Vì sao tên lửa phòng không Ukraine e ngại gặp phải Ka-52 Nga?

Quân sựThứ Năm, 15/06/2023 18:30:00 +07:00
(VTC News) -

Tên lửa phòng không vác vai đã mất đi vai trò của mình và ít được sử dụng trong cuộc phản công của Ukraine, bởi Nga đã cho ra mắt một thiết bị tác chiến điện tử mới.

Khi cuộc phản công của Ukraine bắt đầu, sự hiện diện của các phương tiện chiến đấu trên không được các chuyên gia của hai bên theo dõi rất sát sao, bởi đây là lực lượng có tầm ảnh hưởng lớn trong các trận chiến.

Máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công chính là những mối đe dọa nguy hiểm nhất của các loại xe tăng và tất cả các loại phương tiện bọc thép tiến công, vì vậy mà chúng lại được xem là mục tiêu đầu tiên cần phải bắn hạ trong giao chiến. 

Do khả năng không quân bị đánh giá yếu hơn và thiếu phương tiện chiến đấu trên không, nên quân đội Ukraine đã được các nước phương Tây hỗ trợ rất nhiều loại tên lửa phòng không để đối phó với các máy bay của Nga.

Trong những ngày gần đây, nhiều chuyên gia quân sự và những người luôn theo sát các sự kiện trên chiến trường, đã tự hỏi tại sao các loại tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) của các lực lượng Ukraine lại không sử dụng, trong khi bầu trời thực sự đầy ắp trực thăng Ka-52 Alligators và Mi-28 Night Hunters. Một số chuyên gia khác suy đoán rằng, có vẻ như Nga đã tìm ra cách đối phó trước những tên lửa phòng không của Ukraine.

Vì sao tên lửa phòng không Ukraine e ngại gặp phải Ka-52 Nga? - 1

Binh sĩ Ukraine đang sử dụng tên lửa phòng không vác vai.

Trực thăng K-52 đối đầu với 18 MANPADS

Việc sử dụng các hệ thống MANPADS diễn ra thường xuyên trên chiến trường Ukraine, nhưng trong thời gian gần đây tần suất xuất hiện của vũ khí này giảm đến khó tin. 

Một số nguồn tin không chính thức của hãng tin RIA của Nga cho biết, một trong những chiếc Ka-52 đã phải hứng chịu 18 phát bắn cùng lúc bởi các hệ thống phòng không di động và an toàn trở về căn cứ mà không có một chút hư hại nào.

Đây được coi là một kỷ lục, nhưng không phải là do phép màu, sự thành công của chiếc Ka-52 được đánh đổi bằng hàng trăm giờ làm việc chăm chỉ của các nhà thiết kế và kỹ sư người Nga, nó được thể hiện trong một “sản phẩm” với cái tên khiêm tốn và không ồn ào Vitebsk-25. Tuy nhiên, cái tên Vitebsk-25 chỉ được biết đến ở thị trường trong nước còn phiên bản xuất khẩu của sản phẩm này mang tên gọi President-S.

Phương tiện tác chiến điện tử Vitebsk-25

Khi phương tiện tác chiến điện tử Vitebsk-25 lần đầu tiên được giới thiệu tại Eurosatory-2010 ở Paris vào năm 2010, nhiều chuyên gia khi đó không tin vào khả năng Vitebsk-25 có thể đánh lạc hướng được một số lượng tên lửa khổng lồ như vậy.

Năm năm sau, tạp chí Hàng không Quốc tế đã công bố một báo cáo từ Bộ Quốc phòng Ai Cập, quốc gia này thể hiện sự quan tâm lớn đến chiếc máy bay trực thăng Ka-52 của Nga và đã yêu cầu kiểm chứng bằng vô số cuộc thử nghiệm trước khi mua. 

Vì sao tên lửa phòng không Ukraine e ngại gặp phải Ka-52 Nga? - 2

Hệ thống Vitebsk-25 trang bị trên trực thăng Ka-52.

Chiếc trực thăng thử nghiệm của Nga được trang bị Vitebsk-25 đã bị bắn bởi hơn 20 quả tên lửa Igla MANPADS và không quả nào trúng mục tiêu. Các nhà quan sát từ Ai Cập khi đó bày tỏ nghi ngờ về việc liệu có sự lừa dối nào từ phía người Nga hay không.

Mặc dù không có thông số kỹ thuật chi tiết, nhưng một số báo cáo của phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng, Vitebsk-25 có các biện pháp đối phó bằng laser đối với các loại tên lửa đất đối không và không đối không sử dụng dẫn đường hồng ngoại. 

Theo báo cáo, thiết bị Vitebsk-25 có thể phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa lao tới trong phạm vi góc phương vị 120 độ và độ cao 60 độ. Bên cạnh các loại tên lửa dẫn đường hồng ngoại, Vitebsk-25 có thể phát hiện và gây nhiễu các mối đe dọa radar từ tần số 4GHz đến 18GHz.

Vitebsk-25 được phát triển bởi công ty Công nghệ vô tuyến điện tử của Nga. Thiết bị sẽ phát hiện các vụ phóng tên lửa và cảnh báo cho phi hành đoàn, sau đó phi công sẽ kích hoạt các biện pháp đối phó. Trước hết, chế độ bảo vệ thụ động của máy bay sẽ được kích hoạt giải phóng các bẫy nhiệt.

Vì sao tên lửa phòng không Ukraine e ngại gặp phải Ka-52 Nga? - 3

Các bộ phận cấu tạo nên Vitebsk-25.

Sau đó, hệ thống phòng thủ chủ động sẽ bắt đầu hoạt động, Vitebsk-25 trực tiếp can thiệp vào các hệ thống dẫn đường nhiệt của tên lửa phòng không bằng bức xạ hồng ngoại và gây nhiễu mạnh mẽ các tên lửa được dẫn đường bằng radar. Điều này khiến các tên lửa đang lao tới phải “ngoan ngoãn” đi theo các mục tiêu giả và bảo đảm an toàn cho máy bay.

Hệ thống Vitebsk-25 sử dụng kết hợp các cảm biến, bao gồm máy thu cảnh báo radar, máy thu cảnh báo laser và cảm biến cảnh báo tiếp cận tên lửa, để phát hiện và định vị các mối đe dọa sắp tới. Sau đó, nó triển khai các biện pháp đối phó khác nhau, chẳng hạn như gây nhiễu, pháo sáng và gây nhiễu điện tử, để gây nhầm lẫn hoặc vô hiệu hóa tên lửa.

Các tính năng chính của Vitebsk-25

Hệ thống này được thiết kế để phát hiện và gây nhiễu tín hiệu radar, cũng như cung cấp tín hiệu mồi nhử để gây nhầm lẫn cho hệ thống radar của đối phương. Nó cũng có thể phát hiện và theo dõi các tên lửa đang bay tới và đưa ra các biện pháp đối phó để đánh bại chúng.

Một trong những tính năng chính của hệ thống Vitebsk-25 là khả năng hoạt động ở chế độ hoàn toàn tự động, cho phép nó nhanh chóng phản ứng với các mối đe dọa mà không cần thông tin đầu vào từ phi hành đoàn của máy bay. Tính năng này làm cho hệ thống có hiệu quả cao trong các tình huống chiến đấu, trong đó các quyết định trong tích tắc có thể tạo ra sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.

Hệ thống Vitebsk-25 cũng có tính mô-đun cao, có nghĩa là nó có thể dễ dàng tích hợp vào nhiều loại và cấu hình máy bay. Điều này làm cho nó trở thành một giải pháp đa năng và linh hoạt cho các lực lượng quân sự vận hành nhiều loại máy bay.

Lê Hưng(Nguồn: Bulgarian Military)
Bình luận
vtcnews.vn