Đức kêu gọi nỗ lực ngoại giao chấm dứt xung đột Ukraine

Thời sự quốc tếThứ Hai, 14/08/2023 06:25:23 +07:00
(VTC News) -

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh gần đây về Ukraine do Ả Rập Xê-út tổ chức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hội nghị thượng đỉnh gần đây về Ukraine ở Jeddah là một sự kiện "rất đặc biệt", đồng thời kêu gọi nỗ lực ngoại giao lớn hơn để chấm dứt xung đột đang diễn ra giữa Moskva và Kiev.

Ông Scholz đưa ra nhận xét trong cuộc phỏng vấn lớn hàng năm vào mùa hè với đài truyền hình ZDF của Đức, được phát sóng vào 13/8. Thủ tướng kêu gọi nỗ lực ngoại giao hơn nữa, cho rằng điều này sẽ thực sự hữu ích để "gây áp lực" cho Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: RT)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: RT)

Thủ tướng nhắc đến một sự kiện ngoại giao tương tự do Đan Mạch tổ chức vào tháng 6, nói rằng các cuộc đàm phán này và hội nghị thượng đỉnh do Ả Rập Xê-út tổ chức đều là những sự kiện “rất đặc biệt”.

Scholz nói: “Chúng rất quan trọng và thực sự chỉ là bước khởi đầu".

Cuộc họp ở Jeddah, nơi tập hợp các cố vấn an ninh và các nhà ngoại giao cấp cao từ các quốc gia tham gia, chưa mang lại bất kỳ kết quả có ý nghĩa nào. Trên thực tế, những người tham gia chỉ đồng ý rằng Hiến chương Liên hợp quốc cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cần được tôn trọng.

Moskva đã bác bỏ các cuộc đàm phán do Ả Rập Xê-út chủ trì, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng “không có sự tham gia của Nga và không tính đến lợi ích của nước này thì không cuộc họp về khủng hoảng Ukraine có thêm bất kỳ giá trị nào”.

Khi được hỏi về triển vọng hỗ trợ quân sự hơn nữa cho Ukraine và đặc biệt là việc sắp chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus, thủ tướng Đức không đưa ra câu trả lời trực tiếp.

“Như trong quá khứ, chúng tôi sẽ luôn xem xét rất cẩn thận từng quyết định, điều gì có thể xảy ra, điều gì có ý nghĩa, điều gì có thể đóng góp cho chúng tôi", ông Scholz nói.

Không giống như nhiều nước phương Tây, Đức từ lâu đã phản đối yêu cầu cung cấp khí tài quân sự ngày càng tinh vi cho Ukraine. Tình hình thay đổi vào đầu năm nay, khi Berlin nhượng bộ và đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, cũng như cho phép các bên thứ ba tái xuất các phương tiện quân sự do Đức sản xuất sang Ukraine.

Cuộc phản công của Ukraine không như kỳ vọng của NATO

Trong một diễn biến khác, tờ The Times đưa tin hôm 12/8, dẫn lời một sĩ quan Mỹ giấu tên cho biết NATO đã quá lạc quan về khả năng giành lại lãnh thổ của quân đội Ukraine trước cuộc phản công vào mùa hè. Tờ báo Anh lưu ý rằng các quan chức ở Kiev đã bắt đầu đổ lỗi cho những người ủng hộ phương Tây về sự thiếu kiên quyết của họ.

The Times dẫn lời một sĩ quan giấu tên của quân đội Mỹ tham gia vào việc huấn luyện quân nhân Ukraine. Ông nói: “NATO mong đợi những điều kỳ diệu và người Ukraine đã hứa với họ”, nhưng đồng thời nói thêm rằng “bạn không thể tiến hành một cuộc chiến dựa trên sự lạc quan”.

Một quan chức khác của Mỹ nói với các phương tiện truyền thông rằng “chúng tôi vẫn chưa chắc chắn hoàn toàn vào năm 2023, nhưng chúng tôi đang tăng cường suy nghĩ về năm 2024".

Báo cáo tuyên bố rằng cả Nga và Ukraine hiện tại đều không thể đạt được bất kỳ bước tiến quyết định nào, và Ukraine hiện đang coi việc kiểm soát được các ngôi làng riêng lẻ là một dấu hiệu thành công.

Tác giả ước tính rằng Kiev có nhiều nhất hai tháng để lật ngược tình thế, trước khi những cơn mưa mùa thu bắt đầu khiến mặt đất không thể di chuyển bằng vũ khí quân sự vào tháng 11.

Trong bối cảnh đó, các quan chức ở Kiev gần đây đã bắt đầu chỉ trích NATO vì đã không làm đủ, một người mô tả khối quân sự do Mỹ lãnh đạo là "không có gan", theo tờ báo.

Báo cáo kết luận rằng nếu không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp, cuộc xung đột có thể sẽ tiếp tục trong thời gian dài.

Phương Anh(Nguồn: RT )
Bình luận
vtcnews.vn