Đằng sau sự im lặng của Trung Quốc khi bị Mỹ hạn chế chip

Tư liệuThứ Hai, 19/12/2022 12:05:00 +07:00
(VTC News) -

Phản ứng tương đối im lặng từ Bắc Kinh khi Washington công bố các hạn chế đối với chất bán dẫn cao cấp và thiết bị sản xuất chip, khiến các nhà phân tích quan tâm.

Trung Quốc có một lịch sử sẽ đáp trả khi quốc gia khác áp dụng các chính sách gây ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Vào năm 2020, khi Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc của virus COVID-19, Trung Quốc đã áp thuế và cấm nhập khẩu lúa mạch, rượu vang, lúa mì, len, đồng, gỗ và nho... của quốc gia châu Úc với tổng trị giá hơn 1,3 tỷ USD.

Năm 2018, Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính, con gái của nhà sáng lập Huawei bị giam giữ tại Canada vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Một cách nhanh chóng, Bắc Kinh bắt giữ 2 người Canada để trả đũa, đồng thời ngăn cản hoạt động nhập khẩu nông sản từ Canada. 

Sau khi Đài Loan mở văn phòng đại diện tại Litva vào năm 2021, sử dụng tên “Đài Loan” thay vì “Đài Bắc”, Trung Quốc đã trừng phạt các quan chức, hạ cấp quan hệ và cấm nhập khẩu với Litva.

Danh sách từng bị trả đũa nặng tay còn bao gồm Nhật Bản, Mông Cổ, Na Uy, Philippines và Hàn Quốc.

Jeffrey Moon, chủ tịch của China Moon Strategies, cho biết: “Trung Quốc trả đũa đầy đủ, cộng thêm 10%. Họ có những mục tiêu nhất quán khi trả đũa. Họ muốn gây ra tác động tương ứng, tránh tác động tiêu cực đến Trung Quốc và đòi bồi thường”.

Đằng sau sự im lặng của Trung Quốc khi bị Mỹ hạn chế chip - 1

Đằng sau phản ứng im lặng bất ngờ của Trung Quốc khi Mỹ hạn chế chip. (Ảnh minh họa: SCMP)

Sự im lặng bất ngờ

Tuy nhiên, phản ứng tương đối im lặng từ Bắc Kinh sau khi Washington công bố các hạn chế đối với chất bán dẫn cao cấp và thiết bị sản xuất chip – đòn giáng nghiêm trọng có thể xảy ra đối với nền kinh tế nước này – đã khiến các nhà phân tích và cựu quan chức Mỹ quan tâm.

Vài ngày sau thông báo vào đầu tháng 10, Bắc Kinh chỉ phản ứng bằng lời nói theo nghi thức – gọi các hạn chế của Mỹ là “bá quyền khoa học công nghệ” và vi phạm “có ác ý” các quy tắc thương mại. Nhưng nước này đưa ra rất ít sự trả đũa cụ thể.

Các nhà phân tích cho rằng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Bắc Kinh đang có rất nhiều việc phải làm. Thông báo của Mỹ được đưa ra một tuần trước đại hội đảng lần thứ 20 của Trung Quốc – và dường như Washington cũng bị thúc đẩy bởi các mốc thời gian hơn là thực sự mong muốn “chọc vào” Bắc Kinh. 

Mặt khác, giới lãnh đạo Trung Quốc đang vật lộn với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, sau khi nới lỏng các hạn chế “không COVID”. Ông Tập cũng đã quay trở lại chính sách ngoại giao toàn cầu trực tiếp với các chuyến đi tới Ả Rập Xê-út; tới Indonesia dự họp G20; và Uzbekistan cho hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Và Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc cải tổ chính phủ lớn vào tháng 3.

Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng đa nhiệm, đặc biệt là khi thể hiện sự không hài lòng của mình.

Yếu tố thứ hai có thể xảy ra đằng sau phản ứng tương đối im lặng của Trung Quốc, có thể là sự chưa thống nhất giữa các quan chức cũng như các giám đốc điều hành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành – bao gồm cả những người từ YMTC, Semiconductor Manufacturing International Corporation và Chang Xin Memory Technologies – về cách phản ứng.

Paul Triolo, phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Albright Stonebridge cho biết: “Các quan chức ở Bắc Kinh có thể vẫn đang xem xét toàn bộ tác động của các biện pháp kiểm soát ngày 7/10 đối với các công ty chủ chốt… và đưa ra phản ứng tập trung vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước”.

“Bắc Kinh cũng có thể miễn cưỡng thực hiện một biện pháp trả đũa công khai lớn trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Trung Quốc vào đầu năm tới”, ông nói.

Yếu tố thứ ba, một trong những cách phản ứng của Trung Quốc khi tức giận – cắt quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng khổng lồ của mình – dường như không hiệu quả lắm trong trường hợp này. Trung Quốc rất cần chip cao cấp, hầu hết trong số đó được dùng để xuất khẩu hoặc áp dụng cho công nghệ quân sự chứ không phải sản phẩm nội địa.

Việc ngăn chặn – hoặc đe dọa ngăn chặn – khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của Intel, Texas Instruments, Micron, Nvidia, Apple và các công ty Mỹ khác sẽ chỉ hạn chế nguồn cung cấp chip mà Trung Quốc cần và xua đuổi các công ty đa quốc gia ra khỏi thị trường này. Trong khi đó Trung Quốc đang vật lộn để thu hút đầu tư nước ngoài, với nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19 và tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới tốt nghiệp đại học đạt mức cao kỷ lục.

Một lựa chọn “có sức nặng” sẽ là lệnh cấm xuất khẩu đối với các hợp kim, đất hiếm, lithium và các khoáng chất khác. Trung Quốc chiếm 63% sản lượng khai thác đất hiếm trên thế giới, 85% chế biến đất hiếm, 92% sản xuất nam châm đất hiếm và 60% chế biến lithium. Những vật liệu này rất quan trọng đối với nhiều loại sản phẩm công nghệ cao, từ điện thoại di động, tên lửa và máy bay tàng hình cho đến xe điện và tua-bin gió, trọng tâm trong chương trình nghị sự về khí hậu của Tổng thống Mỹ Biden.

Nhưng Bắc Kinh có khả năng sẽ phải đối mặt với những hạn chế công nghệ thậm chí còn khó khăn hơn của Mỹ và bị ảnh hưởng toàn cầu nếu có động thái như vậy. Khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sau năm 2006, nước này đã phải đối mặt với sự phản đối toàn cầu và tranh cãi từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Kế hoạch dài hạn

Không có động thái trừng phạt, Bắc Kinh đã vạch ra các chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Họ đã cải thiện các dòng tài trợ cho các công ty Trung Quốc. Bên cạnh đó, nước này tăng cường hỗ trợ với gói tín dụng thuế và trợ cấp 143 tỷ USD theo kế hoạch trong 5 năm, Reuters đưa tin.

Các nhà phân tích cũng dự đoán Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh nỗ lực thu hút chuyên gia nước ngoài, mua chip và thiết bị sản xuất thông qua các kênh thị trường xám, đồng thời theo đuổi chiến thuật nhằm thu hút các đồng minh dễ bị tổn thương hơn của Mỹ và tránh bị cô lập.

Trung Quốc cũng có lịch sử “trừng phạt lén lút” theo những cách khó xác định, chẳng hạn như làm chậm thị thực và dòng chảy thương mại, thực thi các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe gây tranh cãi và ban hành các chính sách hạn chế dựa trên các tiêu chuẩn môi trường hoặc khó định lượng khác.

Một bên được theo dõi chặt chẽ là cơ quan kiểm tra chống độc quyền của Trung Quốc. Intel đã công bố kế hoạch mua công ty Tower Semiconductors có trụ sở tại Israel với giá 5,4 tỷ USD, điều này sẽ yêu cầu các cơ quan quản lý lớn trên toàn cầu ký duyệt.

Trung Quốc có khả năng trì hoãn việc phê duyệt thỏa thuận để trừng phạt nhà sản xuất chip Mỹ. “Và rồi có thể vài tháng sau, hoặc nhiều năm sau, người ta mới biết lý do thực sự là chính trị”, chuyên gia nhận định.

Một động thái khả thi khác của Bắc Kinh là điều chỉnh các quy định, chẳng hạn như sửa đổi tiêu chuẩn cho các máy chủ. Các tiêu chuẩn này được cập nhật thường xuyên, thường là trên cơ sở kỹ thuật. Nhưng một số nhà quan sát trong ngành lo ngại rằng các tiêu chuẩn mới nhất cho các máy tính thế hệ cũ – lĩnh vực Trung Quốc mạnh hơn – sẽ giúp Trung Quốc xếp hạng tốt hơn so với những máy tính được trang bị chip mà các công ty Mỹ chiếm ưu thế.

Jimmy Goodrich, phó chủ tịch của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cho biết: “Bạn có thị trường lớn nhất thế giới và nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối đầu với nhau, điều đó sẽ tạo ra rất nhiều căng thẳng. Các công ty ngày càng bị buộc phải chọn một bên”.

Phương Anh(Nguồn: South China Morning Post)
Bình luận
vtcnews.vn