Phương Tây kinh ngạc trước năng lực chiến đấu tiêm kích mới của Nga

Quân sựThứ Sáu, 23/07/2021 07:01:39 +07:00
(VTC News) -

Tiêm kích "Checkmate" được thiết kế để tấn công đồng thời 6 mục tiêu trên bộ, trên không hoặc trên biển, ngay cả trong điều kiện bị nhiễu điện tử mạnh.

Theo Sputnik, sự xuất hiện của mẫu tiêm kích tàng hình "Checkmate" của Sukhoi tại triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2021 đã tạo điểm nhấn lớn cho triển lãm năm nay. Ngay trong ngày khai mạc, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đến thăm quan khu trưng bày Checkmate.

Giới thiệu về mẫu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 sử dụng một động cơ đầu tiên của Nga, Sukhoi cho biết "Checkmate" ra đời dựa trên sự kết hợp các giải pháp và công nghệ tiên tiến, bao gồm hệ thống hỗ trợ sử dụng trí tuệ nhân tạo (công nghệ AI) cho phi công.

Cũng theo Sputnik, tiêm kích "Checkmate" có thể sẽ được định danh là "Su-75", tuy nhiên Sukhoi vẫn chưa công bố tên gọi chính thức của dòng chiến đấu cơ này. Cũng cần phải nói thêm rằng Checkmate là mẫu máy bay chiến đấu có thời gian phát triển ngắn nhất của Sukhoi nói riêng và tập đoàn chế tạo máy bay Thống nhất (UAC) nói chung.

Phương Tây kinh ngạc trước năng lực chiến đấu tiêm kích mới của Nga - 1

Tiêm kích tàng hình "Checkmate" của Sukhoi. (Ảnh: MAKS)

Đại diện của UAC còn cho biết, công ty này sẽ phát triển "Checkmate" thành ít nhất ba biến thể: một chỗ ngồi, hai chỗ ngồi và không người lái.

Những điều cần biết về "Checkmate"

Đánh giá các thông số kỹ thuật và dữ liệu hiệu suất của "Checkmate" được Sukhoi công bố tại MAKS-2021 có thể thấy, mẫu tiêm kích mới của Nga có vận tốc bay tối đa hơn Mach 2, tải trọng đa 7,4 tấn, trần bay thực tế ước tính hơn 16.000m và có tầm hoạt động 2,800km nếu không mang theo pob nhiên liệu phụ.

Máy bay cũng sử dụng các công nghệ tàng hình và có khả năng sử dụng vũ khí hàng không hiện đại được lắp đặt trong các khoang bên trong thân. Từ khu trưng bày "Checkmate", mẫu tiêm kích này sẽ được tích hợp các tên lửa không đối không tầm ngắn RVV-MD; tên lửa không đối không tầm trung RVV-SD; tên lửa không đối đất Kh-38; tên lửa chống bức xạ Kh-58UShKE; tên lửa hành trình Grom-E1, các loại bom thông minh và bom thông dụng.

Theo Yuri Slyusar - Tổng giám đốc UAC, nền tảng đa chức năng của "Checkmate" có thể được điều chỉnh cho phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau của người mua trong tương lai do nó có thiết kế mở. Hơn nữa, mục tiêu của UAC khi phát triển "Checkmate" là kết hợp "chi phí vận hành thấp và khả năng chiến đấu".

Tiêm kích "Checkmate" được thiết kế để tấn công đồng thời 6 mục tiêu trên bộ, trên không hoặc trên biển, ngay cả trong điều kiện bị nhiễu điện tử mạnh. Đồng thời,  giá của máy bay tàng hình sẽ từ 25-30 triệu đô la (21-25 triệu euro), thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh lớn như Rafale của Pháp, Gripen NG của Thụy Điển hoặc F-35 Lightning II của Mỹ.

Phương Tây kinh ngạc trước năng lực chiến đấu tiêm kích mới của Nga - 2

Một số mẫu tên lửa được giới thiệu dành cho tiêm kích "Checkmate". (Ảnh: MAKS)

Tuy nhiên, một lợi thế quan trọng khác của tiêm kích "Checkmate" là chi phí vận hành bay thấp. Theo ông Slyusar, nó sẽ thấp hơn 7 lần so với F-35 (33.000 USD/giờ bay) và tương đương với Gripen NG (từ 4.500 - 8.000 USD/giờ bay). Theo Slyusar, "Checkmate" vượt trội hơn đáng kể so với các dòng tiêm kích hạng nhẹ của châu Âu về khả năng chiến đấu.

Cũng trong buổi giới thiệu máy bay, các quan chức Nga cho biết danh mục đơn đặt hàng đối với "Checkmate" trong tương lai có thể lên đến 300 chiếc. Chuyến bay đầu tiên của "Checkmate" được lên kế hoạch vào năm 2023, trong khi việc chế tạo một số nguyên mẫu thử nghiệm sẽ được hoàn thành vào năm 2024-2025. Đến năm 2026, Sukhoi dự kiến ​​sẽ bắt đầu chế tạo lô máy bay đầu tiên.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa chiếc máy bay này ra thị trường từ năm 2026", ông Slyusar nói với các phóng viên trong ngày khai mạc MAKS-2021.

Giới quan sát phương Tây kinh ngạc

Các nhà sản xuất máy bay Nga đã có chiến dịch truyền thông khá ấn tượng cho "Checkmate" trước thềm MAKS-2021, với việc tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec phát hành một video quảng bá bằng tiếng Anh vào ngày 13/7 và sau đó là những bức ảnh về chiếc máy bay chiến đấu mới được phủ một tấm bạt với câu hỏi khiêu khích tạo sự tò mò cho cả truyền thông lẫn giới chuyên gia quân sự quốc tế.

Thủ thuật này của Rostec đã được mục tiêu mà họ đề ra khi "Checkmate" nhanh chóng trở thành một cơn sốt trên các bản tin truyền thông trước thềm MAKS-2021, mọi thông tin về sự kiện đều xoay quanh chiếc máy bay này, cùng với đó là những đồn đoán về tính năng mà nó sẽ được trang bị.

Phương Tây kinh ngạc trước năng lực chiến đấu tiêm kích mới của Nga - 3

Mẫu tiêm kích mới của Nga hứa hẹn sẽ làm "mưa làm, làm gió" trên thị trường vũ khí thế giới. (Ảnh: MAKS)

"Nếu Nga phát triển tiêm kích một động cơ thì đó sẽ là vấn đề lớn”,  Tyler Rogoway, một chuyên gia quân sự người Mỹ viết trên Twitter.

Rogoway cho rằng việc có được một máy bay chiến đấu hiện đại bằng kinh nghiệm có được từ chương trình Su-57 (chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên của Nga), kết hợp với hệ thống điện tử hàng không mới có thể được coi là bước tiến lớn của ngành công nghiệp hàng không Nga.

Một số nhà quan sát Mỹ cho rằng một số quốc gia trên thế giới có thể sớm tìm đến Nga để mua "Checkmate", nó là một sự thay thế phù hợp cho F-35 của Lockheed Martin.

"Trên thực tế, việc tận dụng các công nghệ của Su-57 dường như là một trong những nền tảng tạo nên thành công cho Checkmate. Không chỉ hứa hẹn giảm chi phí phát triển mà khi kết hợp với thiết kế mở nó còn cho phép khách hàng lựa chọn cấu hình tùy biến mà họ cần trên một máy bay chiến thuật hạng nhẹ (LTS)”, theo tờ The Drive.

Các chuyên gia quân sự của The Drive cũng cho biết, điều thú vị hơn là người Nga quan tâm đến việc phát triển phiên bản không người lái của "Checkmate".

Phương Tây kinh ngạc trước năng lực chiến đấu tiêm kích mới của Nga - 4

Tiêm kích "Checkmate" với mẫu động cơ phản lực mới. (Ảnh: MAKS)

Lấy cảm hứng từ Su-57

Theo các nhà quan sát, "Checkmate" dường như được lấy cảm hứng từ Sukhoi Su-57, một máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 hai động cơ, được phát triển cho cả hoạt động đối không và đối đất. Su-57 tự hào có khả năng siêu cơ động, cất và hạ cánh ngắn, mức độ bảo vệ cao và một loạt các tính năng công nghệ tiên tiến.

Vào tháng 3/2018, Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ rằng các máy bay Su-57 đã được thử nghiệm ở Syria. Đồng thời cho biết rằng các phi công Su-57 đã thực hiện hơn 10 nhiệm vụ ở Syria. Các hoạt động này là một phần của cuộc thử nghiệm nhằm chứng minh khả năng của Su-57 trong môi trường chiến đấu thực tế.

Trong khi đó, các nhà thiết kế của Sukhoi vẫn đang cho ra các gói nâng cấp khác của Su-57. Các phiên bản tiếp theo của dòng máy bay này sẽ có những cải tiến về khí động học, hệ thống động cơ mới, cải tiến vật liệu chế tạo máy bay và cả các nâng cấp về trang thiết bị hàng không. Một trong số đó là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cho hỗ trợ bay và điều khiển hệ thống vũ khí.

Trà Khánh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp