Tàu hải cảnh Trung Quốc ngang ngược hoạt động ở Biển Đông suốt năm qua

Tin tức Biển ĐôngChủ Nhật, 06/12/2020 06:00:00 +07:00
(VTC News) -

Tàu Trung Quốc ngang ngược tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, trong đó có nhiều khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam bất chấp đại dịch COVID-19.

Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), trong 12 tháng kể từ ngày 1/12/2019, tàu hải cảnh của Trung Quốc không chỉ duy trì sự hiện diện tại bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), bãi Luconia, bãi cạn Scarborough mà còn tăng tần suất hoạt động trong thời gian diễn ra đại dịch. 

Có ít nhất một tàu hải cảnh Trung Quốc phát đi tín hiệu nhận diện tự động (AIS) từ bãi cạn Scarborough tổng số 287 ngày trong 366 ngày qua, tăng đáng kể so với 162 ngày của năm trước. Ở bãi Cỏ Mây, bãi Luconia, số ngày tàu hải cảnh Trung Quốc phát AIS là 279 và 232 ngày.

Tàu hải cảnh Trung Quốc ngang ngược hoạt động ở Biển Đông suốt năm qua - 1

Tàu hải cảnh Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Theo CSIS, việc tàu Trung Quốc chủ động phát AIS cho thấy nước này đang tìm cách bình thường hóa sự hiện diện trái phép của mình tại nhiều khu vực ở Biển Đông. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định Bắc Kinh tin việc duy trì sự hiện diện của các tàu hải cảnh trong một thời gian dài và công khai việc đó, các nước có tranh chấp tại Biển Đông sẽ chấp thuận việc tàu Trung Quốc kiểm soát các bãi cạn này. 

CSIS khẳng định hành vi của lực lượng hải cảnh Trung Quốc không thay đổi so với năm 2019. Các tàu di chuyển quanh bãi Luconia đôi khi công khai thách thức hoạt động dầu khí của Malaysia ở gần đó. 

Những tàu xuất hiện gần bãi Cỏ Mây thường lảng vảng quanh bãi Trăng Khuyết cũng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

CSIS chỉ ra một điểm đáng chú ý là kể từ tháng 7 tới tháng 12, lực lượng hải cảnh Trung Quốc xuất hiện khá nhiều lần ở gần bãi Tư Chính của Việt Nam. 

Theo CSIS, một tàu hải cảnh Trung Quốc phát tín hiệu AIS từ bãi Tư Chính 137 ngày trong tổng số 153 ngày từ 1/7-1/12. 

Trung Quốc xem khu vực bãi Tư Chính là một phần của cái mà Trung Quốc gọi là Nam Sa và vùng biển liên quan của Trung Quốc dù nó không tuân theo bất cứ cơ sở nào. 

CSIS phân tích, việc Trung Quốc tăng cường xuất hiện ở bãi Tư Chính là để củng cố căn cứ mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Song Hy(Nguồn: CSIS)
Bình luận
vtcnews.vn