'Bộ Tứ’ lên kế hoạch theo dõi hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 22/05/2022 12:01:00 +07:00
(VTC News) -

Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ có thể sẽ công bố một sáng kiến ​​hàng hải nhằm hạn chế đánh bắt cá trái phép ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo Financial Times, một quan chức Mỹ cho biết Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ công bố một sáng kiến ​​hàng hải nhằm hạn chế đánh bắt trái phép ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

'Bộ Tứ’ lên kế hoạch theo dõi hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc - 1

(Ảnh minh họa)

Financial Times dẫn lời quan chức Mỹ nói, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo QUAD khác - Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia mới đắc cử Anthony Albanese - sẽ công bố sáng kiến​ tại một hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo.

Vị quan chức cho rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 95% trường hợp đánh bắt bất hợp pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cũng theo quan chức Mỹ, sáng kiến ​​sẽ sử dụng công nghệ vệ tinh để kết nối các trung tâm giám sát hiện có ở Singapore, Ấn Độ và Thái Bình Dương nhằm tạo ra một hệ thống theo dõi hoạt động đánh bắt cá trái phép từ Ấn Độ Dương và Đông Nam Á đến Nam Thái Bình Dương.

Hệ thống này sẽ cho phép Mỹ và các đối tác giám sát hoạt động đánh bắt bất hợp pháp ngay cả khi các tàu đánh cá đã tắt bộ truyền phát thường được sử dụng để theo dõi các tàu.

Vị quan chức cho biết thêm, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Anh và Pháp sẽ sớm khởi động một sáng kiến ​​có tên “Đối tác của Thái Bình Dương” để hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương.

Sáng kiến ​​hàng hải mới được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh lo ngại rằng Bắc Kinh đang đàm phán một hiệp ước an ninh với Kiribati, một quốc gia gồm 33 hòn đảo trải dài khoảng 3.000 km dọc theo ranh giới giữa Bắc và Nam Thái Bình Dương.

Trước đó, Mỹ đã bày tỏ lo ngại khi Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon. Một số chuyên gia cho rằng thỏa thuận có thể mở đường cho Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở đây và tăng cường ảnh hưởng ở khu vực. 

Trong khi đó, Hoàn Cầu thời báo, báo nhà nước Trung Quốc, hồi đầu tháng 5 cho rằng Mỹ "cố gắng hạn chế các hoạt động và hợp tác bình thường của Trung Quốc trong khu vực theo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ".

Đối thoại Tứ giác an ninh (QUAD) hay được gọi là “Bộ tứ kim cương” được thành lập vào năm 2007 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Tuy nhiên, theo thời gian, trước sự phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc, QUAD đã ngày một phát triển hơn và không chỉ tập trung vào kinh tế, mà còn có mục tiêu đảm bảo an ninh và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, các thành viên QUAD đã khởi động lại đối thoại trong năm 2017 sau 10 năm gián đoạn, tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước trong các năm 2019 và 2020. Năm 2020, lần đầu tiên sau 13 năm gián đoạn, cả 4 thành viên Bộ tứ đã tham gia cuộc tập trận chung trên biển Malabar (các cuộc tập trận trước đó Australia không tham gia), đánh dấu bước đi thực chất trong lĩnh vực hợp tác quân sự giữa 4 nước.

Phương Anh(Nguồn: Financial Times, Global Times )
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp