Doanh nghiệp quảng cáo nỗ lực duy trì hoạt động vượt bão COVID-19

Thị trườngThứ Ba, 23/11/2021 14:53:00 +07:00
(VTC News) -

Dịch bệnh xảy đến như một “cơn lốc” càn quét mọi thương trường và doanh nghiệp quảng cáo cũng lâm vào cảnh khó khăn, gồng mình để có thể duy trì hoạt động.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, nhiều hoạt động của doanh nghiệp quảng cáo...hầu như bị tê liệt, đình đốn. Ngoài ra, quảng cáo báo chí, truyền hình vốn là thế mạnh bị lấn át bởi quảng cáo trên mạng xã hội.

Chật vật vì COVID-19

Trả lời trên báo Khánh Hòa, ông Huỳnh Ngọc Dũng - Giám đốc Công ty Quảng cáo Toàn Dũng (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, rất nhiều khách hàng, đối tác có hợp đồng còn hiệu lực của công ty đều gửi văn bản đề nghị tạm ngưng việc quảng cáo sản phẩm. Đối với hợp đồng quảng cáo mới, dù công ty đã rất cố gắng tìm kiếm khách hàng nhưng số hợp đồng mới ký kết cũng giảm từ 30-40% so với cùng kỳ năm trước và giá trị hợp đồng cũng giảm sút.

“Công ty có hơn 30 nhân viên. Hoạt động kinh doanh của công ty tháng nào cũng lỗ, công ty phải chật vật xoay vòng công việc để người nào cũng có việc làm và thu nhập”, ông Dũng cho hay.

Doanh nghiệp quảng cáo nỗ lực duy trì hoạt động vượt bão COVID-19 - 1

Nhiều doanh nghiệp quảng cáo sụt giảm doanh số vì đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)

Cùng tình cảnh, Công ty TNHH Đầu tư và Quảng cáo Nha Trang cũng đang phải cố gắng chèo chống vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều hợp đồng quảng cáo bị hủy, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của công ty. Thậm chí, có dự án quảng bá, quảng cáo những năm trước được công ty đảm nhận dưới hình thức xã hội hóa nhưng với những khó khăn đang gặp phải đã buộc công ty có kiến nghị, đề xuất lên Sở Văn hóa và Thể thao nhằm tìm cách tháo gỡ.

“Trong bối cảnh khó khăn, chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết sức để tạo việc làm và có thu nhập cho đội ngũ nhân viên. Đây vừa là cách để giữ chân người lao động, vừa chia sẻ khó khăn với họ. Trước tình hình đó, chúng tôi mong muốn được các sở, ngành liên quan tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, bà Trần Kim Thanh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Quảng cáo Nha Trang chia sẻ.

Tình trạng này được các doanh nghiệp dự doán sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng doanh thu của công ty đến Tết Nguyên đán 2022.

Cần tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước

Theo báo cáo của Vietnam Digital Marketing Trends 2021, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 ước đạt 820 triệu USD. Dự báo năm 2021, mức doanh thu này sẽ đạt khoảng 955 triệu USD. Trong đó, 80% doanh thu khổng lồ của “con gà đẻ trứng vàng” này rơi vào túi Google, Facebook, YouTube...

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hai nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất ở Việt Nam là Google và Facebook chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến.

Doanh nghiệp quảng cáo nỗ lực duy trì hoạt động vượt bão COVID-19 - 2

Google và Facebook chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến. (Ảnh minh họa)

Nhiều năm qua, các nền tảng này vẫn ở “ngoài vòng pháp luật” khi không có giấy phép cung cấp dịch vụ, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam vì là doanh nghiệp nước ngoài, hoạt động trên nền tảng Internet và không đặt chi nhánh công ty tại Việt Nam. Việc các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỷ USD nhưng đóng thuế nhỏ giọt, trong khi doanh nghiệp trong nước phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp, là điều bất công. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp quảng cáo trong nước gặp khó.

Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đã được Chính phủ ký ban hành đã chính thức có hiệu lực từ 15/9/2021. Nội dung Nghị định quy định, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.

Cũng theo nội dung Nghị định, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông: Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có), cùng với đó là đầu mối liên hệ: tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ…

Cùng với đó, Nghị định cũng nêu rõ, các nền tảng không đặt sản phẩm quảng cáo với nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại Luật An ninh mạng, Luật Sở hữu trí tuệ; thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông là phải có giải pháp kỹ thuật để kiểm soát và loại bỏ sản phẩm quảng cáo vi phạm.

Với những quy định mới được sửa đổi, bổ sung, Nghị định 70 đang được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra những hành lang pháp lý, siết chặt thông tin, quảng cáo…đối với các nền tảng xuyên biên giới. Từ đó, quảng cáo trong nước sẽ có cơ hội vượt qua thách thức của đại dịch COVID-19.

HẢI YẾN
Bình luận
vtcnews.vn