Video tên lửa hành trình Kh-101 Nga 'nhả mồi bẫy' khi tấn công Ukraine

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 30/12/2023 18:36:46 +07:00
(VTC News) -

Lần đầu tiên camera ghi lại khoảnh khắc tên lửa hành trình Kh-101 của Nga "thả mồi" để đánh lừa hệ thống phòng không trước khi tấn công các mục tiêu ở Ukraine.

Một đoạn video được cho là ghi lại trong đợt tấn công mới nhất của Nga vào các vị trí của Ukraine cho thấy, một tên lửa hành trình Kh-101 của Nga dường như phóng pháo sáng để đánh lừa hệ thống phòng không trước khi lao vào các mục tiêu ở Ukraine.

Video tên lửa hành trình Kh-101 của Nga "nhả mồi bẫy" khi tấn công mục tiêu ở Ukraine. (Nguồn: The Aviationist)

Phiên bản nâng cấp của Kh-101 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử, giúp chủ động ngăn chặn tín hiệu tiếp nhận của radar sử dụng trong các tên lửa phòng không. Sự cải tiến này được phát hiện nhờ việc phân tích ảnh chụp mảnh vỡ của Kh-101.

Đoạn video trên, nếu được khẳng định là xác thực, có thể là lần đầu tiên Kh-101 bị camera ghi lại khoảnh khắc sử dụng các biện pháp đối phó phòng không khi tác chiến.

Hiện chưa rõ cơ chế đối phó phòng không của Kh-101. Có phân tích cho rằng việc nhả mồi bẫy được kích hoạt sau khi tên lửa bị hệ thống phòng không đối phương “bắt” được. Cũng có thông tin rằng quá trình này được thực hiện tự động sau một thời gian nhất định hoặc khi tên lửa đạt đến tọa độ cụ thể, nơi mà hệ thống phòng không đối phương rất có thể đã được định vị.

Tên lửa hành trình KH-101 của Nga.

Tên lửa hành trình KH-101 của Nga.

Kh-101 là tên lửa hành trình tầm xa khá mới của Nga, gần giống với dòng tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Nó được đưa vào thực chiến ở Syria trong các cuộc tấn công bằng máy bay ném bom Tu-95 và Tu-160 của Nga năm 2016 và 2017.

Mỗi chiếc Tu-95 có thể mang 8 tên lửa Kh-101, trong khi Tu-160 có thể mang 12 tên lửa.

Tên lửa hành trình Kh-101 có tầm chiến đấu hiệu quả từ 2.790 - 3.000 dặm (khoảng hơn 4.500km), có thể đạt tốc độ bay hành trình 700km/h, lao tới mục tiêu với tốc độ tối đa 970km/h và mang được nhiều loại đầu đạn khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu.

Tên lửa này được cho là khó bị phát hiện (tàng hình), có khả năng thay đổi mục tiêu khi đang bay tới mục tiêu được chỉ định trước đó.

Ngoài ra, Kh-101 được cho là sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với đầu dò quang - điện tử, cũng như cập nhật vị trí và đường bay qua hệ thống vệ tinh GLONASS. Độ chính xác của nó được báo cáo là “đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn 10 mét”.

Hoa Vũ(Nguồn: The Aviationist)
Bình luận
vtcnews.vn