Siêu tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat của Nga sẽ trực chiến năm 2022

Quân sựThứ Sáu, 18/12/2020 06:47:00 +07:00
(VTC News) -

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat, có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ hiện đại, sẽ được bàn giao cho Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga năm 2022.

Theo TASS, chỉ huy Lực lượng Tên lửa chiến lược Liên bang Nga (RVSN) Sergei Karakayev cho biết, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat sẽ được biên chế vào năm 2022.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Krasnaya Zvezda, chỉ huy Karakayev nhấn mạnh, hiện các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng sẵn sàng tiếp tục các đợt thử nghiệm cấp nhà nước đối với hệ thống ICBM Sarmat, và lên kế hoạch trực chiến vào năm 2022.

Siêu tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat của Nga sẽ trực chiến năm 2022 - 1

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat của quân đội Nga.

Tháng 3/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, việc hiện đại hóa dây chuyền cần thiết cho sản xuất hàng loạt ICBM tối tân của Nga đã hoàn tất.

RS-28 Sarmat là hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, được triển khai trong các hầm phóng silo mặt đất. RS-28 Sarmat được phát triển từ những năm 2000, nhằm thay thế cho ICBM R-36M2 Voyevoda.

“Siêu” tên lửa này nặng khoảng 200 tấn và có trọng lượng đầu đạn khoảng 10 tấn. Theo các chuyên gia, Sarmat có khả năng chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại và trong tương lai.

Ngoài hệ thống RS-28 Sarmat, chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga cũng cho biết, hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa chiến lược Avangard của Nga có khả năng mở ra một kỷ nguyên mới của vũ khí siêu thanh chiến lược. Theo lời Karakayev, Avangard sẽ đặt cơ sở để phát triển các yếu tố chiến đấu mới cho các tên lửa chiến lược hiện nay và trong tương lai.

Hệ thống tên lửa Avangard chắc chắn sẽ trở thành một yếu tố hiệu quả trong kho vũ khí của Lực lượng Tên lửa Chiến lược, mở rộng khả năng chiến đấu của quân đội và tạo điều kiện phát triển các loại yếu tố tác chiến mới cho các tên lửa chiến lược hiện đại”, ông Karakayev nói. "Vai trò của RVSN trong bộ ba chiến lược của đất nước càng trở nên quan trọng hơn sau khi hệ thống tên lửa mới Avangard đi vào hoạt động".

Avangard là hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chiến lược được trang bị trên phương tiện bay siêu thanh. Theo các nguồn tin mở, loại vũ khí đột phá này được thử nghiệm từ năm 2004. Tên lửa Avangard bay gấp 20 lần tốc độ âm thanh, có khả năng cơ động theo đường bay và độ cao của nó, đồng thời phá vỡ bất kỳ hệ thống phòng thủ chống tên lửa nào trên thế giới.

Cuối năm 2019, Trung đoàn tên lửa đầu tiên của quân đội Nga được trang bị hệ thống Avangard đã tham gia nhiệm vụ gần thành phố Orenburg, miền Nam Urals.

Đình Nguyễn (Nguồn: TASS)
Bình luận
vtcnews.vn