Trực tiếp: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn

Chính trịThứ Hai, 09/11/2020 14:01:00 +07:00
(VTC News) -

Các Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV.

17h: Quốc hội kết thúc ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ 2. Sáng mai (10/11), Thủ tướng sẽ trả lời một số câu hỏi được đại biểu nêu ra trong kỳ họp này.

16h45: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn những vấn đề liên quan đến phòng chống thiên tai.

Ông cho biết, xuất phát từ thực tiễn, tham khảo các mô hình quốc tế, Chính phủ sẽ xem xét quyết định việc có cần thiết phải thành lập Bộ mới cũng như ra điều luật về tình trạng khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

16h25: Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay tới đây sẽ nghiên cứu xử lý hình sự với tội xử lý văn bằng, giấy tờ giả.

Về xử lý tín dụng đen, Bộ trưởng đánh giá hoạt động tội phạm này đã được kiềm chế. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tấn công, đồng thời siết chặt luật để có thể xử lý nghiêm loại tội phạm này.

16h15: Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dự báo, do COVID-19, ngành du lịch thất thu 23 tỷ USD, số lượng khách quốc tế giảm 80%, du lịch nội địa giảm 50%.

15h30: Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tranh luận với đại biểu Lê Thanh Vân về vấn đề xử lý kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Ông Hiểu nói: Luật Viên chức là luật duy nhất quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hiệu, thời hạn, các hình thức xử lý kỷ luật. Còn các luật chuyên ngành, trong đó có Luật Giáo dục đại học thì hoàn toàn không đề cập đến vấn đề này.

Trường hợp ông Lê Vinh Danh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bổ nhiệm lại vào năm 2014, đến nay ĐH Tôn Đức Thắng chưa thành lập được Hội đồng trường theo luật mới vì các lý do khách quan và chủ quan.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn  - 1

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu.

Vì thế, trong trường hợp của trường ĐH Tôn Đức Thắng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không miễn nhiệm, bãi nhiệm hiệu trưởng thay thẩm quyền của Hội đồng trường mà thực hiện thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ theo quy định của pháp luật là cách chức.

Việc xử lý vi phạm ở ĐH Tôn Đức Thắng đã được lãnh đạo Tổng Liên đoàn cân nhắc, đánh giá khách quan, công bằng, có sự xem xét cả công và tội, nhằm tiếp tục duy trì và phát triển lành mạnh, bền vững nhà trường, trên cơ sở xin ý kiến các cơ quan chức năng.

15h: Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sắp tới sẽ bỏ quy định về ngoại ngữ, tin học trong nâng và thăng hạng công chức, viên chức, theo đó không yêu cầu chứng chỉ mà chỉ quy định về năng lực sử dụng, thể hiện kỳ thi kiểm tra trên máy tính.

14h30: "Chính phủ, Bộ Công Thương đã có dự trù, phân bổ nguồn vốn thực hiện. Giai đoạn đầu từ năm 2016 - 2018 cấp vốn 4.743 tỉ đồng, đạt được tỉ lệ 18,55% và cấp điện 100% số xã. Tuy nhiên, số bản và thôn không đạt do điều kiện khó khăn trần nợ công mức cao nên sau khi Bộ Công Thương có báo cáo Chính phủ sử dụng vốn vay WB, thống nhất là tạm thời chưa thực hiện chương trình này để đảm bảo an toàn trần nợ công quốc gia”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói. 

14h: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bắt đầu trả lời các câu hỏi chất vấn trong phiên họp sáng.

Phó Thủ tướng cho biết tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp là có thật nhưng không phải vì thế mà nhìn nhận đạo đức xã hội Việt Nam phiến diện, thiếu công bằng. Hãy nhìn vào khiếm khuyết để khắc phục. 

Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, Phó Thủ tướng nhấn mạnh với vụ việc tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, Chính phủ, Thủ tướng rất cẩn trọng với yêu cầu phải theo đúng các quy định của pháp luật. Tinh thần là Chính phủ, Thủ tướng sẽ rất công minh và ủng hộ tự chủ đại học, tạo điều kiện cho trường phát triển. 

Trước phản ánh của đại biểu, người dân khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc mua thuốc, Phó Thủ tướng cho rằng, có nhiều nguyên nhân.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn  - 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Nguyên nhân thứ nhất, nhiều bác sĩ cũng phản ánh, chính sách thanh toán của Bảo hiểm y tế thuộc Bảo hiểm xã hội là không phù hợp. Điều này đúng sự thật và có căn nguyên. Hiện nay mệnh giá trung bình đóng bảo hiểm y tế là 1,1 triệu mỗi người một năm, bằng 1/3 Philippines, bằng 1/4 Thái Lan.

Trong khi đó, giá thuốc phải theo mặt bằng quốc tế vì 90% nguyên liệu nhập khẩu. Giá thuốc Việt Nam hiện nay rẻ hơn các nước ASEAN nhưng chỉ rẻ hơn 10 đến 15%. Vì vậy, bảo hiểm không thể thanh toán được tất cả các loại thuốc mà chỉ thanh toán thuốc thông thường. Còn biệt dược, đắt tiền thì người bệnh phải bỏ tiền ra mua.

Hiện nay Việt Nam tiêu tốn 120.000 tỷ đồng tiền thuốc mỗi năm, bảo hiểm thanh toán 36% - 37%. Tỉ lệ này cao so với các nước trên thế giới.

Hiện tượng móc nối giữa bác sĩ và trình dược viên của các công ty dược và nhà thuốc kê đơn thuốc để ăn hoa hồng là có. Để khắc phục thì chỉ có một cách là công khai, minh bạch hết bằng tin học hoá.

11h30: Kết thúc phiên chất vấn buổi sáng. 14h, Quốc hội tiếp tục làm việc.

11h: Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ GTVT thời gian tới sẽ lo hoàn thành các quốc lộ, cao tốc nối Cà Mau - Bạc Liêu - Cần Thơ, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Nguồn lực thứ hai là từ địa phương, ở đây là nguồn lực mà địa phương được Trung ương phân bổ, cộng với ngân sách sẵn có để thực hiện các dự án hạ tầng.

Thứ ba là nguồn lực Trung ương, trong đó, Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2 tỷ USD trong giai đoạn tới.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn  - 3

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ KH&ĐT sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ khoảng 1,05 tỷ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này.

10h45: Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ở cấp độ Chính phủ đến nay chúng ta đã hoàn thành 4/6 CSDL quốc gia, còn CSDL dân cư sẽ khai trương vào tháng 2/2021 và hoàn thiện vào tháng 7/2021; CSDL đất đai sẽ khai trương trong năm 2020 và hoàn thiện vào trong năm 2021.

Bộ TT&TT đã ban hành chuẩn kỹ thuật để CSDL các bộ ngành, địa phương kết nối, xây dựng trục kết nối chia sẻ CSDL xong trong năm 2020, ra mắt cổng quốc gia về dữ liệu và Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành lộ trình để các bộ ngành, địa phương mở dữ liệu trên cổng.

Năm 2020, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 47 về kết nối, chia sẻ dữ liệu, trình Chính phủ chiến lược quốc gia về CSDL. Như vậy, trong năm 2020 chúng ta đã xong về chiên lược, thể chế, nền tảng, và từ năm 2021 tiến độ xây dựng CSDL số của quốc gia và bộ ngành, địa phương sẽ nhanh hơn rất nhiều.

10h24: Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề liệu có nên thành lập Bộ Tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình trạng thiên tai, dịch bệnh đang diễn biến khôn lường hiện nay. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ trả lời câu hỏi này trong phiên chất vấn chiều nay.

10h: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định không có thuốc bảo vệ thực vật nào được lưu hành tại Việt Nam hiện nay có chứa dioxin.

Về chiến lược phát triển cây mắc ca, Bộ trưởng cho biết đây là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đa mục tiêu. Hai vùng phù hợp là Tây Nguyên, Tây Bắc với có 16.500 ha. Để cây trồng nay phát triển hiệu quả thì chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống; tuân thủ nghiêm quy trình, kỹ thuật được hướng dẫn; phải gắn với cơ sở chế biến;… Bộ NN&PTNT đang gấp rút hoàn thiện chiến lược phát triển cây mắc ca đến năm 2025.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn  - 4

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

9h55: Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời 2 câu hỏi về tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu hiện tại. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, công tác phòng chống tham nhũng đã có kết quả toàn diện.

Tuy nhiên, cán bộ nhũng nhiễu, làm phiền người dân vẫn còn và trách nhiệm trực tiếp thuộc về người đứng đầu cơ quan, lĩnh vực. Những lĩnh vực mà cán bộ công chức thiếu rèn luyện, thường xuyên tiếp xúc với người dân hay để xảy ra tình trạng này.

TTCP căn cứ vào phản ánh của người dân, báo chí cùng các chỉ số của Tổ chức minh bạch thế giới để đánh giá tình hình phòng chống tham nhũng đã có cải thiện.

9h15: Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết đến nay, cơ bản 63/63 địa phương đã thực hiện phê duyệt liên thông giải quyết các thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí với sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp, Bộ Công an. Người dân chỉ đến UBND xã nộp hồ sơ 1 lần để thực hiện 3 thủ tục trên. 

Việc thực hiện đề án này mỗi năm đã tiết kiệm 38,8 tỷ đồng, tỷ lệ hồ sơ quá hạn là 0,67%. Thời gian tới các địa phương tiếp tục quan tâm, thúc đẩy thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đẩy mạnh liên thông…

9h: Chủ tịch Quốc hội lý giải nguyên nhân chưa thể nghiên cứu, ban hành Luật Hành chính công.

Thứ nhất, hiện chưa thể ban hành Luật này vì các quy định liên quan tới hành chính công đã nằm trong các đạo luật. Thứ hai, dự thảo mà đại biểu Trần Thị Quốc Khánh xây dựng chưa rõ đối tượng, phạm vi, nội hàm. Tuy nhiên, Quốc hội, UBTVQH và Chính phủ đánh giá cho sự kiên trì của đại biểu và tạo điều kiện cho ban soạn thảo, nhưng cho tới nay chưa ban hành được vì các vấn đề trên.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn  - 5

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

8h30: Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết để bảo đảm thu – chi, cân đối ngân sách quốc gia trong năm 2021 ứng với mức tăng trưởng GDP 6%, các bộ ngành địa phương sẽ phải cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; kích cầu trong nước để tăng trưởng. Tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn giá, thu hồi nợ đọng thuế. Bám sát yêu cầu của Quốc hội về ngân sách để xử lý các vấn đề phát sinh.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn  - 6

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 9/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

8h20: Bộ trưởng Bộ Thông tin&Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trong năm 2020 sẽ có Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng được lồng ghép trong bộ quy tắc ứng xử này.

Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ thí điểm mobile money để hỗ trợ người dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa không có thẻ ngân hàng có thể thực hiện thanh toán điện tử; triển khai thí điểm một số xã thông minh. Dự kiến cuối tháng 12 sẽ tổng kết các chương trình thí điểm để nhân rộng.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn  - 7

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.

8h10: Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết quy hoạch treo ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là việc làm, sinh  kế và cải tạo nhà ở. Nguyên nhân chủ yếu chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tầm nhìn, không lập đầy đủ quy hoạch liên quan đặc biệt hạ tầng kỹ thuật, xã hội, thiếu quy hoạch chi tiết 1/500, không xác định chi tiết nguồn lực đầu tư, chưa quản lý nghiêm túc, công khai quy hoạch lộ trình thực hiện, không kịp thời rà soát, năng lực chủ đầu tư yếu kém…

Hiện tại, các địa phương đã rà soát lại quy hoạch, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuậ, thu hồi dựa án treo như TP.HCM thu hồi 176 dự án treo, Đà Nẵng 201 dự án treo, Quảng Nình rà soát hơn 1.000 quy hoạch chậm triển khai.

Đây mới là kết quả bước đầu, phải tiếp tục thực hiện căn cơ. Các địa phương  phải cso lộ trình cụ thể ; lập kế hoạch đầu tư phải bố trí đủ nguồn lực; bổ sung tiêu chuẩn  quy chuẩn liên quan đến quy hoạch, thực hiện đầy đủ lấy ý kiến người dân, chuyên gia trong quá trình lập quy hoạch, tăng cường giám sát thực hiện…

8h: Phiên chất vấn bắt đầu

Hôm nay (9/11), Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn  - 8

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn.

Kết thúc ngày chất vấn đầu tiên (6/11) có 65 ý kiến chất vấn, tranh luận của các đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng các Phó Thủ tướng và các bộ, ngành. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và 12 Bộ trưởng đã trả lời các vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung chất vấn về những giải pháp căn cơ trong phòng, chống thiên tai; nguyên nhân cơ bản của hiện tượng lũ lụt tại miền Trung; giải pháp đối với vấn đề biến đổi khí hậu; việc xây dựng các công trình đầu tư chống biến đổi khí hậu ở một số địa phương; kinh phí đổi mới chương trình sách giáo khoa; giải pháp giảm tải cho giáo viên; khối lượng kiến thức trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; việc thực hiện quy hoạch báo chí; tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí; nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng độ che phủ rừng của Việt Nam thấp hơn các nước lân cận; vấn đề đạo đức công vụ của lực lượng công an; giải pháp bảo đảm môi trường an ninh mạng...

Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn