Thách thức 2022: Tìm lối đi cho doanh nghiệp quảng cáo

Thị trườngThứ Năm, 07/10/2021 06:07:00 +07:00
(VTC News) -

Sau một năm chìm trong khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 "càn quét" mạnh, doanh nghiệp quảng cáo đang gượng dậy để tìm lối đi cho mình trong năm mới 2022.

Theo các chuyên gia ngành quảng cáo, khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, thách thức từ dịch COVID-19 rất khó đoán định. Dịch bệnh đã tạo ra sự biến động quá nhanh, gây bất ngờ với toàn thị trường, trong đó có hoạt động quảng cáo.

Thách thức 2022: Tìm lối đi cho doanh nghiệp quảng cáo - 1

Dịch bệnh đã tạo ra sự biến động quá nhanh, gây bất ngờ với toàn thị trường, trong đó có hoạt động quảng cáo.

Ở Việt Nam, hoạt động và doanh thu của các doanh nghiệp nội dung số phụ thuộc rất nhiều vào mảng dịch vụ quảng cáo, marketing. Dịch COVID-19 đòi hỏi toàn xã hội phải thực hiện giãn cách, khiến các ngành đều phải cắt giảm chi phí marketing, quảng cáo. Lãnh đạo doanh nghiệp đã phải “cắt sạch” mọi loại chi phí, từ lương nhân viên, chi tiêu nội bộ cho đến các loại chi phí marketing… làm cho doanh thu của các doanh nghiệp nội dung số sụt giảm mạnh, mức giảm lên tới hơn 30%.

Và sau một năm chìm trong khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 "càn quét" mạnh, cũng như nhiều lĩnh vực khác, doanh nghiệp quảng cáo cũng đang rốt ráo tìm lối đi cho mình trong năm mới 2022.

Công nghệ cũng là một hướng đi được giới quảng cáo chú ý. Còn nhớ dịch SARS diễn ra năm 2003 như một chất xúc tác cho hoạt động mua sắm trên mạng ở Trung Quốc. Alibaba đã tận dụng điều này để trở nên độc quyền về thương mại điện tử ở thị trường tỷ dân.

Trong những ngày đại dịch COVID-19 bao trùm lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, giới doanh nhân đã tiết giảm chi phí bằng cách cắt giảm quảng cáo. Nhưng nhà sáng lập Happy Live - CEO Phạm Lê Thái thì cho rằng, cảm thấy “khó hiểu” khi có nhiều doanh nghiệp cắt chi phí quảng cáo, marketing. Khi hầu hết công ty sữa ở quy mô lớn, nhỏ đều ngưng quảng cáo thì hình ảnh những hộp sữa Nutifood vẫn có mặt khắp mọi nơi, hãng này đẩy mạnh quảng cáo trong mùa dịch. Theo ông Thái, trong khi các thương hiệu khác không nhận ra thì Nutifood hiểu được rằng, điều duy nhất không thể thay đổi là sự thay đổi và điều duy nhất họ có thể làm trong bối cảnh này là đưa ra được lý do khiến khách hàng yêu thương hiệu, làm cho sản phẩm trở nên khác biệt.

Có thể nói, marketing chính là lời giải cho các doanh nghiệp trong mọi thời điểm, đặc biệt là thời gian trong và sau mùa dịch. “Marketing là một thứ không thể nào bỏ đi được. Hoạt động marketing phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi và thậm chí là phải được đẩy mạnh trong thời COVID-19”, CEO HappyLive chia sẻ.

Đối với nội bộ doanh nghiệp, truyền thông “đẩy” (push) – “kéo” (pull) và tương tác (interactive) là một phần không thể thiếu trong bất kỳ kế hoạch truyền thông hiện đại nào và cần được quản lý một cách chiến lược để đem lại sự cân bằng tại nơi làm việc. Sự cân bằng của truyền thông đẩy, kéo và tương tác là một khái niệm chúng ta nghe nhiều trong tiếp thị, điều đó cũng đúng với nhân sự. Rất cần thiết để thu hút người tiêu dùng ngày nay với sự kết hợp chặt chẽ của ba phương thức truyền thông này.

Lý tưởng nhất là bạn luôn ưu tiên đẩy thông tin thú vị và đúng thời điểm cho khách hàng tiềm năng của mình, duy trì sự quan tâm của họ theo thời gian bằng cách tạo sự thuận tiện, dễ dàng cho khách hàng truy cập được thông tin họ cần để đưa ra quyết định và thu hút, làm hài lòng họ bằng các cuộc trò chuyện tương tác khi cần thiết.

Nếu doanh nghiệp nghĩ rằng nhân viên là khách hàng (và chúng ta nên nghĩ như vậy!), chúng ta sẽ giúp tạo ra trải nghiệm nhân viên tốt hơn bằng cách thường xuyên “đẩy” những thông tin có giá trị, phù hợp và mang tính thời sự cho họ. Điều này sẽ giúp họ luôn có được thông tin tức thời và làm việc hiệu quả hơn. Doanh nghiệp cũng nên cung cấp cho nhân viên các công cụ đáng tin cậy, dễ sử dụng để truy cập thông tin theo cách của họ và có hỗ trợ tương tác kịp thời khi họ cần.

Ngoài ra, trước những tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19, Bộ TT&TT đã gửi văn bản tới các Bộ, ban, ngành có liên quan nhằm đề xuất các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp thông tin truyền thông và báo chí phát triển trong và sau dịch bệnh. Và đề xuất Bộ Tài chính bổ sung các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, nội dung số, phần mềm, in và phát hành, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, đài phát thanh truyền hình vào nhóm đối tượng được gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Đồng thời có các biện pháp miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp lĩnh vực thông tin truyền thông và cơ quan báo chí.

Thách thức 2022: Tìm lối đi cho doanh nghiệp quảng cáo - 2

Doanh nghiệp quảng cáo đang gượng dậy sau một năm lao đao vì dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đề nghị Bộ Tài chính gia hạn thời hạn nộp, miễn, giảm một số khoản phí, lệ phí thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông và một số lĩnh vực khác. Bộ TT&TT cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Lao động Thương binh & Xã hội xem xét đưa các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bưu chính, CNTT, in, phát hành và cơ quan báo chí, nhà xuất bản vào danh sách đối tượng được tạm dừng đóng BHXH cho người lao động đến hết tháng 12/2020.

Bộ TT&TT cũng đã gửi đề nghị tới Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Quốc phòng về việc xem xét, điều chỉnh lại chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, chỉ tiêu đánh giá xếp hạng doanh nghiệp và xác định quỹ lương 2020 của các doanh nghiệp trong ngành cho phù hợp với tình hình thực tế. Như vậy, với những đề xuất giải pháp hỗ trợ báo chí, doanh nghiệp sau Covid-19 của Bộ TT&TT cũng sẽ là biện pháp hữu hiệu, “cứu cánh” tháo gỡ từ phía các cơ quan quản lý để giúp báo chí, doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh, hướng tới hồi phục kinh tế trong năm mới 2022.

Hồng Yến
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp