Lập danh sách dự kiến người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Chính trịThứ Tư, 06/09/2023 16:32:00 +07:00
(VTC News) -

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Ban Công tác đại biểu đã lập danh sách dự kiến người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chiều 6/9, tiếp tục Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày tham luận về yêu cầu và những nội dung chủ yếu trong công tác triển khai Nghị quyết số 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV và HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2023.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh. (Ảnh: quochoi.vn).

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh. (Ảnh: quochoi.vn).

Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Ban Công tác đại biểu sẽ tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

"Hiện tại, Ban Công tác đại biểu đã rà soát, lập danh sách dự kiến người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội", bà Nguyễn Thị Thanh thông tin.

Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND, Ban Công tác đại biểu đề nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành Kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.

Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở cấp tỉnh và tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm của HĐND cấp huyện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định...

Đề cập một số điểm mới trong Nghị quyết số 96, bà Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, nghị quyết bổ sung đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh Tổng Thư ký Quốc hội. Đối tượng do HĐND cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã bỏ chức danh Ủy viên Thường trực của Hội đồng nhân dân.

"Không lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Chủ tịch UBND quận tại TP Đà Nẵng và TP.HCM vì đây là chức danh do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm", bà Thanh nói.

Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, Nghị quyết số 96 quy định chi tiết nội dung của các tiêu chí đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật; về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Đáng chú ý, về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho hay, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

"Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất", bà Thanh nói thêm.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn