Phóng sự - Khám phá

Có một vùng đất rắn thần hiện diện khắp nơi

Thứ Bảy, 23/07/2022 08:11:00 +07:00

(VTC News) - Ở Lào, truyền thuyết kể rằng một thủy thần đẹp trai nửa người nửa rắn được gọi là naga đã dụ một người thợ dệt xinh đẹp về làm vợ ở thủy cung, dưới đáy sông Mekong.

Mặc dù ta có thể thấy vị thần hình hài giống rồng này khắp mọi nơi ở Đông Nam Á, trên mái nhà cổ, trên các bức tranh tường của đền thờ… naga là một họa tiết đặc biệt quan trọng trong hàng dệt may của người Lào.

Kiang Ounphaivong, thợ dệt tại Ock Pop Tok, một xưởng thủ công ở Louangphabang, Lào, đã kết hợp các yếu tố naga vào mỗi loại vải, giống như mẹ và bà của cô đã làm trước đó. “Có lẽ nếu tôi dệt được thứ gì đó thật đẹp, thì naga cũng sẽ cưới tôi,” cô cười.

Có một vùng đất rắn thần hiện diện khắp nơi - 1

Louangphabang nằm ở giao điểm sông Mekong và sông Nậm Khan. Truyền thuyết nói rằng thành phố được 15 naga bảo vệ.

Naga có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người Lào - và nghề dệt may. Năm 2021, Lào đã đề cử các họa tiết naga trong dệt may cổ tuyền để được công nhận trong Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO. Danh sách này cho thấy tầm quan trọng của tín ngưỡng, phong tục và các kỹ năng như khiêu vũ, chế biến thức ăn và các kỹ thuật thủ công nội đối với các nền văn hóa và địa phương cụ thể. Các di sản được ghi nhận trong một cuộc họp vào tháng 12 hàng năm tại Paris.

Việc lọt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể có thể mang lại sự công nhận và sau đó là các vị khách du lịch. Trong khi nghề dệt vải truyền thống đang bị đe dọa do toàn cầu hóa, việc công nhận giá trị của họa tiết naga có thể giúp duy trì và bảo tồn nét văn hóa cổ truyền này cho nhiều thế hệ sau.

Nguồn gốc của naga

Người dân Lào đã thờ cúng rắn bằng hình thức này hay hình thức khác trong hơn 2.000 năm. Hiện diện trong nghề thủ công, kiến ​​trúc và lễ hội, naga, hay nak trong tiếng Lào, thống nhất các nhóm dân tộc của đất nước và là cầu nối cho tín ngưỡng Phật giáo và những người theo thuyết vật linh. Thuyết vật linh hay thuyết sinh khí là một quan niệm triết học, tôn giáo hay tinh thần cho rằng linh hồn hay sự linh thiêng có trong mọi vật (người, động vật, thực vật, đá, sông, núi…), trong mọi hiện tượng tự nhiên (sấm, chớp, mây, mưa) hay các thực thể khác trong môi trường tự nhiên. 

Có một vùng đất rắn thần hiện diện khắp nơi - 2

Được xây dựng vào năm 1904, cung điện Haw Kham ở Louangphabang là nơi ở của các vị vua Lào cho đến khi chế độ quân chủ bị lật đổ vào năm 1975. Những chiếc đầu naga tô điểm cho phần mái của cung điện.

 “Các linh hồn dưới nước trong bộ dạng rắn, rồng và cá sấu đã được thờ cúng trong cộng đồng những người Môn Khmer ở ​​Lào sớm nhất là khoảng năm 2000 trước Công nguyên”, Stéphane Rennesson, một chuyên gia về naga tại Phòng thí nghiệm Dân tộc học và Xã hội học So sánh ở Paris nói với NatGeo.

Sinh sống bằng nghề trồng trọt, đánh bắt cá và hái lượm, những cộng đồng này có mối liên hệ chặt chẽ với nước. Khi Phật giáo du nhập vào Lào trong thế kỷ 14, naga được coi là một vị thần bảo vệ tôn giáo. Trên thực tế, khi đàn ông Lào xuất gia trở thành nhà sư, họ được gọi là nak, vì họ thay mặt naga phát nguyện.

 “Kể từ ngày chúng tôi được sinh ra, chúng tôi đã nghe những câu chuyện nói rằng naga là tổ tiên và là người bảo vệ của chúng tôi”, Viengkham Nanthavongdouangsy, nhà thiết kế, thợ dệt, thành viên Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Lào, nói. Cô đã làm việc với Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào về việc nộp đơn xin được UNESCO công nhận văn hóa naga.

Phụ nữ Lào ăn mặc sặc sỡ, với các hoa văn naga cầu kỳ uốn lượn ở viền áo. Đó chỉ là một trong nhiều cách thần rắn đan xen vào đời sống ở các thị trấn và làng mạc, không thể tách rời khỏi cuộc sống hàng ngày.

Có một vùng đất rắn thần hiện diện khắp nơi - 3

Họa tiết naga trên cột trang trí tại Wat That Luang, một ngôi chùa ở Louangphabang có niên đại từ năm 1548.

Họa tiết thần rắn từ bao đời nay làm đẹp cho các ngôi chùa Phật giáo từ khu vực Tam giác vàng (nơi sông Mekong chảy vào lãnh thổ Lào) đến mãi phía nam của đất nước. Hình dạng rắn thần được thể hiện trên cầu thang dẫn vào bên trong các ngôi chùa; hay trong hình dạng rắn chín đầu che chở một vị Phật đang ngồi thiền tại Wat Si Muang, một ngôi chùa Phật giáo thế kỷ 16 ở thủ đô Viêng Chăn. Trên sông Mekong, những chiếc thuyền gỗ đuôi dài được sử dụng để vận chuyển hàng hóa và khách du lịch thậm chí còn bắt chước những đường nét uốn lượn của rắn thần.

Thành phố của rắn

Tara Gujadhur, người đồng sáng lập Trung tâm Dân tộc học và Nghệ thuật Truyền thống (TAEC), một bảo tàng ở Louangphabang, nói: “Ngày nay, naga được tích hợp trong các hình thức thờ cúng vật linh và các nghi lễ Phật giáo đương đại”.

Nơi tốt nhất để trải nghiệm văn hóa naga có thể là Louangphabang (thường được gọi là Luang Prabang), một thành phố được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới nằm ở ngã ba sông Mekong và sông Nậm Khan (sông này chảy về Việt Nam và được gọi là sông Lam - PV). Du khách biết đến thành phố này nhờ sự pha trộn giữa những ngôi chùa Phật giáo rực rỡ và kiến ​​trúc thời thuộc Pháp; nhưng đối với Lào, Louangphabang là một trung tâm quan trọng của nghệ thuật naga. Dân gian cho rằng thần rắn sử dụng các tuyến đường thủy ở Louaphabang để đi lại giữa thế giới linh hồn và thế giới con người. Rắn canh gác từng ngôi đền trong số 33 ngôi đền của thành phố, gầm gừ dưới chân núi Phousi  ở trung tâm thành phố  và vẩy đuôi lên các cột ở ngôi chùa cổ Wat Xieng Thong , được xây dựng trong thế kỷ 16.

Theo truyền thuyết, có 15 vị thần rắn bảo vệ Louangphabang. Và thành phố này tôn vinh các vị thần bảo trợ qua Lễ hội Đua thuyền vào tháng 8 và Lễ hội Ánh sáng mùa thu, khi những chiếc phao hình rắn được diễu hành trên đường phố rồi thả xuống sông Mekong.

Rắn thần và nghề dệt vải

Trước khi Lào áp dụng ngôn ngữ viết, nghệ thuật dệt may đã ghi chép, truyền lại lịch sử và các câu chuyện dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong những câu chuyện này, được kể bằng lụa và bông, naga là nhân vật chính, cao quý và nguy hiểm, một vị thần hộ mệnh có khả năng ban tặng sự no đủ hoặc gieo tai họa.

Có một vùng đất rắn thần hiện diện khắp nơi - 4

Một thợ dệt đang làm việc tại xưởng thủ công Ock Pop Tok ở Louangphabang.

Ngày xưa, “phụ nữ dệt những họa tiết phức tạp để thể hiện sự khéo léo của họ", Nanthavongdouangsy nói. Theo cô, những phụ nữ khác mua sản phẩm dệt ấy để thể hiện địa vị của mình. Tuy nhiên, nhiều thập kỷ chiến tranh kéo dài và bất ổn trong thế kỷ 20 đã ảnh hưởng đến việc sản xuất lụa và khả năng tiếp cận với nghề dệt chất lượng cao.

Các thế hệ trẻ di cư ngày càng nhiều đến các khu vực thành thị, có nghĩa là họ ít có khả năng làm nghề dệt vải hơn. Tại các chợ, doanh số bán đồ dệt và đồ trang sức giá rẻ do các nhà máy sản xuất đã vượt xa doanh số bán hàng dệt thủ công. Nanthavongdouangsy nói: “Nếu nghề dệt được duy trì, những câu chuyện về naga  cũng vậy".

Nguyễn Xuân Thủy
Bình luận
vtcnews.vn