Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2018

Kinh tếThứ Năm, 07/06/2018 08:12:00 +07:00

Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách “50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2018”, theo đó Petrolimex, Vingroup, Thế giới di động, PV Gas là những công ty dẫn đầu về doanh thu.

Ngày 5/6, Forbes Việt Nam công bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2018. Đây là lần thứ sáu Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này.

Bảng xếp hạng công ty đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất thông qua các chỉ số tài chính được công bố, bao gồm các công ty niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), thuộc 13 lĩnh vực.

2G3A0257

Nhiều cái tên mới cuất hiện trong bảng xếp hạng của Forbes 2018. 

Danh sách này cho thấy sự bứt phá của nhiều công ty lớn, trong đó khối tư nhân gồm Vingroup, VPBank, Hòa Phát, Thế Giới Di Động đã nhanh chóng khẳng định vị thế.

7 cái tên lần đầu lọt vào danh sách có VPB, VCI, NKG, CSV, GEX, PVT, PME. Tuy nhiên đưa quy mô thị trường tăng vọt phải kể đến những cái tên mới lên sàn như Vinhomes, Vincom Retail, VPBank, HDBank, Techcombank…

Đứng đầu bảng xếp hạng ngành bán lẻ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dẫn đầu với doanh thu 153.697 tỉ đồng. Từ tháng 1/2018, Chính phủ quyết định thay thế xăng RON 92 bằng xăng E5, theo giới phân tích, điều này có thể giúp Petrolimex tăng lợi nhuận gộp thêm khoảng 1.000 tỉ đồng. So với hai đối thủ kế tiếp, Petrolimex có lợi thế hơn hẳn các công ty đối thủ cạnh tranh như PV Oil và công ty Xăng dầu Quân đội.

Về vị trí thứ 2 phải kể đến Vingroup đạt mức doanh thu 89.350 tỷ đồng, doanh nghiệp này cũng dẫn đầu về vốn hóa, đạt hơn 15 tỉ đô la Mỹ vào ngày 15/5. Đây là lần thứ sáu Vingroup góp mặt trong top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam. Trung tuần tháng 5, Vingroup mang Vinhomes, thương hiệu bất động sản cao cấp lên niêm yết trên HSX. 

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản Vinhomes đạt 94.693 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 38.248 tỉ đồng. Vinhomes đi vào lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam với kỷ lục giá trị công ty IPO đạt 13,5 tỉ đô la Mỹ, thương vụ cao nhất từ trước tới nay. GIG, quỹ đầu tư trực thuộc chính phủ Singapore vừa rót vào Vinhomes 1,3 tỉ đô la Mỹ, để mua cổ phần và cung cấp công cụ nợ.

Ngay khi niêm yết trên sàn chứng khoán, Vinhomes đạt giá trị vốn hóa hơn 13 tỉ đô la Mỹ, cao hơn Vinamilk. Tính đến nay, Vinhomes là công ty tỉ đô thứ ba của tỉ phú Phạm Nhật Vượng niêm yết sau Vingroup (vốn hóa 14 tỉ đô la Mỹ), Vincom Retail (3,8 tỉ đô la Mỹ).

Duy trì vị thế lớn nhất trong mảng bán lẻ điện thoại và điện tử tiêu dùng, Thế Giới Di Động (TGDD) công bố chiếm 43% thị phần bán lẻ điện thoại và máy tính bảng. Động lực tăng trưởng trong giai đoạn 2017 – 2019 của chuỗi bán lẻ này chủ yếu đến từ Điện Máy Xanh, khi lần đầu tiên lợi nhuận gộp của mảng này vượt qua mảng bán lẻ điện thoại, đóng góp hơn 45% vào cơ cấu lợi nhuận. Năm qua, công ty mở thêm 386 cửa hàng Điện Máy Xanh, tăng 150,8% so với một năm trước đó. 

Trên sàn chứng khoán, lợi nhuận của PV Gas chỉ sau Vinamilk với mức 64.552 tỷ đồng. Với giá trị vốn hóa khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, PV Gas nằm trong top ba công ty dẫn đầu về vốn hóa thị trường. Thành viên đóng góp hơn 40% lợi nhuận cho tập đoàn Dầu khí là đơn vị thu gom, vận chuyển và phân phối khí khô duy nhất tại Việt Nam, cung cấp nhiên liệu sản xuất 40% sản lượng điện và 70% sản lượng phân bón cả nước.

Năm 2018, PV Gas sẽ triển khai đầu tư, thanh quyết toán 13 dự án và đầu tư tài chính với giá trị giải ngân 3.281 tỉ đồng. PV Gas là thành viên duy nhất của tập đoàn dầu khí có mặt 6 năm liền trong danh sách.

Nói đến lĩnh vực tài chính, ngoài Vietinbank là ngân hàng dẫn đầu về doanh thu, kế tiếp có ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu), MB Bank (Ngân hàng TMCP Quân đội), HSC (CTCP Chứng khoán TP.HCM), Vietcombank (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam), Ngân hàng TMCP VPBank, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), VietCapital Bank (CTCP Chứng khoán Bản Việt), Tập đoàn Bảo Việt, đã may mắn lọt top 9 doanh nghiệp tài chính.

Coteccons tiếp tục vươn mình lên vị trí dẫn đầu khối Bất động sản & xây lắp, hạ tầng với doanh thu hơn 27 nghìn tỷ đồng, theo sau đó là Hòa Bình, Nam Long, Khang Điền, Đất Xanh, và Công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM.

Công ty cổ phần Hàng không VietJet (mã chứng khoán VJC) dẫn đầu khối Logistics đạt doanh thu 42.303 tỉ đồng, tăng 53,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.073 tỉ đồng, tương ứng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 11.356 đồng. Là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ giá nhiên liệu, theo giới phân tích, do giá vé cạnh tranh, quản lý chi phí tốt, nên Vietjet có thể điều chỉnh giá bán để giảm ảnh hưởng của giá dầu tăng cao.

Tính tới tháng 4/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực như chỉ số VNIndex phá kỷ lục cũ, xác lập đỉnh mới 1.207 điểm, thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động, quá trình thoái vốn ở các doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, Sabeco có kết quả vượt mong đợi. Tính đến trung tuần tháng 5/2018 vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 168 tỉ đô la Mỹ, tương đương 80% GDP (chưa tính Vinhomes niêm yết ngày 17.5 vốn hóa khoảng 13 tỉ đô la Mỹ).

Đại diện Forbes Việt Nam nhận định, danh sách xếp hạng những công ty niêm yết tốt nhất thị trường của Việt Nam 2018 đã phản ánh bức tranh kinh tế Việt Nam và diễn biến thị trường chứng khoán năm qua. Các diễn biến khả quan trên thị trường tài chính làm gia tăng số lượng các doanh nghiệp ngành ngân hàng, chứng khoán. Các ngành quan trọng như bất động sản, vật liệu xây dựng, logistics… vẫn phát triển và ổn định nên có số đại diện đông đảo nhất sau lĩnh vực tài chính.

Danh sách này cho thấy sự bứt phá của nhiều công ty lớn, nhiều cái tên mới được xuất hiện, đặc biệt là dấu ấn của khối kinh tế tư nhân. Tổng lợi nhuận của các công ty trong danh sách 50 bình chọn đạt 106.949 tỉ đồng, tăng 34%. Theo Forbes Việt Nam, danh sách năm nay chiếm tới 70,8% giá trị vốn hóa hai sàn HOSE và HNX. 

Mỹ Dung
Bình luận
vtcnews.vn