Đời sống

Hải Phòng: Kiên định xử lý vi phạm kéo dài, đem lại niềm tin trong nhân dân

Thứ Sáu, 20/01/2023 14:07:00 +07:00

(VTC News) - Với quan điểm kiên định xử lý các sai phạm tồn tại kéo dài, năm 2022, Hải Phòng tổ chức cưỡng chế tháo dỡ hàng loạt công trình vi phạm, mang lại niềm tin trong dân.

Năm 2022 là năm được nhân dân TP Hải Phòng và dư luận cả nước quan tâm khi liên tiếp hàng loạt công trình sai phạm trên các đảo thuộc quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải), hay trên đất nông trường Quý Cao (huyện Tiên Lãng), đất nông nghiệp huyện Kiến Thụy bị buộc cưỡng chế, tháo dỡ, khắc phục hậu quả do tồn tại từ nhiều năm trước để lại.

Đồng thời, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đã vận động tháo dỡ, giải phóng mặt bằng hàng trăm hộ nuôi ngao không phép trên khu vực biển thuộc huyện Tiên Lãng, huyện Kiến Thuỵ, quận Hải An... với diện tích hàng ngàn héc-ta là những kết quả nổi bật bởi sự vào cuộc quyết liệt ấy của cả hệ thống chính trị, góp phần vào sự phát triển chung của TP Hải Phòng.

Hải Phòng: Kiên định xử lý vi phạm kéo dài, đem lại niềm tin trong nhân dân - 1

Khu trải nghiệm Big Sun (Kiến Thuỵ, Hải Phòng) với hàng loạt sai phạm bị xử lý.

Hàng loạt biện pháp quyết liệt

Thông tin với PV VTC News, lãnh đạo UBND huyện Cát Hải cho biết, để triển khai công tác cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, từ năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở Xây dựng và UBND huyện Cát Hải đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các doanh nghiệp, có các cuộc đối thoại gồm cả 7 doanh nghiệp và có cuộc đối thoại với từng doanh nghiệp.

“Nhiều công trình của các doanh nghiệp này xây dựng không phép. Tại các cuộc đối thoại, chúng tôi tuyên truyền về những quy định pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ rừng, du lịch, thương mại… để từng doanh nghiệp nắm và biết rõ hành vi vi phạm của mình.

Qua rất nhiều cuộc đối thoại với thời gian dài để các doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh và tự tháo dỡ công trình vi phạm, tuy nhiên, các doanh nghiệp không thực hiện. UBND huyện Cát Hải phải ban hành biện pháp mạnh đó là yêu cầu ngừng kinh doanh, không để khách du lịch đến tham quan tại các điểm vi phạm”, lãnh đạo huyện Cát Hải thông tin.

Sau khi công tác cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm, Thanh tra Sở Xây dựng bàn giao mặt bằng cho Vườn quốc gia Cát Bà quản lý.

Bên cạnh đó, một số địa phương để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng trái phép tại huyện Kiến Thụy, huyện Tiên Lãng… đã được các cơ quan chức năng thành phố thanh kiểm tra, kịp thời chỉ đạo, xử lý nghiêm như Khu trải nghiệm Big Sun, khu Resort Hữu Bằng (xã Hữu Bằng) và Sông Trăng quán tại xã Thanh Sơn (Kiến Thụy), Nông trường Quý Cao (Tiên Lãng).

Đặc biệt, nhiều năm qua, việc nuôi ngao không phép trên vùng biển các quận, huyện Hải An, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng... trở thành mối quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP Hải Phòng. Bởi, hoạt động nuôi ngao không phép của các hộ dân không chỉ gây ra mâu thuẫn, làm mất an ninh trật tự khu vực mà còn ảnh hưởng tới công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Hải Phòng: Kiên định xử lý vi phạm kéo dài, đem lại niềm tin trong nhân dân - 2

Hàng loạt hộ nuôi ngao không phép trên khu vực biển Hải Phòng bị cưỡng chế tháo dỡ.

Tại quận Hải An có 726,36 ha/27 hộ nuôi. Tại huyện Kiến Thụy, diện tích nuôi trồng ngao khoảng 2.557,5 ha/89 hộ (trong đó diện tích đã được huyện quy hoạch là 750 ha/20 hộ nuôi; diện tích còn lại là ngoài quy hoạch với khoảng 69 hộ nuôi).

Chỉ trong vòng 1 tuần (từ 31/8 - 6/9/2022), UBND quận Hải An đã sửa đổi, ban hành hàng loạt kế hoạch, thông báo, quyết định, chuẩn bị cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 12 cá nhân vi phạm. Trước đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, 15 hộ dân tự nguyện xin tháo dỡ chòi canh và thu hoạch ngao.

“Với sự quyết liệt của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng, ngày 9/9, chòi nuôi ngao trái phép cuối cùng của 27 hộ vi phạm đã được tháo dỡ. Các cọc quây bãi cũng được lực lượng tháo dỡ hoàn thành trong sáng cùng ngày”, ông Dương Đình Ổn, Chủ tịch UBND quận Hải An thông tin.

Tại huyện Tiên Lãng có diện tích đất có mặt nước ven biển nằm giữa 2 cửa sông Văn Úc và sông Thái Bình khoảng 15.000 ha. Từ năm 2015, một số hộ dân đã tự ý ra cắm cọc nhận bãi, dựng chòi nuôi ngao tự phát trên diện tích đất có mặt nước ven biển, với 45 hộ dân nuôi ngao trái phép có 56 bãi nuôi, 99 chòi canh trên phần diện tích khoảng 2.615 ha.

UBND huyện Tiên Lãng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, các buổi làm việc với các hộ nuôi ngao, thông báo cho các hộ biết về hành vi vi phạm về điều kiện nuôi trồng thủy sản trên biển khi không được cấp có thẩm quyền cấp phép theo quy định; tuyên truyền, vận động các cá nhân nuôi ngao không phép tự giác tháo dỡ, di chuyển chòi, cọc và ngao ra khỏi khu vực đang nuôi trồng.

UBND huyện Tiên Lãng đề nghị Hội Nông dân huyện làm đầu mối hỗ trợ việc kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân, hội viên và nhân dân tiêu thụ ngao cho người dân. Từ khi phát động đến nay, toàn huyện đã hộ trợ tiêu thụ được 10,9 tấn ngao, không có hiện tượng ngao của các hộ dân thu hoạch ra không có nơi tiêu thụ, không có hiện tượng ép giá.  

Đến 8/12/2022, đã có 15 hộ nộp tiền phạt với số tiền trên 100 triệu đồng, 94/99 chòi được tháo dỡ chòi trông coi (trong đó có 1 chòi vô chủ).

“Từ những kết quả nêu trên cho thấy quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố là phải kiên quyết xử lý những tồn tại, vi phạm về đất đai, tài nguyên, xây dựng và những lĩch vực khác; sớm có biện pháp khắc phục, mang lại niềm tin trong nhân dân và đặc biệt là tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp, môi trường đầu tư tin cậy, góp phần thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội của địa phương”, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng khẳng định.

Phát triển từ các lợi thế 

Quyết liệt trong công tác chỉ đạo ở từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương, năm 2022 cũng đánh dấu những bước “chuyển mình” của TP Hải Phòng khi khắc phục được các hạn chế, tồn tại nêu trên, góp phần phát huy lợi thế là một trong số ít địa phương có hội tụ đủ cả 5 loại hình giao thông, thu hút mạnh mẽ các các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài vào đầu tư tại TP Hải Phòng.

Từ đầu năm 2022 đến 12/2022, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn TP Hải Phòng đạt 2,5 tỷ USD, bằng 66,92% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 81,32 % kế hoạch thu hút 2022.

Hải Phòng: Kiên định xử lý vi phạm kéo dài, đem lại niềm tin trong nhân dân - 3

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi giữa lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và chính quyền Thành phố Esbjerg (Đan Mạch).

Trong đó, thành phố cấp mới 84 dự án đầu tư với số vốn cấp mới là 1.105,88 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 38 lượt dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 898,42 triệu USD; thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 18 lượt với số vốn đầu tư đăng ký 28,65 triệu USD. Trong năm 2023, TP Hải Phòng dự kiến thu hút từ 2 tỷ đến 2,5 tỷ USD.

Trong sự phát triển chung của TP Hải Phòng nổi bật lên là các dự án sản xuất công nghiệp chất lượng sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ nguồn, hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, tham gia trong chuỗi liên kết.  

Các trung tâm logistics lớn, có sự liên kết với các doanh nghiệp logistics của 4 địa phương để hình thành và phát triển những chuỗi cung ứng đảm bảo cung cấp dịch vụ logistics trọn gói ở tất cả các công đoạn.

Các dự án du lịch tiêu chuẩn quốc tế, phát huy giá trị văn hóa của Hải Phòng, kết nối với các di sản văn hóa và các sản phẩm du lịch của các địa phương trong vùng nhằm làm phong phú và tăng giá trị gia tăng trong lĩnh vực du lịch.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, năm 2022, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh, mạnh, phức tạp, khó lường; xuất hiện nhiều yếu tố mới, chưa từng có tiền lệ, vượt ngoài khả năng dự báo.

Trong bối cảnh đó, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành, địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục ổn định và phát triển toàn diện, những kết quả nổi bật.

Cụ thể, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,32% so với cùng kỳ, gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 108.674 tỷ đồng, đạt 118,4% dự toán Trung ương giao và 102,9% dự toán HĐND thành phố giao, trong đó: thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 66.000 tỷ đồng, đạt 118% dự toán Trung ương giao và 110% dự toán HĐND thành phố giao; thu nội địa phấn đấu hoàn thành 41.000 tỷ đồng theo kế hoạch dự toán HĐND thành phố giao.

“Đây là năm đầu tiên thành phố thu ngân sách đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và TP.HCM.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vượt lên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, đạt vị trí cao nhất từ trước tới nay. Thành phố lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số cải cách hành chính năm 2021.

Hàng loạt các dự án hạ tầng quan trọng với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã được thành phố phê duyệt, chuẩn bị khởi công, điển hình như: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 thành phố Hải Phòng, đoạn nút giao Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện; dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận; dự án đầu tư Hạ tầng KCN Tiên Thanh; dự án đầu tư xây dựng nhà ga T2 sân bay Cát Bi… Các dự án này sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố”, ông Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh.

Minh Khang - Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn