Việt Nam tiếp tục triển khai Công ước ASEAN về phòng chống mua bán người

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 16/10/2020 06:32:42 +07:00
(VTC News) -

Xác định các công tác trọng tâm trong phòng, chống mua bán người năm 2020, Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác với quốc tế, triển khai hiệu quả Công ước ASEAN.

Tại Hội nghị thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại, Trung tá Phạm Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Phòng 5, Cục cảnh sát Hình sự Bộ Công an cho biết, Việt Nam xác định phòng, chống tội phạm mua bán người là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trung tá Hùng cho biết, quan điểm của chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống mua bán người tập trung vào phòng ngừa, tạo ra những bước đột phá nhằm ngăn chặn, giảm cơ bản tình trạng mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, không kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.

Việt Nam tiếp tục triển khai Công ước ASEAN về phòng chống mua bán người - 1

Việt Nam nỗ lực hợp tác quốc tế phòng chống mua bán người. (Ảnh minh họa)

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Nghị định thư kèm theo Công ước về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.

Việt Nam cũng chuẩn bị hướng tới tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 14 (SOM14) các nước khu vực Tiểu vùng sông Me - Kong về phòng, chống mua bán người.

Hợp tác quốc tế là một trong những nội dung Việt Nam tích cực thực hiện bên cạnh những nỗ lực chính sách, thực thi pháp luật, truyền thông để phòng chống mua bán người. Việt Nam đã ưu tiên ký kết và tổ chức triển khai các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực, các nước có đông người Việt Nam bị mua bán.

Một số thỏa thuận nổi bật như Bản Ghi nhớ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về phòng, chống mua bán người (ngày 21/11/2018), đã được Thủ tướng ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 2/4/2019 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết Hiệp định song phương với Malaysia; đàm phán Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Myanmar về hợp tác phòng, chống mua bán người.

Việt Nam còn tích cực triển khai đánh giá và triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác sẵn có, như hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Thái Lan và Trung Quốc về phòng, chống mua bán người.

Các bên đã có những hoạt động nổi bật như Hội nghị Ban Chỉ đạo COMMIT khu vực Tiểu vùng sông Me - Kong về phòng, chống mua bán người; Hội nghị triển khai cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người giữa 6 nước Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar.

Việt Nam cũng tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) và Thỏa thuận toàn cầu về người tị nạn (GCRs) do Liên hợp quốc bảo trợ, nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp; phòng, chống di cư trái phép và buôn bán người; bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn