Xung đột biên giới Trung - Ấn: Quân đội hai nước nhất trí không tăng lính

Thời sự quốc tếThứ Tư, 23/09/2020 06:47:55 +07:00
(VTC News) -

Trung Quốc và Ấn Độ hôm 22/9 đã đồng ý ngừng gửi thêm binh sĩ tới điểm nóng trên dãy Himalaya dọc theo biên giới đang tranh chấp giữa hai nước.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian cho biết, các quan chức quân sự cấp cao của cả hai nước đã gặp nhau hôm 21/9, thảo luận về biên giới đang tranh chấp. Thông cáo báo chí chung được đưa ra sau cuộc gặp này.

Theo đó, cả hai bên đã đồng ý “tránh hiểu lầm và đánh giá sai”, đồng thời “kiềm chế không đơn phương thay đổi tình hình trên thực địa”.

“Hai bên cũng đồng ý tổ chức Hội nghị cấp Tư lệnh Quân sự lần thứ 7 trong thời gian sớm nhất có thể”, thông cáo báo chí của Chính phủ Ấn Độ cho hay.

Xung đột biên giới Trung - Ấn: Quân đội hai nước nhất trí không tăng lính - 1

Sau nhiều giờ đàm phán, Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý không gửi thêm quân đến biên giới tranh chấp. (Ảnh: Reuters)

Hàng nghìn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hiện đang tập trung dọc theo dải biên giới tranh chấp ở khu vực Ladakh, giáp với Tây Tạng. Hồi tháng 6, sau nhiều tuần căng thẳng, một cuộc đụng độ đẫm máu giữa binh sĩ hai nước xảy ra khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc không công bố con số thương vong.

Kể từ đó, Bắc Kinh và New Delhi cho biết hai nước đang cố gắng giải quyết tình hình thông qua các kênh ngoại giao và quân sự. Tuy nhiên, cho đến nay, các cuộc đàm phán đạt được rất ít tiến triển. Căng thẳng vẫn ở mức cao, tại nhiều điểm, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc chỉ cách nhau vài trăm mét. Cả hai bên liên tục tăng cường quân tiếp viện và tiếp tế đến khu vực tranh chấp.

Ngày 11/9, Trung Quốc và Ấn Độ cho biết họ đã đồng ý giảm leo thang tình hình và khôi phục "hòa bình" sau cuộc họp ngoại giao cấp cao tại Matxcơva, Nga. Tại thời điểm đó, hai nước đồng ý quân đội Ấn Độ và Trung Quốc nên nhanh chóng rút khỏi biên giới, cam kết giảm căng thẳng.

Ấn Độ và Trung Quốc không thể thống nhất về đường biên giới dài 3.488 km giữa hai nước, mặc dù đã có nhiều vòng đàm phán trong nhiều năm qua. Đã từng xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới ngắn nhưng đẫm máu vào năm 1962.

Kông Anh(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn