ĐBQH: Chiết khấu gần 30% mỗi quyển khiến giá sách giáo khoa tăng cao

Tin tức - Sự kiệnThứ Hai, 19/06/2023 17:00:00 +07:00
(VTC News) -

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu nguyên nhân khiến sách giáo khoa mới tăng cao do mức chiết khấu mỗi quyển là 28,5%.

Chiều 19/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi) với tỷ lệ 92,91% đại biểu tán thành. Trong Luật Giá sửa đổi lần này chỉ quy định giá trần sách giáo khoa, không quy định giá sàn nhằm ổn định thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Lý giải về quy định trên, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, ở Luật Giá cũ, sách giáo khoa không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, từ Quốc hội khóa 14 đến nay, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Nhà nước cần kiểm soát giá mặt hàng này nhằm bảo vệ lợi ích người dân, tránh tác động tăng giá từ các nhà xuất bản.

Ông Mạnh nêu lên hai lý do khiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định Luật Giá (sửa đổi) chỉ quy định giá trần và không quy định giá sàn đối với mặt hàng sách giáo khoa.

ĐBQH: Chiết khấu gần 30% mỗi quyển khiến giá sách giáo khoa tăng cao - 1

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp.

Hiện, trong phương pháp tính giá sách, các nhà xuất bản đang cộng cả chi phí phát hành sách, mức chiết khấu cao dẫn đến giá sách tăng cao so với thu nhập của nhiều người dân. Đơn cử, năm học 2022 - 2023, mức chiết khấu của mỗi quyển sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35% giá bìa. Do đó, ông Mạnh cho rằng cần thiết phải có công cụ kiểm soát để bảo đảm không tác động tiêu cực người dân.

Việc không quy định giá sàn là hợp lý. Nguyên nhân đây là mặt hàng có tính đặc thù, đối tượng tiêu dùng mang tính bắt buộc, trong đó gồm cả đối tượng yếu thế. Nếu quy định giá sàn, các đơn vị phát hành sách không thể bán cho người dân với giá thấp hơn giá sàn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, Luật Giá sửa đổi lần này chưa đủ căn cứ để bổ sung quy định về giá sàn do Chính phủ không đề xuất nên chưa đánh giá tác động nếu quy định giá sàn đối với sách giáo khoa sẽ ra sao. 

Sách giáo khoa là mặt hàng đa dạng về chủng loại, tiêu dùng trên phạm vi cả nước, việc tính toán mức giá sàn phù hợp với từng cho từng loại sách, phù hợp với mọi khu vực khác nhau là không khả thi.

"Do đó, Luật để mở, tùy vào tình hình kinh tế - xã hội từng thời điểm, Chính phủ sẽ quyết định mức giá trần phù hợp", ông Mạnh nói.

Nhiều ý kiến lo ngại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh nếu không quy định giá sàn. Tuy nhiên, các quy định về hành vi cạnh tranh bị cấm được quy định rõ trong Luật Cạnh tranh, nếu vi phạm thì sẽ xử lý theo luật này.

Trước đó, tại các phiên thảo luận Kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, cần đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. Với quy định này chúng ta sẽ quản lý được giá sách giáo khoa, tránh để giá bị đẩy lên cao quá. Đặc biệt rất cần quy định về khung giá nhất định - mức giá tối đa. 

“Một mặt vẫn để các nhà xuất bản đưa ra giá theo cơ chế thị trường nhưng mặt khác Nhà nước cần có mức giá trần nhất định, không thể để các doanh nghiệp muốn định giá bao nhiêu cũng được”, đó là ý kiến của ông Nguyễn Tiến Thảo - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Nguyên tắc định giá phải tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà các nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy định của Luật Giá (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua.

Giá sách giáo khoa có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Theo số liệu thống kê giáo dục, cả nước có khoảng trên 17 triệu học sinh phổ thông. Vì thế, mỗi sự điều chỉnh tăng giá sách giáo khoa đều có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước.

Điều này đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá đảm bảo công bằng, thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn