Chủ tịch Quốc hội: Vẫn cần 1 bộ sách giáo khoa của Nhà nước

Chính trịThứ Hai, 14/08/2023 18:38:00 +07:00
(VTC News) -

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, xã hội hóa giáo dục vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, vì vậy cần ban hành sách giáo khoa của Bộ .

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, chiều 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng sách giáo khoa chỉ là học liệu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

"Chương trình chỉ là khung, còn nội dung giáo dục phải được thể hiện trong sách giáo khoa. Không thể nói sách giáo khoa là không quan trọng, rồi người dạy muốn dạy gì thì dạy được. Chúng ta nhận xét sách giáo khoa chỉ là học liệu đơn thuần thì không phải", ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng số liệu của Đoàn giám sát cho thấy, dù có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, song rất nhiều địa phương chỉ chọn 1 bộ sách.

"Ngày xưa, cả nước chỉ dùng 1 bộ sách giáo khoa. Ngay Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngồi đây chỉ học 1 bộ sách giáo khoa nhưng nay đã là Chủ tịch", Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông Vương Đình Huệ khẳng định, Nghị quyết 122/2020 (ban hành tại kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIV) của Quốc hội chỉ là "giải pháp tình thế" chứ không phủ nhận nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giao Bộ GD&ĐT phải tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa đầy đủ (từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách).

Đánh giá xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần hiểu đúng về Nghị quyết 88. Xã hội hóa nhưng vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục.

Vì thế, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát, cho rằng, cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 88 về việc biên soạn 1 bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

"Nếu thấy cần điều chỉnh Nghị quyết 88 thì Chính phủ phải báo cáo Quốc hội vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền này. Nếu Chính phủ thấy Nghị quyết 88 không phù hợp thì báo cáo Quốc hội nêu rõ lý do tại sao không biên soạn 1 bộ sách giáo khoa và lý do bây giờ không biên soạn bộ sách giáo khoa của Nhà nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, tại phiên họp lần trước, Ủy ban Thường vụ cơ bản tán thành với Đoàn giám sát về vấn đề này.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, kiến nghị Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa là nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau giữa Bộ và Đoàn giám sát.

Ông Vinh nêu rõ, Nghị quyết 88 giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Đến năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất 1 bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước.  

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh và chỉ quy định khung kiến thức, còn nội dung kiến thức phổ thông sẽ được thể hiện trong sách giáo khoa. Nếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giữ vai trò phê duyệt khung nội dung như hiện nay thì chưa đảm bảo trách nhiệm xây dựng, phát triển nội dung kiến thức phổ thông.

Do đó, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội thảo luận, xem xét vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng, phát triển nội dung kiến thức phổ thông.

Cũng đóng góp ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội nêu rõ, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn khác.

"Như vậy, kiến nghị của Đoàn giám sát đưa ra là trên cơ sở Nghị quyết 88", ông Đỗ Văn Chiến nói, và cho rằng, thời gian tới các cơ quan cần tiếp tục bàn thảo thấu đáo, nhuần nhuyễn về nội dung này.

Trong phát biểu trước đó tại phiên giám sát, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị Đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ kiến nghị về việc giao Bộ tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn