Sách được NXB trả thù lao cho Sở GD&ĐT thắng áp đảo ở TP.HCM: Bộ GD&ĐT nói gì?

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 27/05/2020 15:46:00 +07:00
(VTC News) -

Chân trời sáng tạo là bộ sách đầu tiên và duy nhất được biên soạn bởi các tác giả phía Nam, với nét đặc trưng như thế sẽ tạo thuận lợi trong học tập cho học sinh.

Ngày 27/5, TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) thông tin thêm về bộ sách Chân trời sáng tạo được TP.HCM lựa chọn với tỷ lên rất cao, gần như tuyệt đối so với các bộ sách giáo khoa khác khiến dư luận băn khoăn.

- Bộ sách Chân trời sáng tạo được TP.HCM lựa chọn với tỷ lệ “áp đảo”, trong khi trước đó có thông tin nhà xuất bản chi trả thù lao cho một số lãnh đạo và cán bộ của Sở GD&ĐT TP.HCM để biên soạn bộ sách này. Quan điểm của Bộ GD&ĐT về vấn đề này thế nào?.

Nhìn tổng thể kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các trường tiểu học tại TP.HCM, thì sách giáo khoa của cả 5 bộ đều được lựa chọn. Riêng bộ “Chân trời sáng tạo” có tỷ lệ cao hơn.

Trong 5 bộ sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, bộ “Chân trời sáng tạo” là đầu tiên và duy nhất được biên soạn bởi tập thể tác giả phía Nam. Với lý do này nên các kênh hình, kênh chữ sử dụng trong sách giáo khoa mang đậm đặc trưng vùng Nam bộ.

Với học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, yếu tố ngôn ngữ và hình ảnh có tác động lớn đến hiệu quả sử dụng sách giáo khoa của các em. Bộ “Chân trời sáng tạo” với nét đặc trưng như thế sẽ tạo thuận lợi trong học tập cho học sinh khu vực phía Nam.

Do tất cả sách giáo khoa được phê duyệt đều đảm bảo chất lượng và đồng đều chất lượng, nên khi chọn sách giáo khoa, các trường sẽ ưu tiên sách gần gũi, phù hợp và tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh trong dạy và học. Điều này hoàn toàn dễ hiểu về chuyên môn và đây thực chất là một tiêu chí được quy định trong Thông tư lựa chọn sách giáo khoa.

Việc TP.HCM hay bất cứ tỉnh, thành phố nào có kết quả lựa chọn sách giáo khoa ở một bộ sách nào đó cao hơn thì chúng ta cần xem xét việc chỉ đạo và thực hiện lựa chọn sách giáo khoa ở địa phương đó có đúng quy định hay không, các nhà trường có dân chủ, minh bạch trong lựa chọn hay không. Nếu quy trình là đúng thì kết quả lựa chọn phải được tôn trọng.

Sách được NXB trả thù lao cho Sở GD&ĐT thắng áp đảo ở TP.HCM: Bộ GD&ĐT nói gì? - 1

TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).

- Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT quy định quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa là của cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, có phản ánh việc một số địa phương chưa tôn trọng quyền quyết định của các nhà trường. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ đã làm gì để các quy định về lựa chọn sách giáo khoa được đảm bảo thực hiện đúng tại cơ sở giáo dục, các địa phương?.

Từ tổng hợp kết quả lựa chọn sách của các địa phương, Bộ GD&ĐT nhận thấy chỉ riêng hai tỉnh là Khánh Hòa và Long An (chỉ chọn duy nhất một bộ sách giáo khoa) kết quả này khác hơn so với 61 tỉnh/thành phố còn lại.

Ngay khi nhận được kết quả này, Bộ GD&ĐT có ý kiến trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh và Sở GD&ĐT, đề nghị rà soát, kiểm tra tổng thể quy trình lựa chọn sách giáo khoa. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là kiên quyết yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định về lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư 01. Nếu các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa đúng quy trình thì địa phương phải tôn trọng kết quả đó.

Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương gửi toàn bộ hồ sơ các quy trình liên quan đến lựa chọn sách giáo khoa. Qua tìm hiểu bước đầu, Bộ GD&ĐT nhận thấy việc chỉ đạo của hai địa phương đối với các nhà trường trong thực hiện Thông tư 01 là đúng quy trình.

Tuy nhiên ở Long An trong khâu tổng hợp kết quả cuối cùng, Sở GD&ĐT thực hiện chưa đúng khi báo cáo đề xuất UBND tỉnh chọn 1 bộ sách giáo khoa trong khi thực tế có nhiều sách giáo khoa khác được các nhà trường lựa chọn. Điều này trái với Thông tư 01.

Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Long An thực hiện đúng quy định và địa phương này hứa tôn trọng kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các nhà trường.

Còn với tỉnh Khánh Hòa, khi tiếp cận hồ sơ của các phòng GD&ĐT tập hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các trường gửi về Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT nhận thấy tất cả đều lựa chọn 1 bộ sách giáo khoa cho 8 môn bắt buộc. Riêng môn tiếng Anh các nhà trường chọn sách giáo khoa của nhà xuất bản khác. Điều đó trước mắt cho thấy Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa đã tôn trọng quyết định lựa chọn của cơ sở và báo cáo trung thực về UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT.

Thực hiện yêu cầu của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tỉnh Khánh đang rà soát toàn bộ quy trình lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông. Nếu kết quả rà soát khẳng định, việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện đúng quy định, không có chỉ đạo nào trái quy định từ cấp trên thì chúng ta cần tôn trọng kết quả lựa chọn.

- Thông tư 01 yêu cầu cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai danh mục sách giáo khoa được lựa chọn và niêm yết tại cơ sở giáo dục trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng. Công tác này đến nay được các trường tiểu học thực hiện thế nào?

Trước hết phải nói rõ, việc công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa thuộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông. Sở GD&ĐT các tỉnh, đặc biệt là cấp Phòng GD&ĐT có trách nhiệm giám sát và trực tiếp chỉ đạo, đốc thúc việc thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Ngày 11/5, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo tất cả các Phòng GD&ĐT, các trường phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm việc công bố kết quả sách giáo khoa.

Qua thực tế kiểm tra tại một số tỉnh như Bắc Kạn, Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, chúng tôi nhận thấy, các nhà trường nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ này; nhiều đơn vị rất sáng tạo trong sử dụng hình thức công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa.

Ví dụ, có trường liên hệ với các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn theo phân tuyến tuyển sinh để có thư ngỏ hay thông báo đến phụ huynh học sinh có con em sẽ vào học lớp 1 năm học tới, trong đó cung cấp thông tin về tuyển sinh, triển khai chương trình GDPT mới và công bố danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông này.

Có đơn vị liên hệ với đài phát thanh trên địa bàn huyện, thôn, xã, để phát tin thông báo. Có trường còn dán cả danh sách lựa chọn sách giáo khoa ở nhà văn hóa thôn hoặc những nơi phụ huynh học sinh dễ nhìn thấy. Đây là những cách làm rất sáng tạo và trách nhiệm.

Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo Phòng GD&ĐT khẩn trương nắm bắt tình hình thực tế của cơ sở giáo dục trên địa bàn, kiên quyết chỉ đạo nhà trường công bố danh mục sách giáo khoa đến phụ huynh, học sinh, giáo viên. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục theo dõi và chỉ đạo sát sao vấn đề này, đảm bảo quyền “được biết” cho phụ huynh, học sinh - những người trực tiếp sẽ mua và sử dụng sách giáo khoa.

Sách được NXB trả thù lao cho Sở GD&ĐT thắng áp đảo ở TP.HCM: Bộ GD&ĐT nói gì? - 2

Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh minh hoạ).

- Sau khi hoàn thành lựa chọn sách giáo khoa, tới đây các trường và địa phương cần tiếp tục thực hiện công việc gì để đảm bảo hiệu quả, đúng lộ trình triển khai chương trình GDPT mới cho học sinh lớp 1?

Có 2 nội dung trọng tâm Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo sát sao trong thời gian tới. Thứ nhất, các Sở GD&ĐT và nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn phải khẩn trương lên kế hoạch chi tiết việc tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa; đảm bảo 100% giáo viên lớp 1 được tập huấn trước năm học mới.

Việc cung ứng sách giáo khoa có những khó khăn và thuận lợi riêng, song cũng phải gấp rút thực hiện từ nay đến 30/7 và chậm nhất 15/8 phải hoàn thành. Nếu trên một địa bàn có nhiều sách giáo khoa được lựa chọn thì việc cung ứng cần đảm bảo đầy đủ các đầu sách giáo khoa và kịp tiến độ thời gian để triển khai chương trình GDPT mới.

Thứ hai, các tỉnh cần khẩn trương triển khai bồi dưỡng trực tuyến kết hợp với trực tiếp cho toàn bộ giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021, về hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT mới. Bộ GD&ĐT đã làm việc với đơn vị cung ứng để cung cấp miễn phí tài khoản học trực tuyến và đường truyền cho thầy cô lớp 1. Việc bồi dưỡng phải hoàn thành trước 30/7.

Ông Thái Văn Tài cho biết, đến hết ngày 23/5, Bộ GD&ĐT nhận được công văn của 63 Sở GD&ĐT, báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. 100% các trường đã hoàn thành việc lựa chon sách giáo khoa và đang công bố kết quả này tới phụ huynh, học sinh, giáo viên.

Qua kiểm tra, rà soát, Bộ GD&ĐT đánh giá, tất cả các trường đã thực hiện đúng theo tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-BGD&ĐT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Phân tích kết quả báo cáo của các Sở GD&ĐT cho thấy, tất cả 46 sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, đều được lựa chọn. 61 địa phương chọn ít nhất sách giáo khoa từ 3 bộ sách trở lên, tính cả sách giáo khoa môn tự chọn tiếng Anh; trong đó 35 tỉnh chọn sách giáo khoa của cả 5 bộ.

Việc 46 sách giáo khoa đều được lựa chọn chứng minh chất lượng sách giáo khoa là đồng đều, công tác thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa đã đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

Việc các nhà trường chọn nhiều đầu sách giáo khoa từ các bộ khác nhau thể hiện tính dân chủ, khách quan trong quá trình lựa chọn; đồng thời cho thấy cơ sở giáo dục đã nghiên cứu kỹ lưỡng sách giáo khoa nên chọn được đầu sách theo từng môn học, phù hợp với điều kiện và cơ sở vật chất dạy học của nhà trường. 

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn