Thủ tướng: Không hy sinh công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế

Chính trịThứ Tư, 22/03/2023 10:30:00 +07:00
(VTC News) -

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Đặt câu hỏi đầu tiên trong chương trình Đối thoại của Thủ tướng với thanh niên Việt Nam năm 2023, doanh nhân trẻ Phạm Nhật Thành nêu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức đối với lực lượng lao động trẻ của Việt Nam.

"Xin Thủ tướng và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chia sẻ thông tin về những quyết sách quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số", vị doanh nhân nói.

Trước khi giao Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc tới những diễn biến mới trên thị trường thế giới như tình hình hệ thống ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ… cho thấy có nhiều vấn đề khó lường, khó dự báo với hậu quả có thể kéo dài, Chính phủ các nước phải can thiệp ngay.

"Quan điểm xuyên suốt của nước ta là coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Không hy sinh công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng cũng nêu rõ, đất nước ta có truyền thống lịch sử ngàn năm và trong thế kỷ trước, chúng ta phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh để giành đọc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sau đó, phải trải qua nhiều năm cấm vận. 

"Các bạn trẻ phải hình dung đất nước có những lúc khó khăn như thế nào. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và đồng lòng của người dân, chúng ta đã vượt qua những khó khăn đó", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Theo Thủ tướng, cuộc sống lúc nào cũng có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn và thách thức, chúng ta phải luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, không quá lạc quan trước cơ hội và thuận lợi, không bi quan trước khó khăn, thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức bằng tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên bằng tay khối óc của mình, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

"Tôi chắc là với khí thế của tuổi trẻ, thế hệ trẻ ngày nay sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức như cha ông chúng ta đã làm và không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên chúng ta", Thủ tướng bày tỏ.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, đất nước ta đang thực hiện khát vọng lớn tới năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao, chúng ta đang thực hiện 3 trụ cột lớn.

Thứ nhất là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa sức mạnh đại đoạn kết toàn dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, huy động trí tuệ của tất cả mọi người, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Thứ hai, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân do dân vì dân, mọi chính sách đều hướng về người dân, người dân tham gia xây dựng mọi chính sách của Đảng, nhà nước; sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Thứ ba là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật khách quan, cạnh tranh, quy luật cung cầu, nhưng vẫn có những công cụ nhà nước để can thiệp thị trường lành mạnh, bền vững và đảm bảo được yếu tố vừa tôn trọng quy luật thị trường, khi cần thiết phải can thiệp nhà nước.

Bổ sung câu trả lời, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đảng ta đã có những quyết sách lớn như Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo.

Thủ tướng: Không hy sinh công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế - 2

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, đây là đổi mới quan trọng để phát triển giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, tạo những điều kiện quan trọng để mở đường cho các trường đại học cũng như đào tạo trình độ đại học chất lượng cao.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho hay, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đưa giáo dục quốc gia cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cũng đã giao ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai nhiều đề án, chương trình, trong đó có một đề án quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; đang xây dựng và triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và bước đầu có 5 trường đại học thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật đã đăng ký tham gia đề án này...

"Toàn ngành Giáo dục cũng đang triển khai đề án quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo và nhiều chương trình, đề án, dự án khác với mục tiêu chung là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc đại học với những kỹ năng, phẩm chất, năng lực có thể giúp cho thanh niên, học sinh đáp ứng được yêu cầu của công việc trong lao động, trong thời đại công nghiệp 4.0", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói thêm.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn