? - 7

 

Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ra đời thế nào? - 8

 

Bình luận
vtcnews.vn