Vì sao tấn công mạng là chủ đề nóng tại thượng đỉnh Nga - Mỹ?

Tư liệuThứ Sáu, 18/06/2021 06:44:43 +07:00
(VTC News) -

Nhiều người bất ngờ khi đa phần thời gian thảo luận, Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt ra các "ranh giới đỏ" với người đồng cấp Nga về các cuộc tấn công mạng.

“Chúng tôi đã đồng ý chỉ định các chuyên gia ở cả hai nước làm việc cụ thể về việc những gì xem là giới hạn bất khả xâm phạm”, ông Biden nói sau hội nghị thượng đỉnh với ông Putin hôm 16/6. “Chúng tôi sẽ tìm hiểu liệu có thể tiến tới một thỏa thuận an ninh mạng mở đầu cho việc lập lại trật tự".

Nhưng các nhà phân tích cho rằng những nỗ lực của ông trong việc vạch ra vùng an toàn trên mạng ít có khả năng thành công.

Tổng thống Biden không đề cập cụ thể những lĩnh vực ông muốn khoanh vùng, nhưng đã nói về 16 loại cơ sở hạ tầng mà các cuộc tấn công mạng không nên chạm tới. Điều này có thể liên hệ với 16 lĩnh vực Bộ An ninh Nội địa Mỹ xếp vào nhóm trọng yếu, trong đó bao gồm viễn thông, y tế, thực phẩm và năng lượng.

Vì sao tấn công mạng là chủ đề nóng tại thượng đỉnh Nga - Mỹ? - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Pool/CNN)

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết đề xuất của Tổng thống Biden tập trung vào các vụ tấn công mạng có tính "phá hoại", nhằm phân biệt với hoạt động gián điệp số thông thường do các cơ quan tình báo trên thế giới thực hiện.

Tuy nhiên, phản ứng của Tổng thống Nga về đề xuất này chưa hoàn toàn rõ ràng. Trong cuộc họp báo riêng, ông nói hai nhà lãnh đạo đã đồng ý “bắt đầu tham vấn” về các vấn đề an ninh nhưng không trực tiếp đề cập đến đề xuất của người đồng cấp Mỹ.

Nguy cơ “trùng trùng”

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về an ninh mạng tại hội nghị thượng đỉnh. Có lẽ, chưa bao giờ những từ khóa như “tấn công mạng”, “tin tặc”, “mã độc” lại trở nên đáng báo động cho nước Mỹ như những năm trở lại đây.

Thực tế, mối đe dọa của các cuộc tấn công mạng mang tính phá hoại nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu có thể biến viễn cảnh trong các bộ phim về "Ngày tận thế" (mất năng lượng, hỗn loạn) thành hiện thực, từ lâu đã khiến các chuyên gia lo lắng.

Vì sao tấn công mạng là chủ đề nóng tại thượng đỉnh Nga - Mỹ? - 2

(Ảnh minh họa: BBC)

Chỉ mới tháng trước, cuộc tấn công mạng đòi tiền chuộc đã khiến hệ thống ống dẫn nhiên liệu lớn nhất nước Mỹ của công ty Colonial Pipeline phải “đóng băng” tạm thời, làm gián đoạn việc cung ứng nhiên liệu cho nhiều bang ở bờ Đông nước Mỹ. Vụ việc khiến người dân Mỹ phải cuống cuồng đi mua nhiên liệu tích trữ, gây “sóng gió” cho thị trường xăng dầu của nước này.

Những cuộc tấn công mạng trước đó nhằm vào mạng lưới điện Ukraine khiến họ mất điện suốt 6 tiếng giữa mùa đông (2015) và nhà máy hóa dầu của Ả-rập Xê-út (2018) cũng gây nên lo ngại nghiêm trọng.

Đầu năm 2021, các quan chức an ninh mạng Mỹ phát hiện vụ tấn công mã độc thông qua phần mềm của công ty SolarWinds, được cho là đã ảnh hưởng đến ít nhất 250 cơ quan và doanh nghiệp liên bang. Vụ tấn công không bị phát hiện trong suốt 9 tháng. Các “nạn nhân” bao gồm cả những cơ quan có dữ liệu nhạy cảm mà tin tặc có thể tiếp cận như Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang.

Các dữ liệu này có cả bản thiết kế kỹ thuật chi tiết về cách Mỹ khôi phục năng lượng trong trường hợp thảm họa, tin tặc hoàn toàn có thể khiến kịch bản ở Ukraine lặp lại.

Vì sao tấn công mạng là chủ đề nóng tại thượng đỉnh Nga - Mỹ? - 3

Vụ tấn công mạng Solarwinds chấn động nước Mỹ đầu năm 2021. (Ảnh minh họa: The Guardian)

Trong các vụ tấn công này, Mỹ cho rằng những tội phạm tin tặc đứng đằng sau có liên quan đến Nga, làm việc trực tiếp cho chính phủ Nga hoặc thực hiện tấn công từ lãnh thổ nước Nga. Giới chức Nga thì liên tục phủ nhận việc thực hiện các vụ tấn công mạng và cũng khẳng định không "dung dưỡng" cho loại tội phạm này.

Và sau các cuộc nói chuyện “thực tế”, “mang tính xây dựng” và “hiệu quả” hôm 16/6, Tổng thống Nga Putin vẫn tiếp tục không nhượng bộ liên quan đến chủ đề trên.

Ông Putin nói với các phóng viên: “Chúng ta cần loại bỏ mọi kiểu ám chỉ, ngồi xuống ở cấp chuyên gia và bắt đầu làm việc vì lợi ích của Mỹ và Nga".

Ông cũng nói thêm rằng các quan chức Nga đã theo dõi được một số hoạt động kỹ thuật số độc hại đến từ chính nước Mỹ. 

“Theo các nguồn tin của chính truyền thông Mỹ, hầu hết các cuộc tấn công mạng trên thế giới được thực hiện từ ngay chính Mỹ. Vị trí thứ hai thuộc về Canada, tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và sau cùng là nước Anh. Nga không nằm trong danh sách các quốc gia đứng đầu về tấn công mạng”, Tổng thống Nga nói trong cuộc họp báo.

Tổng thống Biden chưa có động thái cụ thể về nghi vấn các cuộc tấn công mạng đến từ Mỹ này.

Vì sao tấn công mạng là chủ đề nóng tại thượng đỉnh Nga - Mỹ? - 4

Tổng thống Nga, Mỹ bắt tay tại hội nghị thượng đỉnh. (Ảnh: AP)

“Hack đi rồi sẽ có hack lại”

Theo Biden, ông đã trực tiếp nhắc đến vụ tấn công hệ thống dẫn dầu Colonial Pipeline với người đồng cấp Nga, cảnh báo Mỹ sẽ dùng các biện pháp tấn công mạng trong tương lai trừ khi Nga hạn chế các cuộc tấn công mạng vào Mỹ, bao gồm các vụ tấn công virus mã hóa đòi tiền chuộc (ransomware) và can thiệp bầu cử.

“Tôi đã nhìn ông ấy và nói: ‘Ngài sẽ cảm thấy thế nào nếu hệ thống đường ống dẫn dầu của Nga bị tống tiền trong bởi một vụ tấn công mạng?' Ông Putin thừa nhận đây thực sự là một vấn đề’”.

Tổng thống Biden cũng đưa ra tuyên bố gay gắt nhất từ trước đến nay liên quan đến hàng loạt các vụ tấn công mạng mà Mỹ tin rằng Nga có liên quan. “Ông ấy biết là sẽ có hậu quả và tôi sẽ hành động. Ông ấy không biết chính xác (phản ứng) sẽ là gì nhưng biết nó không hề nhỏ. Nếu họ thực sự vi phạm những chuẩn mực cơ bản đó, chúng tôi sẽ đáp trả”.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng đã kêu gọi ông Biden cứng rắn hơn trước ông Putin về vấn đề tấn công mạng và can thiệp bầu cử.

Trước hội nghị thượng đỉnh, nhà lãnh đạo Nga bình luận về khả năng "trao đổi" tội phạm an ninh mạng với Mỹ. 

Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước, ông Putin nhấn mạnh rằng an ninh mạng là một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay, bởi nếu tất cả các hệ thống "sập nguồn" thì hậu quả thực sự khó lường.

″Nếu chúng tôi đồng ý dẫn độ tội phạm (mạng), thì đương nhiên, Nga sẽ thực hiện. Nhưng chỉ khi phía bên kia, trong trường hợp này là Mỹ, cũng đồng ý với điều tương tự”, ông nói.

Liên quan đến đề xuất an ninh mạng của ông Biden, các chuyên gia cho rằng ít khả năng nó sẽ thành công.

Stefan Soesanto, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich, cho biết số phận của một thỏa thuận tương tự giữa cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không khả quan. Về lý thuyết, thỏa thuận năm 2015 cấm đánh cắp tài sản trí tuệ vì lợi ích thương mại, nhưng nhiều chuyên gia mạng theo dõi hoạt động tin tặc nói rằng Trung Quốc đã không theo thỏa thuận.

Tội phạm mạng là một trong những mối đe dọa chính đối với cộng đồng doanh nghiệp dẫn đến thiệt hại 1 nghìn tỷ USD vào năm 2020, theo báo cáo của công ty chống virus hàng đầu McAfee.

Cũng theo báo cáo, 2/3 số công ty được khảo sát là nạn nhân của một số vụ tấn công vào năm 2019. Thời gian họ bị gián đoạn kinh doanh trung bình là 18 giờ, với chi phí trung bình là 500.000 USD mỗi lần.

Các hình thức tội phạm mạng chính là đánh cắp tài sản trí tuệ (IP) và tội phạm tài chính, chiếm 3/4 thiệt hại.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, nhiều giao dịch kinh doanh đã chuyển sang hình thức trực tuyến hơn, khiến an ninh mạng càng trở nên quan trọng hơn.

Microsoft cảnh báo gần đây rằng nhóm tấn công trong vụ Solarwinds đã tái xuất với một loạt các cuộc tấn công vào các cơ quan chính phủ Mỹ, các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức khác.

Phương Anh(Nguồn: Reuters, Politico, DW)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp