Thủ tướng: Đi vay phải làm dự án xoay chuyển tình thế, không làm nhỏ lẻ

Đầu TưThứ Ba, 24/10/2023 11:57:00 +07:00
(VTC News) -

Nhắc đến định hướng lập dự án lớn ứng phó với sạt lở, sụt lún ở ĐBSCL, Thủ tướng lưu ý tránh manh mún, nhỏ lẻ, đã đi vay phải làm những dự án xoay chuyển tình thế.

Sáng 24/10, phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ sự trăn trở, lo ngại về phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chi 4.000 tỷ giải quyết sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long

"Việt Nam, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu", ông nói, đề nghị cả nước chung tay cùng thế giới chống biến đổi khí hậu cực đoan, phấn đấu đưa phát thải ròng bằng 0 năm 2050.

Vừa qua, Chính phủ đã cấp 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện dự án chống sạt lở bờ sông, biển. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng đây chỉ là giải pháp trước mắt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng 24/10.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng 24/10.

Về lâu dài, Đồng bằng sông Cửu Long cần được đầu tư các dự án lớn hàng tỷ USD để ứng phó lâu dài. Muốn vậy, Việt Nam cần huy động ngân sách, vốn vay, hợp tác công tư, như vừa qua tỉnh Cà Mau đã áp dụng làm công trình chống sạt lở.

"Chỉ những dự án lớn mới phát huy được hiệu quả, xoay chuyển tình thế. Vay vốn xây dựng hạ tầng mà làm các dự án nhỏ lẻ, dàn trải sẽ manh mún, không hiệu quả", Thủ tướng nói. Ông cho biết trong tuần này sẽ gặp Chủ tịch Ngân hàng thế giới tại Hà Nội để bàn cách tiếp cận nguồn vốn vay mới, trong đó có đầu tư cho chống biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng cũng rất trăn trở về tình trạng sông Mekong thay đổi dòng chảy từ thượng nguồn, làm ảnh hưởng đến khu vực hạ lưu là Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam tích cực cùng các nước liên quan xây dựng kế hoạch góp phần hạn chế ảnh hưởng đến dòng chảy. Tuy nhiên, có những dự án trên sông đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên.

Vì vậy, Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước có liên quan, nhà khoa học, các nước có điều kiện, để bảo vệ dòng chảy tự nhiên của sông Mekong. Nếu không bảo vệ được, nước về thay đổi, không đúng quy luật khiến lượng cát, phù sa thay đổi, ảnh hưởng đến nông nghiệp, công ăn việc làm, sinh kế người dân.

Trung ương và địa phương cùng chung tay

Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình một triệu ha lúa sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, phục vụ an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững.

Hay trong các chuyến công du gần đây, Thủ tướng đã gặp Tổng thống Philippines và Tổng thống Indonesia đề nghị ký kết hiệp định đảm bảo xuất khẩu gạo từ Việt Nam nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho gạo của nông dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng gợi mở định hướng sắp tới phải làm khác trước đây, theo hướng "sản xuất xanh tiêu thụ xanh". Vì vậy, cần có quy hoạch và những dự án lớn. "Xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không manh mún, nhỏ lẻ" là định hướng quan trọng được người đứng đầu Chính phủ nhắc tới.

"Đồng bằng sông Cửu Long là trăn trở của Đảng, Nhà nước để đảm bảo cuộc sống cho người dân nơi đây. Vì vậy cần có tư duy, phương pháp, cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề trước mắt, vừa có chiến lược lâu dài, căn cơ, bài bản", Thủ tướng cho hay.

Ông đề nghị các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đào tạo tốt hơn nhân lực và hợp tác xây dựng hạ tầng giao thông cho vùng trên tinh thần chia sẻ để giải quyết vướng mắc về mỏ vật liệu, đất đắp nền cao tốc. Vùng cũng cần tận dụng lợi thế đường thủy, xây dựng thêm nhiều bến cảng, cầu cảng, sớm nâng cấp sân bay Cà Mau để việc đi lại thuận tiện hơn.

Thủ tướng nhắc Bộ trưởng Giao thông Vận tải cần tập trung nhiệm vụ xây dựng các tuyến cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo cả trục Bắc - Nam và Đông - Tây; quan tâm nâng cấp hạ tầng giao thông, điển hình như sân bay Cà Mau.

Về hàng không, Thủ tướng lưu ý, các sân bay phải được củng cố, nâng cấp lên. Ví dụ như sân bay Cà Mau, dù còn khó khăn, như phải nâng cấp để tạo ra sự thay đổi.

"Mặc dù còn khó khăn vẫn cần nâng cấp để thay đổi diện mạo địa phương. Như với Cà Mau, cao tốc chưa xong, đường bộ khó khăn mà không có hàng không hỗ trợ thì rất khó phát triển", Thủ tướng nói và cho rằng chỉ cần quyết tâm là làm được, vấn đề là huy động nguồn lực, làm có trọng tâm trọng điểm và làm đến đâu dứt điểm đến đó.

Thủ tướng nhắc lại bài học quyết liệt khi xây dựng sân bay Điện Biên. Trung ương và địa phương kết hợp lại thì mới ra được sân bay Điện Biên… Địa phương cố gắng một ít, Trung ương cố gắng một ít thì sẽ ra sân bay.

"Trung ương cứ bảo địa phương làm cả, thì địa phương không có đủ nguồn lực. Ngược lại, địa phương ỷ lại thì Trung ương cũng không có đủ nguồn lực. Nên phải có sự hợp tác công tư, hợp tác giữa Trung ương và địa phương”, Thủ tướng cho hay, đồng thời lưu ý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý để phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn